Đất tranh chấp giữa cá nhân với nhau không có sổ đỏ có được khởi kiện tranh chấp đất đai không?

Đất tranh chấp giữa cá nhân với nhau không có sổ đỏ có được khởi kiện tranh chấp đất đai không? Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai đối thuộc về ai, cơ quan nào?

Nội dung chính

Đất tranh chấp giữa cá nhân với nhau không có sổ đỏ có được khởi kiện tranh chấp đất đai không?

Theo khoản 47 Điều 3 Luật Đất đai 2024 thì tranh chấp đất đai là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai.

Căn cứ tại khoản 2 Điều 236 Luật Đất đai 2024 quy định như sau:

Điều 236. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai
[...]
2. Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 137 của Luật này thì các bên tranh chấp được lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định sau đây:
a) Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền theo quy định tại khoản 3 Điều này;
b) Khởi kiện tại Tòa án có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.
[...]

Như vậy, đất tranh chấp giữa cá nhân với nhau mà không có sổ đỏ (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) vẫn được quyền khởi kiện tranh chấp đất đai tại Tòa án hoặc yêu cầu Ủy ban nhân dân có thẩm quyền giải quyết.

Đất tranh chấp giữa cá nhân với nhau không có sổ đỏ có được khởi kiện tranh chấp đất đai không?

Đất tranh chấp giữa cá nhân với nhau không có sổ đỏ có được khởi kiện tranh chấp đất đai không? (Hình từ Internet)

Người có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai đối với đất tranh chấp giữa cá nhân với nhau không có sổ đỏ là ai?

Căn cứ điểm a khoản 3 Điều 236 Luật Đất đai 2024 quy định như sau:

Điều 236. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai
[...]
3. Trường hợp các bên tranh chấp lựa chọn giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền thì việc giải quyết tranh chấp đất đai được thực hiện như sau:

a) Trường hợp tranh chấp giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết. Sau thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện mà các bên tranh chấp không khởi kiện hoặc khiếu nại theo quy định tại điểm này thì quyết định giải quyết tranh chấp của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có hiệu lực thi hành.

Trường hợp không đồng ý với quyết định giải quyết thì trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, các bên tranh chấp có quyền khởi kiện tại Tòa án theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính hoặc khiếu nại đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Quyết định giải quyết của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có hiệu lực thi hành.

[...]

Cùng với đó, điểm g khoản 2 Điều 5 Nghị định 151/2025/NĐ-CP cũng quy định về thẩm quyền mới:

Điều 5. Thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện chuyển giao cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã
[...]
2. Thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện theo quy định của Luật Đất đai chuyển giao cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện, cụ thể như sau:
[...]
g) Giải quyết tranh chấp đất đai giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau quy định tại điểm a khoản 3 Điều 236; ban hành quyết định giải quyết tranh chấp đất đai, ban hành quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định giải quyết tranh chấp đất đai quy định tại khoản 4 Điều 236 Luật Đất đai.

Trường hợp tranh chấp đất đai giữa cá nhân với nhau không có sổ đỏ, nếu các bên lựa chọn giải quyết tại Ủy ban nhân dân, thì:

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã là người có thẩm quyền giải quyết theo quy định mới tại Nghị định 151/2025/NĐ-CP, được chuyển giao từ Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện.

- Sau khi Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ban hành quyết định giải quyết, nếu không đồng ý, các bên có quyền khiếu nại lên Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc khởi kiện tại Tòa án.

Cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai đối với đất tranh chấp giữa cá nhân với nhau không có sổ đỏ là cơ quan nào?

Căn cứ khoản 9 Điều 26 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 quy định:

Điều 26. Những tranh chấp về dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án
[...]
9. Tranh chấp đất đai theo quy định của pháp luật về đất đai; tranh chấp về quyền sở hữu, quyền sử dụng rừng theo quy định của Luật bảo vệ và phát triển rừng.
[...]

Căn cứ Điều 35 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 sửa đổi bởi khoản 2 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Tư pháp người chưa thành niên, Luật Phá sản và Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án 2025:

Điều 35. Thẩm quyền của Tòa án nhân dân khu vực
Tòa án nhân dân khu vực có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp quy định tại các điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này; giải quyết những yêu cầu quy định tại các điều 27, 29, 31 và 33 của Bộ luật này, trừ yêu cầu hủy phán quyết trọng tài, đăng ký phán quyết trọng tài vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của một số Tòa án nhân dân cấp tỉnh theo quy định tại khoản 2 Điều 37 của Bộ luật này.

Căn cứ điểm c khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 quy định:

Điều 39. Thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ
1. Thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự của Tòa án theo lãnh thổ được xác định như sau:
[...]
c) Đối tượng tranh chấp là bất động sản thì chỉ Tòa án nơi có bất động sản có thẩm quyền giải quyết.
[...]

Như vậy, Tòa án nhân dân khu vực tại nơi có đất tranh chấp là cơ quan có thẩm quyền giải quyết vụ án tranh chấp đất đai giữa cá nhân với nhau không có sổ đỏ.

Chuyên viên pháp lý Nguyễn Việt Anh
saved-content
unsaved-content
1