Tải file Công văn 3972/TLĐ-ToC hướng dẫn Nghị định 178/2024 và Nghị định 67/2025 trong công đoàn
Nội dung chính
Tải file Công văn 3972/TLĐ-ToC hướng dẫn Nghị định 178/2024 và Nghị định 67/2025 trong công đoàn
Ngày 29/4/2025, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ban hành Công văn 3972/TLĐ-ToC năm 2025 về việc hướng dẫn thực hiện một số nội dung Nghị định 178/2024/NĐ-CP và Nghị định 67/2025/NĐ-CP.
Tải file: Công văn 3972/TLĐ-ToC hướng dẫn Nghị định 178/2024 và Nghị định 67/2025 trong công đoàn
Tải file Công văn 3972/TLĐ-ToC hướng dẫn Nghị định 178/2024 và Nghị định 67/2025 trong công đoàn (Hình từ Internet)
Đối tượng áp dụng chế độ theo Công văn 3972/TLĐ-ToC hướng dẫn Nghị định 178/2024 và Nghị định 67/2025 trong công đoàn
Theo Công văn 3972/TLĐ-ToC, Tổng Liên đoàn đã nhận được ý kiến của một số liên đoàn lao động tỉnh, thành phố, công đoàn ngành trung ương và tương đương, công đoàn tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn, đơn vị sự nghiệp công đoàn về việc xác định đơn vị trực tiếp sắp xếp tổ chức bộ máy, chính sách đối với lao động hợp đồng, tiền lương tháng hiện hưởng để tính hưởng trợ cấp, nâng lương khi nghỉ hưu trước tuổi, thẩm quyền phê duyệt thực hiện chính sách, nguồn kinh phí chi trả...
Do đó, Tổng Liên đoàn đã có một số ý kiến về đối tượng áp dụng của Công văn 3972/TLĐ-ToC hướng dẫn Nghị định 178/2024 và Nghị định 67/2025 trong công đoàn như sau:
Thực hiện theo Nghị định 178/2024/NĐ-CP, Nghị định 67/2025/NĐ-CP và mục 3 nội dung II Công văn 1814/BNV-TCBC ngày 26/4/2025 của Bộ Nội vụ, cụ thể: Đối với người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động quy định tại điểm c khoản 1 Điều 2 Nghị định 178/2024/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 67/2025/NĐ-CP) gồm:
- Người lao động đang làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị do sắp xếp tổ chức bộ máy và đã có thời gian ký hợp đồng lao động theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP trước ngày 15/01/2019 (ngày có hiệu lực thi hành của Nghị định 161/2018/NĐ-CP), được chuyển tiếp ký hợp đồng lao động theo Nghị định số 161/2018/NĐ-CP, Nghị định 111/2022/NĐ-CP thì thuộc đối tượng áp dụng quy định tại điểm c khoản 1 Điều 2 Nghị định 178/2024/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 67/2025/NĐ-CP).
- Người lao động đang làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị do sắp xếp tổ chức bộ máy và đã có thời gian ký hợp đồng lao động theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP trước ngày 15/01/2019 và đã chấm dứt hợp đồng lao động (nghỉ làm việc và không đóng bảo hiểm xã hội trong các cơ quan, đơn vị của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị xã hội); sau đó thực hiện ký hợp đồng lao động theo Nghị định số 161/2018/NĐ-CP, Nghị định 111/2022/NĐ-CP sau ngày 15/01/2019 thì không thuộc đối tượng áp dụng tại điểm c khoản 1 Điều 2 Nghị định 178/2024/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 67/2025/NĐ-CP).
Bên cạnh đó, Tổng Liên đoàn đã có một số ý kiến khác như sau:
- Về xác định cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy: Thực hiện theo mục 1 nội dung II Công văn 1814/BNV-TCBC năm 2025.
- Về tiền lương tháng hiện hưởng để tính hưởng trợ cấp, nâng lương trước khi nghỉ hưu trước tuổi và các nội dung khác: Thực hiện theo Công văn 1814/BNV-TCBC năm 2025.
- Về thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết chính sách và nguồn kinh phí theo Nghị định 178/2024/NĐ-CP đã được quy định tại mục 7 Công văn 3364/TLĐ ngày 18/02/2025, Tổng Liên đoàn hướng dẫn rõ hơn như sau:
Thực hiện theo Quy định phân cấp quản lý cán bộ, công chức, viên chức và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử trong hệ thống công đoàn, ban hành kèm theo Quyết định 2983/QĐ-TLĐ ngày 21/3/2025 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Công văn 3364/TLĐ ngày 18/02/2025, cụ thể:
+ Đối với các liên đoàn lao động tỉnh, thành phố: Báo cáo tỉnh uỷ, thành uỷ phê duyệt và quyết định thực hiện chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động do đơn vị quản lý (gồm cả công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và đơn vị sự nghiệp trực thuộc, đơn vị sự nghiệp được Tổng Liên đoàn giao quản lý). Các trường hợp đã được tỉnh uỷ, thành uỷ phân cấp thực hiện chính sách, Ban Thường vụ liên đoàn lao động tỉnh, thành phố có thẩm quyền quyết định thực hiện chính sách theo quy định. Trường hợp liên đoàn lao động tỉnh, thành phố không đủ nguồn tài chính công đoàn để chỉ trả, thì lập dự toán kinh phí đề nghị Tổng Liên đoàn (qua Ban Tài chính) cấp hỗ trợ.
- Đối với công đoàn ngành trung ương và tương đương, công đoàn tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn: Tổng Liên đoàn quyết định thực hiện chính sách đối với chủ tịch, phó chủ tịch. Ban Thường vụ công đoàn ngành trung ương và tương đương, công đoàn tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoán xác định đối tượng, quyết định thực hiện chính sách đối với cán bộ, công chức và viên chức đơn vị sự nghiệp (nếu có); đồng thời bão cáo Tổng Liên đoàn (qua Ban Tài chính) phê duyệt kinh phí thực hiện.
Đối với đơn vị sự nghiệp trực thuộc Tổng Liên đoàn: Tổng Liên đoàn quyết định thực hiện chính sách đối với cấp trưởng, cấp phó. Căn cứ mức độ tự chủ tài chính và quy định của pháp luật chuyên ngành, tập thể lãnh đạo đơn vị sự nghiệp xác định đối tượng và quyết định thực hiện chính sách đối với viên chức, người lao động. Trường hợp đề nghị Tổng Liên đoàn hỗ trợ kinh phí, đơn vị báo cáo Tổng Liên đoàn (qua Ban Tài chính) cấp kinh phí thực hiện.
Trong quá trình tổ chức thực hiện nếu có vướng mắc, các cơ quan, đơn vị sự nghiệp kịp thời kiến nghị, phản ánh về Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (qua Ban Tổ chức) để được hướng dẫn thực hiện.