Điều kiện nhận thừa kế đất đai mà không có di chúc là gì? Tranh chấp chia thừa kế đất đai không có di chúc giải quyết thế nào?
Nội dung chính
Pháp luật quy định như thế nào về thừa kế đất đai không có di chúc?
Thừa kế là việc chuyển giao tài sản, bao gồm cả đất đai, từ người đã mất (người để lại di sản) sang cho người còn sống (người thừa kế). Tài sản mà người đã mất để lại gọi là di sản. Việc phân chia thừa kế có thể được xác định theo di chúc hoặc theo pháp luật.
Căn cứ theo Điều 650 Bộ luật Dân sự 2015, di sản không có di chúc sẽ được phân chia theo pháp luật.
Các trường hợp được xem là không có di chúc:
(1) Người để lại tài sản không lập di chúc trước khi qua đời.
(2) Di chúc được lập nhưng không đáp ứng các điều kiện về tính hợp pháp của di chúc theo quy định của Bộ luật dân sự 2015. Điều này có thể bao gồm:
- Người lập di chúc không có năng lực hành vi dân sự tại thời điểm lập di chúc.
- Di chúc không được lập tự nguyện, không rõ ràng, bị ép buộc hoặc lừa dối.
- Di chúc không được lập đúng hình thức theo quy định (ví dụ, di chúc bằng văn bản phải có chứng thực hoặc chứng nhận trong một số trường hợp).
(3) Di chúc đã được lập nhưng bị mất hoặc không tìm thấy sau khi người lập di chúc qua đời, và không có bản sao hoặc bản sao không hợp pháp nào tồn tại..
Điều kiện nhận thừa kế đất đai mà không có di chúc là gì?
Căn cứ theo Điều 613 Bộ luật Dân sự 2015, người thừa kế phải còn sống tại thời điểm người để lại di sản chết hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Trường hợp người thừa kế theo di chúc không là cá nhân thì phải tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.
Ngoài ra, Điều 621 Bộ luật Dân sự 2015 còn quy định những đối tượng bị tước quyền thừa kế khi:
- Người bị kết án về tội cố ý gây thương tích, giết người hoặc các tội xâm phạm sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người để lại di sản.
- Người cố ý xâm phạm tính mạng của người thừa kế khác nhằm chiếm đoạt một phần hoặc toàn bộ di sản mà người đó đáng ra được hưởng.
- Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật đối với người để lại di sản.
- Người có hành vi làm giả, sửa đổi, hủy hoại di chúc hoặc lợi dụng người khác để lập di chúc trái với ý muốn của người lập di chúc.
Như vậy, điều kiện để được nhận thừa kế đất đai theo pháp luật là người thừa kế phải còn sống tại thời điểm người để lại di sản chết hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Đồng thời, không thuộc những đối tượng bị tước quyền thừa kế.
Điều kiện nhận thừa kế đất đai mà không có di chúc là gì? Tranh chấp chia thừa kế đất đai không có di chúc giải quyết thế nào? (Hình ảnh từ internet)
Tranh chấp chia thừa kế đất đai không có di chúc giải quyết thế nào?
Tranh chấp thừa kế về đất đai rất dễ dẫn đến xung đột giữa những người đủ điều kiện nhận thừa kế đất đai. Vì vậy, việc giải quyết thông qua đàm phán và thương lượng luôn được ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, nếu các bên không thể đạt được sự đồng thuận, việc khởi kiện tại tòa án là biện pháp pháp lý thích hợp để bảo vệ quyền lợi của mình.
Bước 1: Nộp đơn khởi kiện
Căn cứ vào Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ đối với các vụ án dân sự như sau:
Thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ
a) Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các Điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này;
b) Các đương sự có quyền tự thỏa thuận với nhau bằng văn bản yêu cầu Tòa án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cá nhân hoặc nơi có trụ sở của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cơ quan, tổ chức giải quyết những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này;
c) Đối tượng tranh chấp là bất động sản thì chỉ Tòa án nơi có bất động sản có thẩm quyền giải quyết.
