Di chúc thừa kế đất đai không công chứng có được coi là hợp pháp không?
Nội dung chính
Di chúc thừa kế đất đai không công chứng có được coi là hợp pháp không?
Căn cứ theo khoản 4 Điều 630 Bộ luật Dân sự 2015 quy định di chúc thừa kế đất đai bằng văn bản không có công chứng, chứng thực chỉ được coi là hợp pháp, nếu có đủ các điều kiện được quy định tại khoản 1 Điều Điều 630 Bộ luật Dân sự 2015.
Do đó, căn cứ theo khoản 1 Điều Điều 630 Bộ luật Dân sự 2015 quy định di chúc thừa kế đất đai hợp pháp phải đảm bảo đáp ứng đầy đủ các điều kiện như sau:
- Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép;
- Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.
Như vậy, di chúc thừa kế đất đai bằng văn bản không chứng chỉ được coi là hợp pháp nếu có đáp ứng đủ 02 điều kiện trên.
Hiệu lực của di chúc được quy định như thế nào?
Căn cứ theo Điều 643 Bộ luật Dân sự 2015 quy định hiệu lực của di chúc cụ thể như sau:
(1) Di chúc có hiệu lực từ thời điểm mở thừa kế.
(2) Di chúc không có hiệu lực toàn bộ hoặc một phần trong trường hợp sau đây:
- Người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc;
- Cơ quan, tổ chức được chỉ định là người thừa kế không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.
+ Trường hợp có nhiều người thừa kế theo di chúc mà có người chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc, một trong nhiều cơ quan, tổ chức được chỉ định hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế thì chỉ phần di chúc có liên quan đến cá nhân, cơ quan, tổ chức này không có hiệu lực.
(3) Di chúc không có hiệu lực, nếu di sản để lại cho người thừa kế không còn vào thời điểm mở thừa kế; nếu di sản để lại cho người thừa kế chỉ còn một phần thì phần di chúc về phần di sản còn lại vẫn có hiệu lực.
(4) Khi di chúc có phần không hợp pháp mà không ảnh hưởng đến hiệu lực của các phần còn lại thì chỉ phần đó không có hiệu lực.
(5) Khi một người để lại nhiều bản di chúc đối với một tài sản thì chỉ bản di chúc sau cùng có hiệu lực.
Di chúc thừa kế đất đai không công chứng có được coi là hợp pháp không? (Hình từ Internet)
Trường hợp nào nhận thừa kế quyền sử dụng đất nhưng không được cấp Sổ đỏ?
Căn cứ theo khoản 3 Điều 44 Luật Đất đai 2024 quy định như sau:
Quyền và nghĩa vụ về sử dụng đất ở của người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam; người nước ngoài hoặc người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài không thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam
...
3. Trường hợp tất cả người nhận thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất đều là người nước ngoài hoặc người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài không thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam quy định tại khoản 1 Điều này thì người nhận thừa kế không được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất nhưng được chuyển nhượng hoặc được tặng cho quyền sử dụng đất thừa kế theo quy định sau đây:
a) Trong trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì bên chuyển nhượng trong hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất là người nhận thừa kế;
b) Trong trường hợp tặng cho quyền sử dụng đất thì người được tặng cho phải là đối tượng được quy định tại điểm e khoản 1 Điều 37 của Luật này và phù hợp với quy định của pháp luật về nhà ở, trong đó người nhận thừa kế được đứng tên là bên tặng cho trong hợp đồng hoặc văn bản cam kết tặng cho;
c) Trong trường hợp chưa chuyển nhượng hoặc chưa tặng cho quyền sử dụng đất thì người nhận thừa kế hoặc người đại diện theo ủy quyền bằng văn bản nộp hồ sơ về việc nhận thừa kế tại tổ chức đăng ký đất đai để cập nhật vào Sổ địa chính.
Như vậy, nếu người nhận di sản thừa kế là người nước ngoài hoặc người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài không thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam quy định tại khoản 1 Điều 44 Luật Đất đai 2024 thì người nhận thừa kế không được cấp Sổ đỏ.
Tuy nhiên, họ được chuyển nhượng hoặc được tặng cho quyền sử dụng đất thừa kế.
Người sử dụng đất không được cấp Sổ đỏ trong trường hợp nào?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 151 Luật Đất đai 2024 quy định người sử dụng đất không được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất (còn được gọi phổ biến là Sổ đỏ) trong các trường hợp như sau:
- Đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích theo quy định tại Điều 179 Luật Đất đai 2024;
- Đất được giao để quản lý thuộc các trường hợp quy định tại Điều 7 Luật Đất đai 2024, trừ trường hợp đất được giao sử dụng chung với đất được giao để quản lý thì được cấp Sổ đỏ đối với phần diện tích đất sử dụng theo quyết định giao đất, cho thuê đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
- Đất thuê, thuê lại của người sử dụng đất, trừ trường hợp thuê, thuê lại đất của chủ đầu tư xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng, phù hợp với dự án đầu tư đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;
- Đất nhận khoán, trừ trường hợp được công nhận quyền sử dụng đất tại điểm a khoản 2 Điều 181 Luật Đất đai 2024;
- Đất đã có quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp đã quá 03 năm kể từ thời điểm có quyết định thu hồi đất mà không thực hiện;
- Đất đang có tranh chấp, đang bị kê biên, áp dụng biện pháp khác để bảo đảm thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự; quyền sử dụng đất đang bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của pháp luật;
- Tổ chức được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất để sử dụng vào mục đích công cộng không nhằm mục đích kinh doanh.