Có bao nhiêu phương pháp đo đạc lập bản đồ địa chính từ năm 2025?

Chuyên viên pháp lý: Nguyễn Mai Bảo Ngọc
Tham vấn bởi Luật sư: Nguyễn Thụy Hân
Có bao nhiêu phương pháp đo đạc lập bản đồ địa chính từ năm 2025? Phương pháp đo đạc lập bản đồ địa chính được áp dụng để thành lập bản đồ địa chính theo từng tỷ lệ như thế nào?

Nội dung chính

    Có bao nhiêu phương pháp đo đạc lập bản đồ địa chính từ năm 2025?

    Ngày 26/11/2024, Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư 26/2024/TT-BTNMT Quy định kỹ thuật về đo đạc lập bản đồ địa chính.

    Lưu ý, Thông tư 26/2024/TT-BTNMT có hiệu lực từ ngày 15/01/2025.

    Căn cứ theo khoản 1 Điều 7 Thông tư 26/2024/TT-BTNMT quy định về phương pháp đo đạc lập bản đồ địa chính cụ thể như sau:

    - Phương pháp đo đạc gồm phương pháp đo trực tiếp tại thực địa và phương pháp đo từ ảnh hàng không kết hợp với đo trực tiếp tại thực địa, cụ thể:

    + Phương pháp đo trực tiếp tại thực địa sử dụng thiết bị đo tích hợp chức năng đo góc và đo chiều dài chính xác mà số liệu đo được đọc tự động, hiển thị trên màn hình và có thể ghi lại được dưới dạng tệp số liệu trong cùng một thiết bị (sau đây gọi là máy toàn đạc điện tử) là chủ yếu, có kết hợp với việc sử dụng thước thép hoặc máy đo chiều dài;

    + Phương pháp đo trực tiếp tại thực địa sử dụng công nghệ định vị, dẫn đường bằng hệ thống vệ tinh toàn cầu Global Navigation Sattelite System GNSS (sau đây gọi là công nghệ GNSS) là chủ yếu, có kết hợp với việc sử dụng máy toàn đạc điện tử hoặc thước thép hoặc máy đo chiều dài;

    + Phương pháp đo từ ảnh hàng không, gồm ảnh chụp từ máy bay hoặc các thiết bị bay khác (sau đây gọi là ảnh hàng không), kết hợp với phương pháp đo trực tiếp tại thực địa.

    Có bao nhiêu phương pháp đo đạc lập bản đồ địa chính từ năm 2025?

    Có bao nhiêu phương pháp đo đạc lập bản đồ địa chính từ năm 2025? (Hình từ Internet)

    Phương pháp đo đạc lập bản đồ địa chính được áp dụng để thành lập bản đồ địa chính theo từng tỷ lệ như thế nào?

    Căn cứ theo khoản 2 Điều 7 Thông tư 26/2024/TT-BTNMT quy định về phương pháp đo đạc lập bản đồ địa chính được áp dụng để thành lập bản đồ địa chính theo từng tỷ lệ cụ thể như sau:

    - Phương pháp đo đạc quy định tại điểm a khoản 1 Điều 7 Thông tư 26/2024/TT-BTNMT được áp dụng để thành lập bản đồ địa chính các tỷ lệ;

    - Phương pháp đo đạc quy định tại điểm b khoản 1 Điều 7 Thông tư 26/2024/TT-BTNMT được áp dụng để thành lập bản đồ địa chính tỷ lệ 1:1.000 trừ khu vực đất ở, tỷ lệ 1:2.000, 1:5.000 và 1:10.000;

    - Phương pháp đo đạc quy định tại điểm c khoản 1 Điều 7 Thông tư 26/2024/TT-BTNMT được áp dụng để thành lập bản đồ địa chính các tỷ lệ 1:2.000, 1:5.000 và 1:10.000;

    - Việc lựa chọn phương pháp đo đạc được xác định cụ thể cho từng khu đo để đảm bảo yêu cầu về độ chính xác của bản đồ địa chính tương ứng theo từng tỷ lệ quy định tại Điều 8 Thông tư 26/2024/TT-BTNMT; phạm vi, yêu cầu kỹ thuật và giải pháp thực hiện được nêu rõ trong thiết kế kỹ thuật - dự toán, phương án nhiệm vụ.

    Ranh giới thửa đất trên bản đồ địa chính được xác định như thế nào?

