Bố mẹ tặng đất cho con với điều kiện không được bán được không?

Bố mẹ tặng đất cho con với một điều kiện là không được bán đất này thì có được hay không?

Nội dung chính

    Tặng đất cho con chỉ nói suông có được không?

    Việc bố mẹ tặng đất cho con đứng trên khía cạnh pháp luật được hiểu là tặng cho tài sản, cụ thể là tặng cho đất (bất động sản).

    Theo Điều 457 Bộ luật Dân sự 2015 quy định hợp đồng tặng cho tài sản là sự thỏa thuận, bên tặng cho giao tài sản của mình và chuyển quyền sở hữu cho bên được tặng cho không yêu cầu đền bù, bên được tặng cho đồng ý nhận.

    Với tài sản tặng cho là đất thì hợp đồng tặng cho phải thành lập thành văn bản có công chứng, chứng thực và được đăng ký quyền sở hữu tại cơ quan có thẩm quyền. (khoản 1 Điều 459 Bộ luật Dân sự 2015).

    Ngoài ra, pháp luật quy định thời điểm hợp đồng tặng đất có hiệu lực là kể từ thời điểm đăng ký quyền sở hữu. 

    Như vậy, việc bố mẹ tặng đất cho con chỉ nói suông mà không lập hợp đồng bằng văn bản, không công chứng, chứng thực và không đăng ký quyền sở hữu tại cơ quan có thẩm quyền thì không được pháp luật công nhận. Do đó, để việc tặng đất có giá trị pháp lý và đảm bảo quyền lợi cho các bên, cần thực hiện đầy đủ các thủ tục theo quy định của pháp luật.

    Bố mẹ tặng đất cho con với điều kiện không được bán được không?

    Bố mẹ tặng đất cho con với điều kiện không được bán được không? (Hình từ Internet)

    Bố mẹ tặng đất cho con với điều kiện không được bán được không?

    Bên tặng cho có thể yêu cầu bên nhận tặng cho thực hiện một hoặc nhiều nghĩa vụ trước hoặc sau khi tặng cho thì những yêu cầu này không được vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội (khoản 1 Điều 462 Bộ luật Dân sự 2015).

    Thông thường, hợp đồng tặng đất giữa bố mẹ và con cái không chỉ đơn thuần là một giao dịch tài sản mà còn là một hình thức bảo đảm quyền lợi cho phía bố mẹ. Cụ thể, khi tặng đất cho con, các điều khoản bố mẹ có thể yêu cầu con cái đảm bảo nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng và hỗ trợ tinh thần cho bố mẹ trong suốt quãng đời còn lại. Điều này tạo ra một sự ràng buộc về trách nhiệm giữa các bên, bảo vệ quyền lợi của bố mẹ, đặc biệt khi họ đã trao cho con cái tài sản hoặc các quyền lợi nhất định.

    Căn cứ Điều 123 Bộ luật Dân sự 2015 quy định điều cấm của luật là những quy định luật không cho phép chủ thể thực hiện những hành vi nhất định. Còn đạo đức xã hội là những chuẩn mực ứng xử chung trong đời sống xã hội, được cộng đồng thừa nhận và tôn trọng.

    Đối chiếu với trường hợp bố mẹ tặng đất cho con với điều kiện không được bán, điều kiện này không phải là nội dung vi phạm điều cấm của luật, cũng không trái đạo đức xã hội.

    Do đó, việc bố mẹ tặng đất cho con với điều kiện không được bán vẫn phù hợp với quy định pháp luật.

    Điều kiện không được bán trong di chúc và trong tặng đất cho con giống hay khác nhau?

    Điều 624 Bộ luật Dân sự 2015 thì di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết.

    Tương tự với việc tặng cho đất với điều kiện không được bán, việc lập di chúc yêu cầu người nhận thừa kế không được bán di sản thừa kế là đất không phải là nội dung vi phạm điều cấm của luật, trái với đạo đức xã hội.

    Theo đó, nếu di chúc đáp ứng các điều kiện để di chúc hợp pháp theo Điều 630 Bộ luật Dân sự 2015 thì những người thừa kế phải thực hiện nội dung trong di chúc theo đúng ý chí, nguyện vọng của người lập di chúc.

    Từ những phân tích trên, tuy về hình thức và thời điểm có hiệu lực của di chúc và hợp đồng tặng cho khác nhau nhưng nếu nội dung thể hiện là không được bán thì người nhận tặng cho hoặc người thừa kế đều phải thực hiện theo thỏa thuận trong hợp đồng hoặc theo ý chí của người lập di chúc.

    11