Thứ 6, Ngày 15/11/2024

Thông tư liên tịch 35/2004/TTLT-BTC-BGDĐT hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính và mức chi của Dự án Giáo dục tiểu học cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn do Bộ Tài chính - Bộ Giáo dục & Đào tạo ban hành

Số hiệu 35/2004/TTLT-BTC-BGDĐT
Ngày ban hành 26/04/2004
Ngày có hiệu lực 31/05/2004
Loại văn bản Thông tư liên tịch
Cơ quan ban hành Bộ Giáo dục và Đào tạo,Bộ Tài chính
Người ký Đặng Huỳnh Mai,Lê Thị Băng Tâm
Lĩnh vực Tài chính nhà nước,Giáo dục,Văn hóa - Xã hội

BỘ TÀI CHÍNH
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 35/2004/TTLT/BTC-BGD&ĐT

Hà Nội, ngày 26 tháng 04 năm 2004

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

HƯỚNG DẪN CƠ CHẾ QUẢN LÝ TÀI CHÍNH VÀ MỨC CHI CỦA DỰ ÁN GIÁO DỤC TIỂU HỌC CHO TRẺ EM CÓ HOÀN CẢNH KHÓ KHĂN

Căn cứ Hiệp định Tín dụng Phát triển số 3752-VN ngày 14/7/2003; Hiệp định Viện trợ không hoàn lại quỹ tín thác đa biên số TF 051873 ngày 14/7/2003 giữa Chính phủ Việt Nam và Hiệp hội phát triển quốc tế về việc tài trợ cho Dự án giáo dục tiểu học cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn;

Căn cứ Nghị định số 17/2001/NĐ-CP ngày 4/5/2001 của Chính phủ ban hành Quy chế quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA);

Căn cứ Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 08/07/1999 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế Quản lý Đầu tư và Xây dựng; Nghị định 12/2000/NĐ-CP ngày 05/05/2000 và Nghị định số 07/NĐ-CP ngày 30/1/2003 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế Quản lý đầu tư và xây dựng ban hành kèm theo Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 08/07/1999;

Căn cứ Quyết định số 244/QĐ-TTg ngày 5/3/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án giáo dục tiểu học cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn;

Căn cứ Quyết định số 112/2001/QĐ-BTC ngày 9/11/2001 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc ban hành một số định mức chi tiêu áp dụng cho các Dự án có sử dụng nguồn vốn Hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) vay nợ;

Liên tịch Bộ Tài chính – Bộ Giáo dục và đào tạo hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính và mức chi của Dự án giáo dục tiểu học cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn như sau:

I. QUY ĐỊNH CHUNG

1. Bộ Giáo dục và đào tạo có trách nhiệm quản lý Dự án giáo dục tiểu học cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, đảm bảo sử dụng vốn đúng mục đích và nội dung của dự án được duyệt, phù hợp với các cam kết với nhà tài trợ và các văn bản liên quan; Ban Điều phối Dự án giáo dục tiểu học cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn (sau đây gọi tắt là Ban Điều phối Dự án) chịu trách nhiệm phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan và các tỉnh tham gia dự án tổ chức thực hiện và điều phối các hoạt động của Dự án.

Bộ Giáo dục và đào tạo phối hợp với các địa phương thụ hưởng dự án xác định chủ đầu tư cho các tiểu dự án thành phần.

2. Các nguồn vốn của dự án:

Kinh phí thực hiện Dự án giáo dục tiểu học cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn bao gồm:

- Vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB);

- Viện trợ không hoàn lại dưới hình thức Quỹ Tín thác đa bên do Ngân hàng Thế giới điều hành, bao gồm các nguồn viện trợ của Chính phủ Úc (thông qua AusAID); Canada (thông qua CIDA); Vương quốc Nauy (thông qua NORAD); Liên hiệp vương quốc Anh và Bắc Ailen (Thông qua DFID);

- Vốn đối ứng của Ngân sách Trung ương (được chia thành nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản và vốn hành chính sự nghiệp);

Toàn bộ vốn vay WB, vốn viện trợ không hoàn lại của các Chính phủ và vốn đối ứng được Ngân sách Trung ương cấp phát cho Bộ Giáo dục và đào tạo thực hiện dự án theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ.

