Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh được cấp cho ai?

Ai được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh?

Nội dung chính

    Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh được cấp cho ai?

    Căn cứ theo Điều 144 Luật Đất đai 2024 quy định như sau:

    Cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất đối với đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh
    Việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất đối với đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng hoặc được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đưa vào danh mục kiểm kê di tích theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa được thực hiện như sau:
    1. Trường hợp đất chỉ do một cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng thì Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất được cấp cho cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân đó;
    2. Trường hợp có nhiều người sử dụng đất, có nhiều loại đất khác nhau thì cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất cho từng người sử dụng đất. Người sử dụng đất phải tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh.

    Như vậy, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh sẽ được cấp cho cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, hoặc cá nhân đang sử dụng đất đó, tuỳ theo các trường hợp như quy định trên.

    Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh được cấp cho ai?

    Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh được cấp cho ai? (Hình ảnh từ Internet)

    Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm gì đối với đất di tích lịch sử khi bị sử dụng trái pháp luật?

    Căn cứ theo khoản 1 Điều 211 Luật Đất đai 2024 quy định như sau:

    Đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di sản thiên nhiên
    1. Đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di sản thiên nhiên đã được xếp hạng hoặc được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đưa vào danh mục kiểm kê di tích theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa thì phải được quản lý theo quy định sau đây:
    a) Đối với đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di sản thiên nhiên do tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư trực tiếp quản lý theo quy định của pháp luật thì tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư đó chịu trách nhiệm chính trong việc sử dụng đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di sản thiên nhiên;
    b) Đối với đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di sản thiên nhiên không thuộc quy định tại điểm a khoản này thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di sản thiên nhiên chịu trách nhiệm trong việc quản lý diện tích đất này;

    c) Đối với đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di sản thiên nhiên bị lấn, bị chiếm, sử dụng không đúng mục đích, sử dụng trái pháp luật thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị với cơ quan, người có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật.

    ...

    Như vậy, khi phát hiện đất bị sử dụng trái pháp luật thì Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm ngăn chặn và xử lý đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh bị sử dụng không đúng mục đích hoặc trái pháp luật theo thẩm quyền hoặc kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật.

    Lấn chiếm đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di sản thiên nhiên bị phạt hành chính bao nhiêu?

    Căn cứ theo khoản 7 Điều 20 Nghị định 38/2021/NĐ-CP, bổ sung bởi điểm c khoản 3 Điều 5 Nghị định 129/2021/NĐ-CP quy định như sau:

    Vi phạm quy định về bảo vệ di sản văn hóa
    ...
    7. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
    a) Hủy hoại, làm thay đổi yếu tố gốc cấu thành di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh;
    b) Lấn chiếm đất đai thuộc di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trừ trường hợp vi phạm các quy định về di sản thiên nhiên được quy định tại Luật bảo vệ môi trường;
    c) Sử dụng trái phép di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh;
    d) Làm bản sao di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia mà không có giấy phép theo quy định;
    đ) Mua, bán, trao đổi, vận chuyển trái phép trên lãnh thổ Việt Nam di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh và di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia có nguồn gốc bất hợp pháp;
    ...

    Theo như quy định trên thì hành vi lấn chiếm đất thuộc di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh bị phạt từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

    Lưu ý: Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính mức phạt tiền đối với tổ chức gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân (khoản 3 Điều 5 Nghị định 38/2021/NĐ-CP).

    13