Tách hộ khẩu rồi thì có được hưởng thừa kế đất đai từ bố mẹ?
Nội dung chính
Tách hộ khẩu được hiểu thế nào?
Tuy không có quy định nào giải thích về "tách hộ khẩu". Tuy nhiên, tách hộ khẩu là việc công dân đang đăng ký thường trú tại một địa phương, có tên trong hộ khẩu thường trú thực hiện các thủ tục để xóa tên trong hộ khẩu thường trú đó để đăng ký hộ khẩu mới tại cùng một địa phương.
Tách khẩu khẩu rồi thì có được hưởng thừa kết đất đai từ bố mẹ?
Trong quy định Bộ luật Dân sự 2015 thì việc hưởng thừa kế đất đai của bố mẹ có thể thông qua di chúc hoặc được chia theo quy định của pháp luật.
(1) Hưởng thừa kế đất đai theo di chúc
Căn cứ quy định tại Điều 624 Bộ luật Dân sự 2015 định nghĩa di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết.
Việc định đoạt và phân chia tài sản của người để lại di sản hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí của người lập di chúc và nội dung di chúc đó.
Lưu ý:
Những người được quy định tại Điều 621 Bộ luật Dân sự 2015 không được quyền hưởng di sản.
Tuy nhiên, những người được nêu trên vẫn được hưởng di sản, nếu người để lại di sản đã biết hành vi của những người đó, nhưng vẫn cho họ hưởng di sản theo di chúc.
(2) Hưởng thừa kế đất đai theo pháp luật
Thừa kế theo pháp luật là thừa kế theo hàng thừa kế quy định tại Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015, như sau:
- Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
- Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
- Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
Từ (1), (2) có thể hiểu rằng, việc tách hộ khẩu không ảnh hưởng đến quyền hưởng thừa kế đất đai từ bố mẹ, vì quyền thừa kế được xác định dựa trên quan hệ huyết thống và các quy định pháp luật về thừa kế, không phụ thuộc vào việc có tách hộ khẩu hay không.
Khi một người tách khẩu, họ vẫn giữ nguyên quyền lợi thừa kế đất đai nếu được thừa kế theo di chúc hoặc thuộc hàng thừa kế theo pháp luật. Theo Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015, người tách khẩu vẫn có thể là người thừa kế hợp pháp trong hàng thừa kế thứ nhất (vợ, chồng, cha mẹ, con) nếu người để lại di sản không có di chúc hoặc di chúc không quy định khác. Trong trường hợp có di chúc, quyền thừa kế sẽ dựa vào nội dung của di chúc đó, miễn là không vi phạm các quy định về người thừa kế bắt buộc.
Lưu ý: Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó:
- Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;
- Con thành niên mà không có khả năng lao động.
Vì vậy, dù đã tách hộ khẩu, nếu là con đẻ hoặc con nuôi của người để lại di sản, hoặc thuộc các hàng thừa kế theo pháp luật, người đó vẫn có quyền hưởng thừa kế đất đai từ bố mẹ như bình thường. Việc tách hộ khẩu chỉ ảnh hưởng đến vấn đề quản lý cư trú, không làm thay đổi quyền lợi thừa kế tài sản.
Tách hộ khẩu rồi thì có được hưởng thừa kế đất đai từ bố mẹ? (Hình từ Internet)
Thời hiệu thừa kế đất đai được quy định thế nào?
Căn cứ Điều 623 Bộ luật Dân sự 2015 thì thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với đất đai. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó.
Trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản thì di sản được giải quyết như sau:
- Di sản thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu theo quy định tại Điều 236 Bộ luật Dân sự 2015;
- Di sản thuộc về Nhà nước, nếu không có người chiếm hữu quy định tại điểm a khoản 1 Điều 623 Bộ luật Dân sự 2015.
Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.
Thời hiệu yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là 03 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.