Biên chế cán bộ công chức viên chức cấp xã theo Đề án sáp nhập tỉnh thành
Nội dung chính
Biên chế cán bộ công chức viên chức cấp xã theo Đề án sáp nhập tỉnh thành
Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 759/QĐ-TTg ngày 14/4/2025 phê duyệt Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp (sau đây gọi là Đề án sáp nhập tỉnh thành).
Theo đó, nêu rõ biên chế cán bộ công chức viên chức cấp xã theo Đề án sáp nhập tỉnh thành như sau:
Do quy mô ĐVHC cấp xã lớn hơn so với hiện nay và nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp xã tăng lên (thực hiện toàn bộ nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền cấp huyện và cấp xã hiện nay). Theo đó, Chính phủ dự kiến biên chế cán bộ, công chức, viên chức cấp xã theo định hướng như sau:
(1) Trước mắt giữ nguyên số lượng biên chế cán bộ, công chức, viên chức của cấp huyện và cán bộ, công chức của cấp xã hiện có trước sáp nhập để bố trí cho các ĐVHC cấp xã mới (sau sáp nhập).
Thực hiện việc rà soát, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cấp xã đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, bảo đảm trong thời hạn 05 năm cơ bản theo đúng quy định.
Giao Bộ Nội vụ phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương và các cơ quan liên quan căn cứ quy mô dân số, diện tích tự nhiên, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp xã làm cơ sở xây dựng, hoàn thiện vị trí việc làm trình cấp có thẩm quyền giao biên chế cán bộ, công chức, viên chức cấp xã cho các địa phương.
(2) Kết thúc việc sử dụng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; giao chính quyền địa phương xem xét, có thể sắp xếp người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tham gia công tác tại thôn, tổ dân phố; thực hiện chính sách nghỉ việc đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã mà không bố trí công tác theo quy định.
(3) Căn cứ quy mô dân số, diện tích tự nhiên, trình độ phát triển kinh tế - xã hội của các ĐVHC cấp xã, Chính phủ định hướng giao tổng biên chế chính quyền địa phương cấp xã cho các địa phương (dự kiến bình quân khoảng 32 biên chế/01 cấp xã).
Trên cơ sở đó, giao chính quyền địa phương cấp tỉnh quyết định số lượng biên chế đối với chính quyền địa phương từng ĐVHC cấp xã trên địa bàn cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
*Trên đây là nội dung "Biên chế cán bộ công chức viên chức cấp xã theo Đề án sáp nhập tỉnh thành"
Biên chế cán bộ công chức viên chức cấp xã theo Đề án sáp nhập tỉnh thành (Hình từ Internet)
06 tiêu chí sáp nhập tỉnh thành theo Đề án sáp nhập tỉnh thành
Trên cơ sở nghiên cứu lịch sử hình thành, phát triển, quá trình sắp xếp ĐVHC các cấp ở Việt Nam, cơ sở khoa học về các yếu tố cấu thành ĐVHC hành chính cấp tỉnh và kinh nghiệm quốc tế, đề xuất 06 tiêu chí sau:
(1) Diện tích tự nhiên khi sáp nhập 52 tỉnh thành theo Đề án sáp nhập tỉnh thành
Thực hiện sắp xếp đối với các ĐVHC có diện tích tự nhiên không đạt 100% tiêu chuẩn của ĐVHC cấp tỉnh quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (sửa đổi, bổ sung tại Nghị quyết số 27/2022/UBTVQH15), cụ thể:
- Tỉnh thuộc khu vực miền núi, vùng cao: diện tích tự nhiên dưới 8.000 km²
- Tỉnh thuộc khu vực đồng bằng: diện tích tự nhiên dưới 5.000 km²
Tiêu chuẩn khi được áp dụng yếu tố đặc thù (ĐVHC nông thôn ở vùng Đồng bằng sông Hồng thì mức tối thiểu của tiêu chuẩn diện tích tự nhiên bằng 70% mức quy định đối với ĐVHC nông thôn tương ứng): diện tích tự nhiên dưới 3.500 km²
- Thành phố trực thuộc trung ương: diện tích tự nhiên dưới 1.500 km².
(2) Quy mô dân số khi sáp nhập 52 tỉnh thành theo Đề án sáp nhập tỉnh thành
Thực hiện sắp xếp đối với các ĐVHC có quy mô dân số không đạt 100% tiêu chuẩn của ĐVHC cấp tỉnh quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (sửa đổi, bổ sung tại Nghị quyết số 27/2022/UBTVQH15), cụ thể:
- Tỉnh thuộc khu vực miền núi, vùng cao: quy mô dân số dưới 900.000 người;
Tiêu chuẩn khi được áp dụng yếu tố đặc thù: Tỉnh miền núi, vùng cao có 30% trở lên dân số là người dân tộc thiểu số thì mức tối thiểu của tiêu chuẩn quy mô dân số bằng 50% mức quy định: quy mô dân số dưới 450.000 người.
- Tỉnh thuộc khu vực đồng bằng: quy mô dân số dưới 1.400.000 người;
Tiêu chuẩn khi được áp dụng yếu tố đặc thù: Tỉnh đồng bằng có biên giới quốc gia trên đất liền và có 30% trở lên dân số là người dân tộc thiểu số thì mức tối thiểu của tiêu chuẩn quy mô dân số bằng 50% mức quy định: quy mô dân số dưới 700.000 người.
- Thành phố trực thuộc trung ương: quy mô dân số dưới 1.000.000 người.
Tiêu chuẩn khi được áp dụng đặc thù cho thành phố có đồng thời 02 yếu tố:
+ Có di sản văn hóa vật thể được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp quốc (UNESCO) công nhận;
+ Được xác định là trung tâm du lịch quốc tế trong quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì mức tối thiểu của tiêu chuẩn quy mô dân số bằng 50% mức quy định: dưới 500.000 người.
(3) Tiêu chí về lịch sử, truyền thống, văn hoá, dân tộc:
Đơn vị hành chính cấp tỉnh có yếu tố lịch sử, truyền thống, văn hoá, dân tộc tương đồng, bảo đảm khối đoàn kết gắn bó của cộng đồng dân cư; giữ gìn và phát huy văn hóa, lịch sử, dân tộc của mỗi địa phương.
(4) Tiêu chí về địa kinh tế:
Đơn vị hành chính cấp tỉnh có vị trí địa lý liền kề, điều kiện tự nhiên, hạ tầng giao thông, sự phân bổ và tổ chức các không gian kinh tế, quy mô và trình độ phát triển kinh tế phù hợp nhằm bảo đảm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế của mỗi địa phương, hỗ trợ lẫn nhau để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội chung của ĐVHC sau sắp xếp.
(5) Tiêu chí về địa chính trị:
Cân nhắc kỹ các yếu tố về trình độ, năng lực quản lý của cấp ủy, chính quyền địa phương, mức độ chuyển đổi số, việc ứng dụng công nghệ thông tin của chính quyền địa phương và người dân.
(6) Tiêu chí về quốc phòng, an ninh:
Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh phải bảo đảm quốc phòng, an ninh, đặc biệt xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc tại các địa bàn trọng yếu, khu vực đảo, quần đảo và vùng biên giới.