    Căn cứ theo khoản 1 Điều 13 Thông tư 26/2024/TT-BTNMT quy định ranh giới thửa đất trên bản đồ địa chính được xác định như sau:

    (1) Ranh giới giữa các thửa đất liền kề được xác định theo đường phân chia phần đất giữa người sử dụng đất, người quản lý đất với nhau và được xác định theo quy định về ranh giới giữa các bất động sản của pháp luật dân sự;

    (2) Ranh giới thửa đất được xác định theo đường bao khép kín phần đất có cùng loại đất hoặc phần đất có đất ở gắn liền với loại đất khác của một người sử dụng đất hoặc của nhiều người có chung quyền sử dụng đất (đồng sử dụng) hoặc của một người quản lý đất.

    - Trường hợp phần đất có nhiều loại đất khác nhau mà trong đó không có đất ở và phạm vi ranh giới từng loại đất không đủ điều kiện để hình thành thửa đất riêng thì ranh giới thửa đất xác định theo đường bao ngoài cùng của toàn bộ phần đất có các loại đất khác nhau đó.

    - Ranh giới thửa đất được thể hiện bằng đường thẳng nối các điểm thay đổi hướng đường ranh giới của phần đất (gọi là đỉnh thửa) liền kề nhau bằng các đoạn thẳng (gọi là cạnh thửa) tạo thành đường bao khép kín;

    - Trường hợp các điểm thay đổi hướng đường ranh giới của phần đất cách nhau khoảng cách ngắn (quá gần nhau) tạo thành đường có dạng hình cong thì việc xác định đỉnh thửa đảm bảo khoảng cách từ đường nối hai điểm thay đổi hướng đến đỉnh cong của đoạn nối không lớn hơn 0,2 mm theo tỷ lệ bản đồ cần lập;

    (3) Trường hợp khu vực đất nông nghiệp có đường phân chia loại đất và người sử dụng đất, người quản lý đất là bờ đất hoặc rãnh nước có độ rộng dưới 0,5 m trên thực địa nhưng không phải là bờ đất, rãnh nước dùng chung cho cả khu vực thì ranh giới thửa đất là đường tâm của bờ đất, rãnh nước đó;

    - Trường hợp đường phân chia loại đất và người sử dụng đất, người quản lý đất là bờ đất hoặc rãnh nước dùng chung cho cả khu vực thì ranh giới thửa đất được xác định theo mép bờ đất hoặc rãnh nước đó.

    - Đối với khu vực có dạng ruộng bậc thang thì ranh giới thửa đất được xác định là đường bao ngoài cùng, bao gồm các bậc thang liền kề có cùng loại đất, thuộc phạm vi sử dụng của một người sử dụng đất hoặc của nhiều người có chung quyền sử dụng đất (đồng sử dụng) mà không phân biệt theo các đường bờ chia cắt bậc thang bên trong;

    (4) Trường hợp đất là đối tượng chiếm đất không tạo thành thửa đất thì ranh giới thửa đất xác định theo ranh giới chiếm đất, được giới hạn trong phạm vi một tờ bản đồ, tùy theo điều kiện cụ thể của khu đo mà xác định bằng đường ranh giới khu đo hoặc bằng đường địa giới đơn vị hành chính hoặc bằng khung trong của tờ bản đồ hoặc theo yêu cầu công tác quản lý đất đai.

    - Trường hợp đối tượng chiếm đất không tạo thành thửa đất là các đối tượng dạng vùng cùng kiểu (cùng kiểu đối tượng giao thông hoặc cùng kiểu đối tượng thủy văn hoặc cùng kiểu đối tượng khác) giao cắt cùng mức thì biên tập thửa đất theo ranh giới chiếm đất chung theo ranh giới chiếm đất ngoài cùng;

    - Trường hợp các đối tượng dạng vùng không cùng kiểu (không cùng kiểu đối tượng giao thông hoặc không cùng kiểu đối tượng thủy văn) hoặc cùng kiểu nhưng giao cắt không cùng mức thì biên tập thửa đất tại phần giao nhau của hình chiếu thẳng đứng của các đối tượng đó trên mặt đất theo đối tượng được giao quản lý đất.

    (5) Trường hợp đất do các công ty nông, lâm nghiệp đang quản lý, sử dụng theo quy định tại Điều 181 Luật Đất đai 2024 thì ranh giới sử dụng đất được lập đến từng khu đất.

    18
    Quản lý: Công ty TNHH THƯ VIỆN NHÀ ĐẤT Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số ..., do ... cấp ngày ... (dự kiến) Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