Chị em ruột cùng đứng tên trên sổ đỏ, một người qua đời thì người kia có được bán đất không?
Nội dung chính
Chị em ruột cùng đứng tên trên sổ đỏ, một người qua đời thì người kia có được bán đất không?
Tình huống được đặt ra là: "Chị em ruột cùng đứng tên trên sổ đỏ, một người qua đời thì người kia có được bán đất không?".
Để giải quyết tình huống này, phải giải quyết được, khi 2 chị em ruột cùng đứng tên trên sổ đỏ, một người qua đời thì người kia có toàn quyền tự quyết đối với thửa đất đó hay không. Tức là điều này còn phụ thuộc việc phân chia di sản đối với phần sở hữu thửa đất chung của người đã qua đời kia.
Cụ thể sẽ có 2 trường hợp sau:
Trường hợp 1: Người còn lại được tự quyết bán đất
(1) Có di chúc
- Di chúc để lại toàn bộ di sản cho người chị/em còn lại, hoặc
- Di chúc chia di sản cho nhiều người, nhưng phần di sản là thửa đất 2 người cùng đứng tên để lại cho người chị/em này.
Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết (Điều 624 Bộ luật Dân sự 2015).
Do vậy, nếu ý chí của người chị/em đã mất là 2 trường hợp liệt kê trên, thì lúc này người còn lại sẽ được toàn quyền quyết định đối với thửa đất mà cả 2 chị, em cùng đứng tên (1 phần sở hữu của mình và 1 phần còn lại nhận từ di sản thừa kế).
(2) Không có di chúc
Chia thừa kế theo pháp luật tại Chương XXIII Bộ luật Dân sự 2015. Vì quan hệ chị em ruột thuộc hàng thừa kế thứ 2 theo khoản 1 Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015. Để người còn lại có quyền tự quyết bán đất, thì:
Khi này phải đáp ứng được 02 điều kiện:
- Người chị/em mất không còn ai ở hàng thừa kế thứ nhất: tức vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi.
- Hàng thừa kế thứ 02 chỉ còn lại người chị/em cùng đứng trên sổ đỏ, tức không còn ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, cũng không còn anh, chị, em nào khác nữa (ngoài người chị/em cùng đứng tên trên sổ kia).
Khi đó, người chị/em cùng đứng tên trên sổ đỏ sẽ là người thừa kế duy nhất của hàng thứ 2 và sẽ hưởng toàn bộ phần di sản của người mất. Bao gồm cả quyền liên quan đến thửa đất cả 2 cùng đứng tên.
Nên có toàn quyền quyết định đối với thửa đất đó.
Trường hợp 2: Người còn lại không được tự quyết bán đất
(1) Có di chúc
- Di chúc không chia di sản cho người chị/em còn lại, hoặc
- Di chúc chia quyền đối với thửa đất cả 2 cùng đứng tên cho nhiều người.
Lúc này, quyền đối với phần di sản là phần sở hữu của người mất đối với thửa đất sẽ thuộc về nhiều người khác hoặc nhiều người theo ý chí của người để lại di chúc.
Nên lúc này, muốn bán đất phải được sự đồng ý của những người thừa kế đối với 1 phần thửa đất mà cả 2 cùng đang đứng tên.
(2) Không có di chúc
Chia di sản theo pháp luật, người còn lại không được quyền tự quyết khi:
- Còn người ở hàng thừa kế thứ nhất, hoặc
- Không còn người ở hàng thừa kế thứ nhất nhưng còn nhiều người ở hàng thừa kế thứ 2.
Khi đó di sản mà người chị/em đã mất để lại sẽ được chia đều cho các người thuộc diện thừa kế. Kể cả 1 phần giá trị thửa đất mà 2 chị, em đang cùng đứng tên.
Nên khi người còn lại muốn bán đất sẽ không được tự quyết mà phải được sự đồng ý của các người thừa kế.
Lưu ý: Nội dung bài viết Chị em ruột cùng đứng tên trên sổ đỏ, một người qua đời thì người kia có được bán đất không? chỉ mang tính chất tham khảo thêm!
Chị em ruột cùng đứng tên trên sổ đỏ, một người qua đời thì người kia có được bán đất không? (Hình từ Internet)
Sổ đỏ chung là gì? Có cần cấp sổ đỏ cho từng người trong trường hợp sở hữu chung hay không?
Hiện nay không có định nghĩa cụ thể thế nào là sổ đỏ chung hay nhà sổ chung, nhưng có thể hiểu trường hợp này là quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và các tài sản gắn liền với đất nằm trên một giấy chứng nhận có ít nhất 02 người đứng tên, và các người này không có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng với nhau.
Căn cứ vào khoản 2 Điều 135 Luật Đất đai 2024 quy định về nguyên tắc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất như sau:
Điều 135. Nguyên tắc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất
[...]
2. Thửa đất có nhiều người chung quyền sử dụng đất, nhiều người sở hữu chung tài sản gắn liền với đất thì cấp cho mỗi người 01 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; trường hợp những người có chung quyền sử dụng đất, chung quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất có yêu cầu thì cấp chung 01 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và trao cho người đại diện.
Như vậy, trường hợp cấp sổ hồng, thì mỗi người sẽ được cấp sổ một Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất (sổ hồng). Chỉ khi nào có yêu cầu cấp một sổ đỏ chung cho người đại diện thì khi đó cơ quan có thẩm quyền mới tiến hành cấp một sổ duy nhất.
Hồ sơ tách thửa từ sổ chung gồm những gì?
Căn cứ vào khoản 1 Điều 7 Nghị định 101/2024/NĐ-CP quy định về trình tự, thủ tục tách thửa đất, hợp thửa đất thì hồ sơ tách thửa từ sổ chung phải gồm những giấy tờ sau đây:
- Đơn đề nghị tách thửa đất, hợp thửa đất theo Mẫu số 01/ĐK ban hành kèm theo Nghị định 101/2024/NĐ-CP;
- Bản vẽ tách thửa đất, hợp thửa đất lập theo Mẫu số 02/ĐK ban hành kèm theo Nghị định 101/2024/NĐ-CP do Văn phòng đăng ký đất đai, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện hoặc do đơn vị đo đạc có Giấy phép về hoạt động đo đạc, thành lập bản đồ địa chính thực hiện;
- Giấy chứng nhận đã cấp hoặc bản sao Giấy chứng nhận đã cấp kèm bản gốc để đối chiếu hoặc nộp bản sao có công chứng, chứng thực;
- Các văn bản của cơ quan có thẩm quyền có thể hiện nội dung tách thửa đất, hợp thửa đất (nếu có).