Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án Khu đô thị lấn biển Cần Giờ
Nội dung chính
Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án Khu đô thị lấn biển Cần Giờ
Tháng 12/2024, Công ty cổ phần Du lịch Cần Giờ công bố Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án Khu đô thị lấn biển Cần Giờ.
Dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ tại xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ, TP HCM đã được UBND TP HCM phê duyệt đồ án Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5.000 tại Quyết định 3800/QĐ-UBND ngày 05/09/2018 và phê duyệt điều chỉnh cục bộ tại quyết định số 5040 ngày 26/11/2019 (bổ sung hạng mục sân golf).
Dự án được Thủ Tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư mở rộng tại Quyết định 826/QĐ-TTg ngày 12/6/2020.
Trong quá trình nghiên cứu, lập đồ án quy hoạch chi tiết cho dự án. Công ty cổ phần đô thị du lịch Cần Giờ đã điều chỉnh cục bộ đồ án quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/5000 khu đô thị lấn biển cần giờ quy mô 2.870 ha đảm bảo phù hợp với tình hình mới và đã được UBND TP HCM phê duyệt tại Quyết định 1752/QĐ-UBND ngày 20/05/2024.
Xem chi tiết: Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án Khu đô thị lấn biển Cần Giờ
Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án Khu đô thị lấn biển Cần Giờ (Hình từ Internet)
Phạm vi và quy mô thực hiện đánh giá tác động môi trường của dự án Khu đô thị lấn biển Cần Giờ
(1) Phạm vi
- Các hoạt động trong giai đoạn triển khai xây dựng như giải phóng mặt bằng, san nên, vận chuyển, tập kết, lưu trữ nguyên vật liệu xây dựng, đào móng công trình, thi công các hạng mục công trình và sinh hoạt của công nhân....
- Các hoạt động trong giai đoạn vận hành như sinh hoạt của dân cư trong khu đô thị, hoạt động của trạm XLNT....
- Các tác động không liên quan đến chất thải như tiếng ồn, độ rung, nước mưa chảy tràn....
- Các rủi ro, sự cố môi trường có thể xảy ra trong giai đoạn thì công xây dựng và hoạt động của dự án.
(2) Quy mô
- Quy mô diện tích: 2.870 ha,
- Quy mô dân số: 228.506 người, khách du lịch khoảng 8,887 triệu lượt/năm
- Quy mô xây dựng: Toàn bộ khu đất dự án được chia thành 5 khu vực quy hoạch.
Quy hoạch chức năng sử dụng đất của dự án Khu đô thị lấn biển Cần Giờ theo phân khu
UBND TPHCM đã duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 cho dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ, huyện Cần Giờ, với 5 phân khu A, B, C, D, E, có tổng diện tích 3.873 ha. Mỗi phân khu có chức năng và tính chất quy hoạch riêng biệt, hướng đến phát triển đô thị hiện đại, thông minh, kết hợp du lịch, thương mại và các khu ở.
(1) Phân khu A
Phân khu A có diện tích 953,23 ha, quy mô dân số 59,027 người
Chức năng quy hoạch bao gồm khu công viên chuyên đề:
- Sân Golf, các khu du lịch nghỉ dưỡng và công trình công cộng thương mại dịch vụ, văn hóa thể thao tiếp giáp với các trục đường chính đô thị;
- Hình thành các nhóm ở với hạt nhân là các công trình công cộng dịch vụ, vườn hoa cây xanh cấp đơn vị ở;
- Hệ thống nhà ở thấp tầng được phân chia thành các đáo và bản đào, kết hợp hệ thống mặt nước len lỏi bao bọc xung quanh.
(2) Phân khu B
Phân khu B có diện tích 659,87 ha, với dân số dự kiến khoảng 75.000 người. Tâm điểm của khu vực này là tổ hợp công trình trung tâm văn hóa thể thao và sân vận động, nằm tại nút giao lớn với đại lộ Cần Thạnh - Long Hòa ở phía Bắc.
Gần cửa ngõ đô thị, các công trình công cộng quan trọng được tập trung bố trí như bãi đỗ xe đô thị, bệnh viện đa khoa, trường THPT phục vụ toàn khu, cùng các trung tâm thương mại, văn phòng và khách sạn.
