Tuyển chọn các câu đố ôn Trạng Nguyên Tiếng Việt 2024 kèm đáp án? Yêu cầu khi đánh giá học sinh tiểu học?
Nội dung chính
Tuyển chọn các câu đố ôn Trạng Nguyên Tiếng Việt 2024 kèm đáp án?
Dưới đây là các câu đố ôn Trạng Nguyên Tiếng Việt tiểu học có kém đáp án mà các bạn học sinh có thể tham khảo:
A. VỀ LOÀI VẬT
Câu 1:
Con gì nhảy nhót leo trèo
Mình đầy lông lá, nhăn nheo làm trò?
(Là con gì?)
Đáp án: Con khỉ
Câu 2:
Không là thợ dệt
Không guồng quay tơ
Không học bao giờ
Chăng tơ bừa bãi.
(Là con gì?)
Đáp án: Con nhện
Câu 3:
Cá gì đầu bẹp, có râu
Cả đời ẩn dưới bùn sâu kiếm mồi?
(Là cá gì?)
Đáp án: Cá trê
Câu 4:
Lúc vươn cổ
Lúc rụt đầu
Hễ đi đến đâu
Cổng nhà đi đó.
(Là con gì?)
Đáp án: Con rùa
Câu 5:
Con gì tuy bé tí
Mà đã biết lo xa
Tha thức ăn về nhà
Phòng khi trời mưa bão?
(Là con gì?)
Đáp án: Kiến
Câu 6:
Con gì khi ta ngủ
Nếu không mắc màn che
Quanh người kêu vo ve
Cắm vòi vào hút máu?
(Là con gì?)
Đáp án: Muỗi
Câu 7:
Chỉ to như hạt đỗ đen
Thường bay đến đậu cơm canh của người.
Thức ăn phải đậy ai ơi!
Kéo nó gieo bệnh làm người ốm đau.
(Là con gì?)
Đáp án: Con ruồi
Câu 8:
Cánh tôi rất mỏng
Tên gọi hai lần
Bay vừa: tôi báo trời râm
Bay cao: trời nắng, thấp dần: trời mưa.
(Là con gì?)
Đáp án: Chuồn chuồn
Câu 9:
Mắt lồi mồm rộng
Sấm động mưa rào
Tắm mát rủ nhau
Hát bài "ộp ộp".
(Là con gì?)
Đáp án: Con ếch
Câu 10:
Chim gì liệng tựa thoi đưa
Báo mùa xuân đẹp say sưa giữa trời?
(Là chim gì?)
Đáp án: Én
Câu 11:
Con gì trắng muốt như bông
Nhìn ngắm ruộng đồng thẳng cánh mà bay?
(Là con gì?)
Đáp án: Cò
Câu 12:
Con gì đẹp nhất loài chim
Đuôi xòe rực rỡ như nghìn cánh hoa?
(Là chim gì?)
Đáp án: Công
Câu 13:
Mỏ dài lông biếc
Trên cành lặng yên
Bỗng vút như tên
Lao mình bắt cá
Là con chim gì?
(Là chim gì)
Đáp án: Chim bói cá
Câu 14:
Con gì đuôi ngắn, tai dài
Mắt hồng, lông mượt có tài nhảy nhanh?
(Là con gì?)
Đáp án: Con thỏ
Câu 15:
Bò mẹ thì là mẹ
Con nó là bò con
Nhưng tên là gì nhỉ
Đố em gọi được luôn?
(Là con gì?)
Đáp án: Con bê
Câu 16:
Con gì lông mượt
Đội sừng cong cong
Lúc ra cánh đồng
Cày bừa rất giỏi?
(Là con gì?)
Đáp án: Con trâu
Câu 17:
Cái mỏ xinh xinh
Hai chân tí xíu
Lông vàng, mát dịu
Chiếp, chiếp suốt ngày.
(Là con gì?)
Đáp án: Con gà con
Câu 18:
Con gì cá biển rõ ràng
Có tên giống lợn, khôn ngoan tuyệt vời.
Nhiều khi giữa biển cứu người
Chẳng như cá mập là loài ác ngư?
(Là con gì?)
Đáp án: Cá heo
Câu 19:
Con gì nhọn hoắt cái đuôi
Thấy bóng mèo rồi co cẳng chạy mau?
(Là con gì?)
