Hàng xóm tự ý xây hàng rào lấn sang đất nhà mình thì giải quyết như thế nào?
Nội dung chính
Hàng xóm tự ý xây hàng rào lấn sang đất nhà mình thì giải quyết như thế nào?
Khi phát hiện hàng xóm tự ý xây dựng hàng rào lấn sang phần đất thuộc quyền sử dụng của mình, người bị lấn đất cần xử lý theo đúng trình tự pháp luật.
Về cách thức giải quyết tranh chấp, người bị lấn đất có thể tham khảo trình tự như sau:
Bước 1: Gửi đơn yêu cầu hòa giải tranh chấp đất đai.
Hiện nay, theo quy định tại khoản 2 Điều 235 Luật Đất đai 2024, khi có tranh chấp về đất đai, các bên có tranh chấp hoặc người đại diện hợp pháp gửi đơn yêu cầu hòa giải đến UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp.
+ + Các bước thực hiện hòa giải tranh chấp đất đai tại UBND cấp xã:
1-1: Tiếp nhận đơn yêu cầu hòa giải.
1-2: Sau khi nhận được đơn yêu cầu, Chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm thành lập Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai để thực hiện hòa giải tranh chấp đất đai, gồm các thành phần:
- Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã là Chủ tịch Hội đồng,
- Đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã,
- Công chức làm công tác địa chính,
- Người sinh sống lâu năm biết rõ về nguồn gốc và quá trình sử dụng đối với thửa đất tranh chấp (nếu có).
Tùy từng trường hợp cụ thể, có thể mời đại diện tổ chức, cá nhân khác tham gia Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai;
1-3: Thực hiện hòa giải
Thời hạn hòa giải không quá 30 ngày kể từ ngày nhận đơn yêu cầu. Quá trình hòa giải phải được lập thành biên bản có chữ ký của các bên tham gia hòa giải và có xác nhận hòa giải thành hoặc hòa giải không thành của UBND cấp xã.
Bước 2: Xác minh ranh giới đất thông qua cơ quan chuyên môn.
Nếu trong quá trình hòa giải, hai bên không thống nhất được ranh giới thì người bị lấn đất có thể yêu cầu cơ quan chuyên môn như Văn phòng đăng ký đất đai hoặc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai nơi có đất tranh chấp thực hiện đo đạc thực địa, xác định ranh giới theo bản đồ địa chính.
Kết quả đo đạc sẽ được đối chiếu với các giấy tờ pháp lý như: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ, sổ hồng), biên bản giao đất, bản đồ trích đo, hợp đồng mua bán đất hợp pháp (nếu có)...
Bước 3: Hòa giải thành.
Nếu hòa giải thành và có thay đổi hiện trạng về ranh giới, diện tích, người sử dụng đất thì trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản công nhận kết quả hòa giải thành, các bên tham gia hòa giải phải gửi văn bản công nhận kết quả hòa giải thành đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền để thực hiện việc đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo quy định.
Bước 4: Hòa giải không thành.
Nếu hòa giải tại UBND cấp xã không thành và hàng xóm vẫn không chịu di dời hàng rào, người bị lấn đất có quyền khởi kiện tại Tòa án có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.
Cụ thể, khoản 1 Điều 236 Luật Đất đai 2024 quy định tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp hoặc một trong các bên tranh chấp có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ, sổ hồng) hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 137 Luật Đất đai 2024 và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất (ví dụ như hàng rào, tường bao…) thì do Tòa án giải quyết.
Hàng xóm tự ý xây hàng rào lấn sang đất nhà mình thì giải quyết như thế nào? (Hình từ Internet)
Hồ sơ khởi kiện khi hàng xóm tự ý xây hàng rào lấn sang đất nhà mình gồm những gì?
Căn cứ khoản 2 Điều 189 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, người khởi kiện cần chuẩn bị 01 bộ hồ sơ khởi kiện, gồm:
- Đơn khởi kiện theo mẫu.
- Biên bản hòa giải không thành có xác nhận của UBND cấp xã và có chữ ký của các bên tranh chấp.
- Giấy tờ của người khởi kiện: Thẻ CCCD/Căn cước hoặc hộ chiếu còn giá trị sử dụng.
- Giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất:
+ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ/sổ hồng); hoặc
+ Các giấy tờ hợp pháp theo quy định tại Điều 137 Luật Đất đai 2024 (nếu chưa có sổ đỏ).
- Bằng chứng về hành vi xây hàng rào lấn chiếm:
+ Hình ảnh, video, sơ đồ hiện trạng;
+ Kết quả đo đạc xác định ranh giới (nếu đã có);
- Lời khai của người làm chứng (nếu có).
- Tài liệu khác (nếu có): ví dụ, biên bản làm việc với công chức làm công tác địa chính, xác nhận từ tổ dân phố/khu dân cư…
Người khởi kiện có thể gửi đơn khởi kiện đến Tòa án bằng các phương thức nào?
Căn cứ khoản 1 Điều 190 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, người khởi kiện gửi đơn khởi kiện kèm theo tài liệu, chứng cứ mà mình hiện có đến Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án bằng các phương thức sau đây:
- Nộp trực tiếp tại Tòa án;
- Gửi đến Tòa án theo đường dịch vụ bưu chính;
- Gửi trực tuyến bằng hình thức điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).