Không gian sống được quy hoạch thành các nhóm ở, với hạt nhân là các công trình công cộng, vườn hoa cây xanh. Hệ thống nhà ở thấp tầng được chia thành hai khu vực chính: nhà ở mật độ cao nằm gần trục đường chính và nhà ở mật độ thấp gần các mặt nước trung tâm, nơi có các đảo và bán đảo được hình thành.
Đặc biệt, diện tích đất dành cho nhà ở xã hội chiếm 20%, đảm bảo tính công bằng và phục vụ nhiều đối tượng cư dân.
(3) Phân khu C
Với diện tích 318,32 ha và dân số dự kiến 41.364 người, phân khu C hướng đến trở thành trung tâm tài chính, kinh tế, và du lịch nghỉ dưỡng cao cấp. Các công trình trung tâm văn hóa thể thao và sân vận động cũng được đặt tại vị trí chiến lược giao với đại lộ Cần Thạnh - Long Hòa.
Tại khu vực cửa ngõ, các công trình công cộng tập trung như bãi đỗ xe đô thị, bệnh viện, trường học và trung tâm thương mại được ưu tiên bố trí. Hệ thống nhà ở thấp tầng được tổ chức đa dạng, từ nhà ở mật độ cao giáp đường chính đến nhà ở mật độ thấp gần các mặt nước len lỏi, tạo không gian sống thoáng đãng và hài hòa.
(4) Phân khu D
Diện tích phân khu D là 480,46 ha, với quy mô dân số 53.115 người. Khu vực này được thiết kế với điểm nhấn là các công trình sân thể thao kết hợp cảnh quan, quảng trường và các trung tâm thương mại dịch vụ cấp đô thị.
Các nhóm ở được quy hoạch xung quanh các công trình công cộng và vườn hoa cây xanh, với hệ thống nhà ở thấp tầng nằm trên các đảo và bán đảo, được bao bọc bởi mặt nước. Phân khu D cũng có đầy đủ hệ thống trường học các cấp, phục vụ toàn bộ cư dân trong khu vực.
(5) Phân khu E
Phân khu E có diện tích 458,12 ha, là không gian mở với điểm nhấn là mặt nước lớn tại trung tâm. Khu vực này được quy hoạch để xây dựng các công viên, bãi tắm, tạo khoảng đệm kết nối với không gian mặt nước xung quanh.
Đây sẽ là nơi phục vụ các hoạt động công cộng, mang lại sự thư giãn và giải trí cho cư dân cũng như du khách.
Nội dung của báo cáo đánh giá tác động môi trường bao gồm những gì?
Căn cứ Điều 32 Luật Bảo vệ môi trường 2020, nội dung chính của báo cáo đánh giá tác động môi trường bao gồm:
- Xuất xứ của dự án đầu tư, chủ dự án đầu tư, cơ quan có thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư; căn cứ pháp lý, kỹ thuật; phương pháp đánh giá tác động môi trường và phương pháp khác được sử dụng (nếu có).
- Sự phù hợp của dự án đầu tư với Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và quy định khác của pháp luật có liên quan.
- Đánh giá việc lựa chọn công nghệ, hạng mục công trình và hoạt động của dự án đầu tư có khả năng tác động xấu đến môi trường.
- Điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, đa dạng sinh học; đánh giá hiện trạng môi trường; nhận dạng các đối tượng bị tác động, yếu tố nhạy cảm về môi trường nơi thực hiện dự án đầu tư; thuyết minh sự phù hợp của địa điểm lựa chọn thực hiện dự án đầu tư.
- Nhận dạng, đánh giá, dự báo các tác động môi trường chính, chất thải phát sinh theo các giai đoạn của dự án đầu tư đến môi trường; quy mô, tính chất của chất thải; tác động đến đa dạng sinh học, di sản thiên nhiên, di tích lịch sử - văn hóa và yếu tố nhạy cảm khác; tác động do giải phóng mặt bằng, di dân, tái định cư (nếu có); nhận dạng, đánh giá sự cố môi trường có thể xảy ra của dự án đầu tư.
- Công trình, biện pháp thu gom, lưu giữ, xử lý chất thải.
- Biện pháp giảm thiểu tác động tiêu cực khác của dự án đầu tư đến môi trường; phương án cải tạo, phục hồi môi trường (nếu có); phương án bồi hoàn đa dạng sinh học (nếu có); phương án phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường.
- Chương trình quản lý và giám sát môi trường.
- Kết quả tham vấn.
- Kết luận, kiến nghị và cam kết của chủ dự án đầu tư.