Tranh chấp đất đai trong gia đình có bắt buộc phải hòa giải trước khi khởi kiện?

Tranh chấp đất đai trong gia đình có bắt buộc phải hòa giải trước khi khởi kiện? Nếu kiện thì kiện ở Tòa án nào?

Nội dung chính

    Tranh chấp đất đai trong gia đình có bắt buộc phải hòa giải trước khi khởi kiện?

    Căn cứ khoản 2 Điều 235 Luật Đất đai 2024 có quy định trước khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai quy định tại Điều 236 của Luật này, các bên tranh chấp phải thực hiện hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp.

    Căn cứ Điều 236 Luật Đất đai 2024 có quy định:

    Điều 236. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai
    1. Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp hoặc một trong các bên tranh chấp có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 137 của Luật này và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án giải quyết.
    2. Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 137 của Luật này thì các bên tranh chấp được lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định sau đây:
    a) Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền theo quy định tại khoản 3 Điều này;
    b) Khởi kiện tại Tòa án có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.
    […]

    Như vậy, tranh chấp đất đai trong gia đình bắt buộc phải hòa giải trước khi khởi kiện.

    Tranh chấp đất đai trong gia đình có bắt buộc phải hòa giải trước khi khởi kiện?

    Tranh chấp đất đai trong gia đình có bắt buộc phải hòa giải trước khi khởi kiện? (Hình từ Internet)

    Tranh chấp đất đai trong gia đình thì khởi kiện tại Tòa án nào?

    Căn cứ Điều 35 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Tư pháp người chưa thành niên, Luật Phá sản và Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án 2025 có quy định:

    Điều 35. Thẩm quyền của Tòa án nhân dân khu vực
    Tòa án nhân dân khu vực có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp quy định tại các điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này; giải quyết những yêu cầu quy định tại các điều 27, 29, 31 và 33 của Bộ luật này, trừ yêu cầu hủy phán quyết trọng tài, đăng ký phán quyết trọng tài vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của một số Tòa án nhân dân cấp tỉnh theo quy định tại khoản 2 Điều 37 của Bộ luật này.

    Theo khoản 9 Điều 26 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 thì tranh chấp đất đai theo quy định của pháp luật về đất đai là một trong những tranh chấp về dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.

    Cũng theo điểm c khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 có quy định đối tượng tranh chấp là bất động sản thì chỉ Tòa án nơi có bất động sản có thẩm quyền giải quyết.

    Như vậy, tranh chấp đất đai trong gia đình thì khởi kiện tại Tòa án nhân dân khu vực nơi có đất.

    Giải quyết tranh chấp đất đai có phải là trách nhiệm của Nhà nước đối với người sử dụng đất không?

    Căn cứ Điều 15 Luật Đất đai 2024 có quy định:

    Điều 15. Trách nhiệm của Nhà nước đối với người sử dụng đất
    1. Có chính sách tạo điều kiện cho người trực tiếp sản xuất nông nghiệp không có đất sản xuất do quá trình chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất và chuyển đổi cơ cấu kinh tế được đào tạo nghề, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm.
    2. Cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất cho người sử dụng đất khi có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về đất đai.
    3. Thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy định của pháp luật cho người có đất thu hồi khi Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.
    4. Tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật cho người sử dụng đất trong việc thực hiện chính sách, pháp luật, thủ tục hành chính về đất đai, khai thác thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai.
    5. Giải quyết tranh chấp đất đai; giải quyết khiếu nại, tố cáo về đất đai.

    Như vậy, giải quyết tranh chấp đất đai có phải là trách nhiệm của Nhà nước đối với người sử dụng đất.

    Chuyên viên pháp lý Võ Phi
    saved-content
    unsaved-content
    1