Đáp án: Con chuột
Câu 20:
Con gì bắt chuột mê say
Có đôi mắt sáng, ngủ ngày, thức đêm?
(Là con gì?)
Đáp án: Cú mèo
Câu 21:
Tôi là chiếc máy nhỏ xinh
Lá cây lại hóa tài tình thành tơ.
Từ ngàn xưa đến bây giờ
Cho người đẹp mãi - Tôi chờ chi đâu?
(Là con gì?)
Đáp án: Con tằm
Câu 22:
Con gì bụng có ngọn đèn
Ban ngày biến mất, ban đêm lập lòe?
(Là con gì?)
Đáp án: Con đom đóm
Câu 23:
Ngày ngày chăm chỉ tìm hoa
Làm nên mật ngọt xây nhà ở chung.
(Là con gì?)
Đáp án: Con ong
Câu 24:
Con gì không đứng, không nằm
Dù thức hay ngủ quanh năm chỉ ngồi.
Nghiến răng kèn kẹt kêu trời
Những khi nắng hạn mọi người mong mưa?
(Là con gì?)
Đáp án: Con cóc
Câu 25:
Trong tôi xấu xí xù xì
Đêm về người ngủ tôi thì bắt sâu.
Khi nào trời nắng quá lâu
Tôi kêu mấy tiếng mưa đầu bay về?
(Là con gì?)
Đáp án: Con cóc
B. ĐỐ CHỮ
Câu 1:
Để nguyên - ai cũng lặc lè
Bỏ nặng, thêm sắc – ngày hè chói chang.
(Là chữ gì?)
Đáp án: nặng/ nắng
Câu 2:
Để nguyên - nghe hết mọi điều
Thêm dấu huyền nữa – rất nhiều người khen.
(Là chữ gì?).
Đáp án: tai/tài
Câu 3:
Để nguyên - đứt cúc, mẹ tìm
Thêm huyền - xe hỏng, bố tìm giúp em.
(Là chữ gì?)
Đáp án: kim/kìm
Câu 4:
Để nguyên - giúp bác nhà nông
Thêm huyền - ấm miệng cụ ông, cụ bà.
Thêm sắc - từ lúa mà ra
Đố bạn đoán được đó là chữ chi?
(Là chữ gì?)
Đáp án: trâu/trầu/trấu
Câu 5:
Mất đầu thì trời sắp mưa,
Mất đuôi sạch gạo tối trưa thường làm,
Chắp đuôi chắp cả đầu vào,
Xông vào mặt trận đánh tan quân thù .
(Là chữ gì?)
Đáp án: Voi
Câu 6:
Không huyền, vị của hạt tiêu.
Có huyền, công việc sớm chiều nhà nông
(Là chữ gì?)
Đáp án: cay/cày
Câu 7:
Bình sinh tôi hát tôi ca.
Thêm huyền thành chữ phong ba dập vùi
(Là chữ gì?)
Đáp án: Chim/chìm
Câu 8:
Bỏ đuôi – thì để mẹ kho
Bỏ đầu - để bé mặc cho ấm người.
Chắp vào đủ cả đầu đuôi
Thành tên con thú hay chui bắt gà.
(Là chữ gì?)
Đáp án: Cá/áo/cáo
C. VỀ ĐỒ DÙNG HỌC TẬP
Câu 1: Mình tròn đầu nhọn, không phải bò trâu, uống nước ao sâu, lên cày ruộng cạn - Là gì?
Đáp án: Bút máy
Câu 2: Cái gì thẳng ruột đầu vuông, Thân chia nhiều đốt rất mau rất đều - Là cái gì?
Đáp án: Thước kẻ
Câu 3:
Cây suôn đuồn đuột
Trong ruột đen thui
Con nít lui cui
Dẫm đầu đè xuống !
Là cái gì?
Đáp án: Cái bút chì
Câu 4:
Chị ơi xích lại cho gần
Cho tôi chấm chút một hàng lệ rơi
Là cái gì?
Đáp án: Lọ mực
Câu 5:
Da tôi màu trắng
Bạn cùng bảng đen
Hãy cầm tôi lên
Tôi làm theo bạn
Là cái gì?
Đáp án: Viên phấn
Câu 6:
Mình bầu, môi miệng nứt hai
Chỉ có một mắt, chui hoài trong hang
Là cái gì?
