21:26 - 04/02/2025

Khi nào người lao động được tạm ứng lương? Mức tiền lương tối đa người lao động được nhận là bao nhiêu?

Tạm ứng lương là gì? Trường hợp người lao động được tạm ứng lương và mức tiền lương tối đa người lao động được nhận là bao nhiêu?

Nội dung chính

    Tạm ứng lương là gì?

    Tạm ứng lương là việc người lao động nhận trước một phần tiền lương của mình từ người sử dụng lao động trước kỳ trả lương chính thức. Đây là một chính sách hỗ trợ, thường được áp dụng khi người lao động gặp khó khăn tài chính hoặc có nhu cầu sử dụng tiền gấp. Số tiền tạm ứng sẽ được khấu trừ vào lương trong kỳ thanh toán tiếp theo.

    Khi nào người lao động được tạm ứng lương? Mức tiền lương tối đa người lao động được nhận là bao nhiêu?Khi nào người lao động được tạm ứng lương? Mức tiền lương tối đa người lao động được nhận là bao nhiêu?(Hình ảnh Internet)

    Trường hợp người lao động được tạm ứng lương và mức tiền lương tối đa người lao động được nhận là bao nhiêu?

    Căn cứ tại Bộ luật Lao động 2019 quy định về mức tiền lương tạm ứng và thời gian tạm ứng lương tối đa của người lao động trong từng trường hợp cụ thể như sau:

    (1) Tạm ứng tiền lương theo thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động

    Theo quy định tại khoản 1 Điều 101 Bộ luật Lao động 2019, mức lương, thời gian, điều kiện tạm ứng tiền lương sẽ do hai bên tự thỏa thuận với nhau.

    Số tiền lương tạm ứng theo thỏa thuận sẽ không bị tính lãi.

    (2) Người lao động tạm thời nghỉ việc để thực hiện nghĩa vụ công dân từ 01 tuần trở lên

    Theo quy định tại khoản 2 Điều 101 Bộ luật Lao động 2019, mức tiền lương tạm ứng cho người lao động sẽ cần căn cứ vào số ngày thực tế họ phải nghỉ việc nhưng tối đa không quá một tháng lương. Người lao động phải hoàn lại số tiền lương tạm ứng cho doanh nghiệp sau khi hoàn thành công việc.

    Ở trường hợp này, có thể hiểu rằng người sử dụng lao động chỉ phải tạm ứng tiền lương cho người lao động trong trường hợp người lao động nghỉ tạm thời và chắc chắn sẽ quay lại làm việc trong tháng đó.

    Còn trường hợp người lao động nghỉ dài hạn như đi nghĩa vụ quân sự thì người sử dụng lao động không có nghĩa vụ cho tạm ứng vì khi đó, người lao động được nhà nước đảm bảo chế độ sinh hoạt, ăn uống từ ngân sách có sẵn.

    (3) Người lao động nghỉ hằng năm

    Theo quy định tại khoản 1 Điều 101 Bộ luật Lao động 2019, khi nghỉ hằng năm, người lao động được tạm ứng lương ít nhất bằng tiền lương của những ngày nghỉ.

    Như vậy, pháp luật chỉ quy định mức lương tạm ứng tối thiểu mà không quy định mức tối đa cho trường hợp này. Do đó, người lao động và người sử dụng lao động có thể thỏa thuận với nhau để đưa ra mức tạm ứng lớn hơn tiền lương những ngày nghỉ.

    (4) Người lao động hưởng lương theo sản phẩm, theo khoán

    Theo quy định tại khoản 3 Điều 97 Bộ luật Lao động 2019, người lao động hưởng lương theo sản phẩm, theo khoán, nếu công việc phải làm trong nhiều tháng thì hằng tháng được tạm ứng tiền lương theo khối lượng công việc đã làm trong tháng.

    (5) Người lao động bị tạm đình chỉ công tác

    Theo quy định tại Điều 128 Bộ luật Lao động 2019, người lao động sẽ được tạm ứng 50% tiền lương trước thời hạn đình chỉ. Nếu người lao động bị xử lý kỷ luật lao động sau khi nhận tạm ứng cũng không phải trả lại số tiền đã tạm ứng trước đó. Trường hợp người lao động không bị xử lý kỷ luật lao động thì được trả đủ lương cho thời gian bị tạm đình chỉ.

    (6) Người lao động trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động.

    Theo quy định tại khoản 1 Điều 111 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 và Điều 114 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, người sử dụng lao động buộc phải tạm ứng tiền lương cho người lao động khi có quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Tòa án có thẩm quyền.

    Tuy nhiên về mức tiền lương được tạm ứng hiện vẫn chưa quy định. Do đó, trong trường hợp này mức lương tạm ứng sẽ do hai bên tự thỏa thuận với nhau.

    Quy định về trả lương cho người lao động và nguyên tắc trả lương mà người sử dụng lao động cần phải thực hiện?

    Theo Điều 95 Bộ luật Lao động 2019 quy định về trả lương cho lao động như sau:

    - Người sử dụng lao động trả lương cho người lao động căn cứ vào tiền lương đã thỏa thuận, năng suất lao động và chất lượng thực hiện công việc.

    - Tiền lương ghi trong hợp đồng lao động và tiền lương trả cho người lao động bằng tiền Đồng Việt Nam, trường hợp người lao động là người nước ngoài tại Việt Nam thì có thể bằng ngoại tệ.

    - Mỗi lần trả lương, người sử dụng lao động phải thông báo bảng kê trả lương cho người lao động, trong đó ghi rõ tiền lương, tiền lương làm thêm giờ, tiền lương làm việc vào ban đêm, nội dung và số tiền bị khấu trừ (nếu có).

    Cùng với đó tại Điều 94 Bộ luật Lao động 2019 quy định về nguyên tắc trả lương gồm:

    - Người sử dụng lao động phải đảm bảo nguyên tắc trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn cho người lao động. Trường hợp người lao động không thể nhận lương trực tiếp thì người sử dụng lao động có thể trả lương cho người được người lao động ủy quyền hợp pháp.

    - Người sử dụng lao động không được hạn chế hoặc can thiệp vào quyền tự quyết chi tiêu lương của người lao động; không được ép buộc người lao động chi tiêu lương vào việc mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ của người sử dụng lao động hoặc của đơn vị khác mà người sử dụng lao động chỉ định.

    32
    Quản lý: Công ty TNHH THƯ VIỆN NHÀ ĐẤT Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số ..., do ... cấp ngày ... (dự kiến) Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