Di sản là quyền sử dụng đất thì hồ sơ yêu cầu công chứng văn bản phân chia di sản phải có các giấy tờ gì?

Chuyên viên pháp lý: Nguyễn Xuân An Giang
Tham vấn bởi Luật sư: Phạm Thanh Hữu
Di sản là quyền sử dụng đất thì hồ sơ yêu cầu công chứng văn bản phân chia di sản phải có các giấy tờ gì? Văn bản về thừa kế di sản là quyền sử dụng đất có cần công chứng không?

Nội dung chính

    Di sản là quyền sử dụng đất thì hồ sơ yêu cầu công chứng văn bản phân chia di sản phải có các giấy tờ gì?

    Căn cứ khoản 2 Điều 59 Luật Công chứng 2024 quy định như sau:

    Điều 59. Công chứng văn bản phân chia di sản
    [...]
    2. Ngoài các giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều 42 hoặc khoản 1 Điều 43 của Luật này, hồ sơ yêu cầu công chứng văn bản phân chia di sản còn phải có các giấy tờ sau đây:
    a) Giấy chứng tử hoặc giấy tờ khác theo quy định của pháp luật chứng minh người để lại di sản đã chết;
    b) Di chúc trong trường hợp thừa kế theo di chúc; giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người được hưởng di sản trong trường hợp thừa kế theo pháp luật và trường hợp người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc theo quy định của Bộ luật Dân sự;
    c) Giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản của người để lại di sản trong trường hợp di sản là quyền sử dụng đất hoặc tài sản pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu.
    [...]

    Dẫn chiếu đến khoản 1 Điều 42 Luật Công chứng 2024 quy định như sau:

    Điều 42. Công chứng giao dịch đã được soạn thảo sẵn
    1. Người yêu cầu công chứng nộp 01 bộ hồ sơ yêu cầu công chứng trực tuyến, trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu chính đến tổ chức hành nghề công chứng. Hồ sơ yêu cầu công chứng bao gồm các giấy tờ sau đây:
    a) Dự thảo giao dịch;
    b) Bản sao giấy tờ tùy thân của người yêu cầu công chứng, gồm: thẻ căn cước hoặc hộ chiếu hoặc giấy tờ khác để xác định nhân thân của người yêu cầu công chứng theo quy định của pháp luật;
    c) Bản sao giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản hoặc bản án, quyết định của Tòa án hoặc quyết định khác của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc xử lý tài sản hoặc giấy tờ thay thế được pháp luật quy định đối với tài sản mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng trong trường hợp giao dịch liên quan đến tài sản đó;
    d) Bản sao giấy tờ khác có liên quan đến giao dịch mà pháp luật quy định phải có.
    Trường hợp tổ chức hành nghề công chứng đã khai thác được các thông tin quy định tại các điểm b, c và d khoản này trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu khác theo quy định của pháp luật thì người yêu cầu công chứng không phải nộp các giấy tờ này nhưng phải nộp phí khai thác dữ liệu theo quy định của pháp luật để tổ chức hành nghề công chứng khai thác dữ liệu.
    [...]

    Và khoản 1 Điều 43 Luật Công chứng 2024 quy định như sau:

    Điều 43. Công chứng giao dịch do công chứng viên soạn thảo theo đề nghị của người yêu cầu công chứng
    [...]
    1. Người yêu cầu công chứng nộp 01 bộ hồ sơ theo quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 Điều 42 của Luật này và nêu nội dung, mục đích giao kết giao dịch.
    [...]

    Như vậy, ngoài các giấy tờ theo quy định trên, hồ sơ yêu cầu công chứng văn bản phân chia di sản là quyền sử dụng đất phải có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất của người để lại di sản.

    Di sản là quyền sử dụng đất thì hồ sơ yêu cầu công chứng văn bản phân chia di sản phải có các giấy tờ gì?

    Di sản là quyền sử dụng đất thì hồ sơ yêu cầu công chứng văn bản phân chia di sản phải có các giấy tờ gì? (Hình từ Internet)

    Văn bản về thừa kế di sản là quyền sử dụng đất có cần phải công chứng không?

    Căn cứ khoản 3 Điều 27 Luật Đất đai 2024 quy định như sau:

    Điều 27. Quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất
    [...]
    3. Việc công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện các quyền của người sử dụng đất được thực hiện như sau:
    [...]
    c) Văn bản về thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật về dân sự;
    [...]

    Theo đó, văn bản về thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất cần được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật về dân sự.

    Chia di sản là quyền sử dụng đất như thế nào khi không có di chúc?

    Căn cứ Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015 quy định như sau:

    Điều 651. Người thừa kế theo pháp luật
    1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
    a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
    b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
    c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
    2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
    3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

    Theo đó, người có quyền thừa kế quyền sử dụng đất được chia thành ba hàng theo thứ tự ưu tiên hưởng di sản. Những người cùng hàng thừa kế sẽ chia di sản bằng nhau. Nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước, người ở hàng thừa kế sau mới được quyền hưởng di sản.

    Ngoài ra, căn cứ Điều 655 Bộ luật Dân sự 2015 quy định như sau:

    Điều 655. Việc thừa kế trong trường hợp vợ, chồng đã chia tài sản chung; vợ, chồng đang xin ly hôn hoặc đã kết hôn với người khác
    1. Trường hợp vợ, chồng đã chia tài sản chung khi hôn nhân còn tồn tại mà sau đó một người chết thì người còn sống vẫn được thừa kế di sản.
    2. Trường hợp vợ, chồng xin ly hôn mà chưa được hoặc đã được Tòa án cho ly hôn bằng bản án hoặc quyết định chưa có hiệu lực pháp luật, nếu một người chết thì người còn sống vẫn được thừa kế di sản.
    3. Người đang là vợ hoặc chồng của một người tại thời điểm người đó chết thì dù sau đó đã kết hôn với người khác vẫn được thừa kế di sản.

    Theo đó, trong các trường hợp vợ, chồng đã chia tài sản chung, đang xin ly hôn hoặc đã kết hôn với người khác, người còn sống vẫn có quyền thừa kế di sản. Tương tự, nếu vợ chồng đang xin ly hôn mà chưa có hiệu lực pháp lý hoặc đã ly hôn nhưng bản án chưa có hiệu lực, người còn sống cũng được thừa kế di sản.

    Ngoài ra, nếu người đang sống chung với người chết là vợ hoặc chồng tại thời điểm qua đời, họ vẫn có quyền thừa kế, dù sau đó có kết hôn với người khác.

    Như vậy, việc chia di sản là quyền sử dụng đất khi không có di chúc được quy định như trên.

    saved-content
    unsaved-content
    3