Đáp án: Ngòi bút
Câu 7:
Có mặt mà chẳng có đầu
Bốn chân có đủ, không cần có tay
Học trò kẻ dở, người hay
Ai ai cũng phải hàng ngày nhớ em
Là cái gì?
Đáp án: Cái bàn học
Câu 8:
Mười hai tên đựng một hòm
Thương cho đời chúng hao mòn mãi đi
Là cái gì?
Đáp án: Bút chì màu
Lưu ý: Thông tin các câu đố ôn trạng nguyên tiếng việt chỉ mang tính chất tham khảo!
Tuyển chọn các câu đố ôn Trạng Nguyên Tiếng Việt 2024 kèm đáp án? Yêu cầu khi đánh giá học sinh tiểu học? (Hình ảnh từ Internet)
Các yêu cầu khi đánh giá học sinh tiểu học năm học 2024 2025 là gì?
Căn cứ Điều 4 Quy định đánh giá học sinh tiểu học ban hành kèm theo Thông tư 27/2020/TT-BGDĐT quy định yêu cầu trong đánh giá học sinh tiểu học năm học 2024 2025 như sau:
- Đánh giá học sinh thông qua đánh giá mức độ đáp ứng yêu cầu cần đạt và biểu hiện cụ thể về các thành phần năng lực của từng môn học, hoạt động giáo dục và những biểu hiện phẩm chất, năng lực của học sinh theo yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học.
- Đánh giá thường xuyên bằng nhận xét, đánh giá định kỳ bằng điểm số kết hợp với nhận xét; kết hợp đánh giá của giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh, trong đó đánh giá của giáo viên là quan trọng nhất.
- Đánh giá sự tiến bộ và vì sự tiến bộ của học sinh; coi trọng việc động viên, khuyến khích sự cố gắng trong học tập, rèn luyện của học sinh; giúp học sinh phát huy nhiều nhất khả năng, năng lực; đảm bảo kịp thời, công bằng, khách quan; không so sánh học sinh này với học sinh khác, không tạo áp lực cho học sinh, giáo viên và cha mẹ học sinh.
Học sinh xuất sắc đối với học sinh tiểu học phải đáp ứng tiêu chuẩn như thế nào?
Căn cứ theo điểm a khoản 2 Điều 9 Quy định về đánh giá học sinh tiểu học ban hành kèm theo Thông tư 27/2020/TT-BGDĐT có quy định về tiêu chuẩn xếp loại học sinh xuất sắc đối với học sinh tiểu học được thực hiện theo quy định tại như sau:
Tổng hợp đánh giá kết quả giáo dục
...
2. Cuối năm học, căn cứ vào quá trình tổng hợp kết quả đánh giá về học tập từng môn học, hoạt động giáo dục và từng phẩm chất chủ yếu, năng lực cốt lõi, giáo viên chủ nhiệm thực hiện:
a) Đánh giá kết quả giáo dục học sinh theo bốn mức:
- Hoàn thành xuất sắc: Những học sinh có kết quả đánh giá các môn học, hoạt động giáo dục đạt mức Hoàn thành tốt; các phẩm chất, năng lực đạt mức Tốt; bài kiểm tra định kỳ cuối năm học của các môn học đạt 9 điểm trở lên;
- Hoàn thành tốt: Những học sinh chưa đạt mức Hoàn thành xuất sắc, nhưng có kết quả đánh giá các môn học, hoạt động giáo dục đạt mức Hoàn thành tốt; các phẩm chất, năng lực đạt mức Tốt; bài kiểm tra định kỳ cuối năm học các môn học đạt 7 điểm trở lên;
- Hoàn thành: Những học sinh chưa đạt mức Hoàn thành xuất sắc và Hoàn thành tốt, nhưng có kết quả đánh giá các môn học, hoạt động giáo dục đạt mức Hoàn thành tốt hoặc Hoàn thành; các phẩm chất, năng lực đạt mức Tốt hoặc Đạt; bài kiểm tra định kỳ cuối năm học các môn học đạt 5 điểm trở lên;
- Chưa hoàn thành: Những học sinh không thuộc các đối tượng trên.
Như vậy, tiêu chuẩn xếp loại học sinh xuất sắc đối với học sinh tiểu học gồm:
- Kết quả đánh giá các môn học, hoạt động giáo dục: Hoàn thành tốt.
- Phẩm chất, năng lực: Tốt.
- Điểm bài kiểm tra định kỳ cuối năm học của các môn: 9 điểm trở lên.