3. Nguyên tắc quản lý:

3.1 Ban Điều phối Dự án Trung ương được thành lập theo Quyết định của Bộ Giáo dục và đào tạo, chịu trách nhiệm quản lý chi tiêu và thực hiện các thủ tục rút vốn thanh toán cho phần hoạt động của dự án do Ban Điều phối Dự án Trung ương thực hiện; giải ngân nguồn vốn vay và viện trợ cho các hoạt động thực hiện tại địa phương theo các quy định hiện hành về giải ngân vốn ODA.

3.2 Ban Điều phối dự án các tỉnh, được thành lập theo quyết định của Uỷ ban Nhân dân tỉnh, chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các hoạt động trên địa bàn, làm thủ tục thanh toán phần vốn đối ứng tại Kho bạc Nhà nước trên địa bàn tỉnh và đề nghị Ban Điều phối Dự án Trung ương giải ngân nguồn vốn vay và viện trợ theo đúng thủ tục của Việt Nam và nhà tài trợ. Ban Điều phối dự án huyện, được thành lập theo quyết định của Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh, chịu trách nhiệm thực hiện các hoạt động ở cấp huyện theo sự uỷ quyền của tỉnh và làm thủ tục thanh toán với Ban Điều phối dự án tỉnh.

3.3 Nguồn vốn đối ứng cho hoạt động dự án tại các tỉnh được Bộ Giáo dục và đào tạo phân bổ từ ngân sách của dự án và được thông báo đến các Kho bạc nhà nước tại địa phương. Nguồn vốn đối ứng bao gồm vốn đầu tư xây dựng cơ bản và vốn hành chính sự nghiệp.

3.4 Kho bạc Nhà nước (đối với Ban Điều phối Dự án Trung ương) và Kho bạc Nhà nước các tỉnh thuộc dự án thực hiện kiểm soát thanh toán nguồn vốn đầu tư và hành chính sự nghiệp của dự án theo quy định hiện hành về kiểm soát thanh toán. Xác nhận của Kho bạc Nhà nước trên các giấy đề nghị tạm ứng, phiếu giá thanh toán khối lượng/hoặc bảng kê thanh toán, sau đây viết tắt là “Phiếu giá” phải xác định rõ số vốn đối ứng và vốn WB hoặc vốn viện trợ theo đúng tỷ lệ tài trợ đã được quy định trong Hiệp định Vay hoặc Hiệp định viện trợ. Phiếu giá có xác nhận của Kho bạc Nhà nước là chứng từ cần thiết trong hồ sơ rút vốn WB, viện trợ và thanh toán phần vốn đối ứng từ ngân sách.

3.5 Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam là ngân hàng phục vụ dự án, phối hợp với Ban Điều phối Dự án Trung ương thực hiện các thủ tục rút vốn và thanh toán nguồn vốn WB/viện trợ theo các quy định tại Thông tư này và được hưởng mức phí dịch vụ phù hợp với các quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về phí dịch vụ thanh toán qua ngân hàng. Các khoản phí dịch vụ trên sẽ được trả từ khoản lãi phát sinh trên số dư của Tài khoản đặc biệt và được tính vào tổng mức đầu tư của Dự án. Trường hợp lãi phát sinh trên Tài khoản đặc biệt không đủ, phần còn thiếu sẽ được thanh toán bằng nguồn vốn đối ứng của dự án. Lãi phát sinh trên tài khoản đặc biệt được hạch toán theo dõi riêng hàng tháng. Khi kết thúc dự án, số dư lãi phát sinh trên Tài khoản đặc biệt sẽ được chuyển trả ngân sách Nhà nước vào số tài khoản theo chỉ dẫn của Bộ Tài chính.

4. Phân định nhiệm vụ chi:

Việc phân định nhiệm vụ chi dựa trên nguyên tắc đã quy định tại Hiệp định Tín dụng và Hiệp định viện trợ không hoàn lại và Quyết định 244/QĐ-TTg ngày 5/3/2003 của Thủ tướng Chính phủ.

4.1 Vốn đầu tư xây dựng cơ bản (vốn vay WB/vốn đối ứng)

- Chi xây dựng cơ sở vật chất trường và điểm trường, tư vấn giám sát, mua sắm đồ gỗ trường học;

4.2 Vốn Hành chính sự nghiệp:

[...]