Hợp đồng đặt cọc mua đất không công chứng có giá trị không?

Chuyên viên pháp lý: Nguyễn Mai Bảo Ngọc
Tham vấn bởi Luật sư: Phạm Thanh Hữu
Hợp đồng đặt cọc mua đất không công chứng có giá trị không? Chuyển nhượng quyền sử dụng đất cần đáp ứng những điều kiện nào?

Nội dung chính

Hợp đồng đặt cọc mua đất không công chứng có giá trị không?

Hiện nay, mua đất có thể hiểu là chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quy định.

Căn cứ theo khoản 1 Điều 328 Bộ luật Dân sự 2015 quy định như sau:

Điều 328. Đặt cọc
1. Đặt cọc là việc một bên (sau đây gọi là bên đặt cọc) giao cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận đặt cọc) một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi chung là tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng.
...

Theo đó, có thể hiểu hợp đồng đặt cọc mua đất là một hợp đồng thể hiện việc bên nhận chuyển nhượng giao một khoản tiền hoặc tài sản khác theo quy định cho bên chuyển nhượng trong một thời hạn để đảm bảo việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Căn cứ theo Điều 116 Bộ luật Dân sự 2015 hợp đồng đặt cọc mua đất là một giao dịch dân sự.

Căn cứ theo Điều 119 Bộ luật Dân sự 2015 quy định như sau:

Điều 119. Hình thức giao dịch dân sự
1. Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể.
Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản.
2. Trường hợp luật quy định giao dịch dân sự phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng, chứng thực, đăng ký thì phải tuân theo quy định đó.
Đồng thời, khoản 3 Điều 27 Luật Đất đai 2024 quy định:
Quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất
...

Bên cạnh đó, căn cứ theo khoản 3 Điều 27 Luật Đất đai 2024 quy định như sau:

Điều 27. Quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất
...
3. Việc công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện các quyền của người sử dụng đất được thực hiện như sau:
a) Hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản này;
b) Hợp đồng cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, hợp đồng chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp; hợp đồng chuyển nhượng, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất mà một bên hoặc các bên tham gia giao dịch là tổ chức hoạt động kinh doanh bất động sản được công chứng hoặc chứng thực theo yêu cầu của các bên;
c) Văn bản về thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật về dân sự;
d) Việc công chứng, chứng thực thực hiện theo quy định của pháp luật về công chứng, chứng thực.

Do đó, Luật Đất đai 2024 không có quy định về việc hợp đồng đặt cọc mua đất phải công chứng, chứng thực. Vì vậy, căn cứ các quy định trên, hợp đồng đặt cọc mua đất không phải công chứng, chứng thực.

Như vậy, hợp đồng đặt cọc mua đất không công chứng vẫn có giá trị pháp lý theo quy định. Lưu ý, hợp đồng đặt cọc mua đất phải tuân thủ theo những quy định pháp luật và không có điều khoản nào trái với vi phạm pháp luật.

Hợp đồng đặt cọc mua đất không công chứng có giá trị không?

Hợp đồng đặt cọc mua đất không công chứng có giá trị không? (Hình từ Internet)

Chuyển nhượng quyền sử dụng đất cần đáp ứng những điều kiện nào?

Căn cứ theo Điều 45 Luật Đất đai 2024 quy định điều kiện thực hiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất như sau:

(1) Người sử dụng đất được thực hiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất khi có đủ các điều kiện sau đây:

- Có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 4 Điều 127 Luật Đất đai 2024

- Đất không có tranh chấp hoặc tranh chấp đã được giải quyết

- Quyền sử dụng đất không bị kê biên, áp dụng biện pháp khác để bảo đảm thi hành án theo quy định của pháp luật thi hành án dân sự;

- Trong thời hạn sử dụng đất;

- Quyền sử dụng đất không bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của pháp luật.

(2) Trường hợp chủ đầu tư chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật trong dự án bất động sản thì ngoài các điều kiện quy định tại (1) còn phải đáp ứng điều kiện khác theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở.

(3) Người sử dụng đất khi thực hiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì ngoài các điều kiện quy định tại (1) còn phải đáp ứng các điều kiện theo các trường hợp sau đây:

- Đối với trường hợp mua, bán tài sản gắn liền với đất, quyền thuê trong hợp đồng thuê đất được Nhà nước cho thuê thu tiền thuê đất hằng năm thì phải đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 46 Luật Đất đai 2024

- Đối với trường hợp thực hiện quyền sử dụng đất của cá nhân là người dân tộc thiểu số được giao đất, cho thuê đất thì phải đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 48 Luật Đất đai 2024

(4) Trường hợp người sử dụng đất được chậm thực hiện nghĩa vụ tài chính hoặc được ghi nợ nghĩa vụ tài chính thì phải thực hiện xong nghĩa vụ tài chính trước khi thực hiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Lưu ý: Các trường hợp sau không được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất:

- Tổ chức kinh tế không được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng của cá nhân, trừ trường hợp được chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;

- Cá nhân không sinh sống trong khu vực rừng phòng hộ, rừng đặc dụng thì không được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở và đất khác trong khu vực rừng phòng hộ, trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái thuộc rừng đặc dụng đó;

- Tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài mà pháp luật không cho phép nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Khi mua bán đất phải đóng thuế bao nhiêu?

Căn cứ theo khoản 12 Điều 3 Luật Đất đai 2024 quy định như sau:

Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
...
12. Chuyển quyền sử dụng đất là việc chuyển giao quyền sử dụng đất từ người này sang người khác thông qua hình thức chuyển đổi, chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất.

Căn cứ theo Điều 247 Luật Đất đai 2024 quy định như sau:

Điều 247. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 14 của Luật Thuế thu nhập cá nhân số 04/2007/QH12 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 26/2012/QH13 và Luật số 71/2014/QH13
Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 14 như sau:
“1. Thu nhập chịu thuế từ chuyển nhượng bất động sản được xác định là giá chuyển nhượng từng lần; trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì thu nhập chịu thuế tính theo giá đất trong bảng giá đất.”.

Căn cứ theo khoản 2 Điều 17 Thông tư 92/2015/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Điều 12 Thông tư 111/2013/TT-BTC quy định thuế suất đối với chuyển nhượng như sau:

Điều 17. Sửa đổi, bổ sung Điều 12 Thông tư số 111/2013/TT-BTC như sau:
“Điều 12. Căn cứ tính thuế đối với thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản
2. Thuế suất
Thuế suất đối với chuyển nhượng bất động sản là 2% trên giá chuyển nhượng hoặc giá cho thuê lại.

Như vậy, mua bán đất đóng thuế là 2% so với giá chuyển nhượng đất theo như quy định.

saved-content
unsaved-content
31