Trường hợp tranh chấp thừa kế mà tài sản tranh chấp là đất đai thì thẩm quyền giải quyết thuộc về toà án có thẩm quyền tại nơi có bất động sản.
Theo quy định tại khoản 7 Điều 26 và Điều 35 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, tranh chấp về thừa kế sẽ được Tòa án giải quyết. Cụ thể:
Thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện
1. Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp sau đây:
a) Tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình quy định tại Điều 26 và Điều 28 của Bộ luật này, trừ tranh chấp quy định tại khoản 7 Điều 26 của Bộ luật này;...
Như vậy các vụ tranh chấp thừa kế thông thường sẽ do Tòa án nhân dân cấp huyện thụ lý và giải quyết theo thủ tục sơ thẩm.
Đối với các vụ tranh chấp thừa kế có yếu tố nước ngoài, chẳng hạn như tài sản tranh chấp nằm ở nước ngoài hoặc một trong các bên tranh chấp có quốc tịch nước ngoài, thì Tòa án nhân dân cấp tỉnh sẽ có thẩm quyền giải quyết.
Theo quy định tại Điều 190 Bộ Luật tố tụng dân sự 2015, người khởi kiện cần gửi đơn kiện cùng các tài liệu, chứng cứ liên quan đến vụ việc tranh chấp thừa kế đến Toà án có thẩm quyền theo các phương thức sau:
Gửi đơn khởi kiện đến Tòa án
1. Người khởi kiện gửi đơn khởi kiện kèm theo tài liệu, chứng cứ mà mình hiện có đến Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án bằng các phương thức sau đây:
a) Nộp trực tiếp tại Tòa án;
b) Gửi đến Tòa án theo đường dịch vụ bưu chính;
c) Gửi trực tuyến bằng hình thức điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có)....
Bước 2: Sau khi nhận được đơn khởi kiện, Tòa án sẽ xem xét và quyết định có thụ lý vụ án hay không.
(1) Nếu đủ điều kiện, Tòa án sẽ ra quyết định thụ lý vụ án và thông báo cho các bên liên quan.
(2) Căn cứ theo quy định tại Điều 195 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, thì Thẩm phán thụ lý vụ án khi người khởi kiện nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí.
Bước 3: Tiến hành tố tụng:
(1) Giai đoạn hòa giải: Tòa án sẽ tổ chức phiên hòa giải để các bên tự thỏa thuận. Nếu hòa giải thành, Thẩm phán chủ trì phiên hòa giải hoặc một Thẩm phán được Chánh án Tòa án phân công phải ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự theo quy định tại Điều 212 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.
(2) Giai đoạn chuẩn bị xét xử: Theo Điều 203 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định thời hạn chuẩn bị xét xử các loại vụ án (trừ các vụ án được xét xử theo thủ tục rút gọn hoặc vụ án có yếu tố nước ngoài) từ 01 tháng đến 04 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án.
(3) Giai đoạn xét xử sơ thẩm:
Thành phần tham gia phiên tòa được quy định từ Điều 227 đến Điều 232 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, gồm: Đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; Người đại diện của đương sự; Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự; Người làm chứng; Người giám định và Người phiên dịch, Kiểm sát viên.
Sau khi xét xử sơ thẩm vụ án, Bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm trong thời hạn do Bộ luật này quy định thì có hiệu lực pháp luật. Trường hợp các bên đương sự không đồng ý với bản án mà Tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên thì có quyền nộp đơn kháng cáo yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm xem xét lại nội dung bản án theo quy định tại Điều 17 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.
Thời hạn các bên kháng cáo là 15 ngày kể từ ngày tuyên án, trường hợp đương sự vắng mặt khi tuyên án mà có lý do chính đáng thì thời gian 15 ngày được tính từ ngày họ nhận được bản án hoặc bản án được tuyên án theo quy định tại Điều 273 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.