Thông tư 79/2003/TT-BTC hướng dẫn chế độ quản lý, cấp phát, thanh toán các khoản chi ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước do Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 79/2003/TT-BTC
Ngày ban hành 13/08/2003
Ngày có hiệu lực 01/01/2004
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Lê Thị Băng Tâm
Lĩnh vực Kế toán - Kiểm toán,Tài chính nhà nước

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
----------

Số: 79/2003/TT-BTC

Hà Nội, ngày 13 tháng 8 năm 2003

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN CHẾ ĐỘ QUẢN LÝ, CẤP PHÁT, THANH TOÁN CÁC KHOẢN CHI NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC QUA KHO BẠC NHÀ NƯỚC

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước số 01/2002/QH11 ngày 16/12/2002 của Quốc hội và Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06/ 06/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước;

Bộ Tài chính hướng dẫn việc quản lý, cấp phát, thanh toán các khoản chi ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước như sau:

I. QUY ĐỊNH CHUNG

1. Phạm vi áp dụng của Thông tư này là các khoản chi của ngân sách nhà nước, bao gồm các khoản chi thường xuyên; chi sự nghiệp kinh tế; chi chương trình mục tiêu; chi kinh phí uỷ quyền và các khoản chi khác của ngân sách nhà nước.

Thông tư này không áp dụng đối với ngân sách xã; các khoản chi đầu tư xây dựng cơ bản và chi sự nghiệp có tính chất đầu tư; chi đặc biệt về an ninh, quốc phòng; chi của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.

2. Đối tượng áp dụng các quy định tại Thông tư này là các cơ quan, đơn vị, các chủ dự án,... sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước (sau đây gọi chung là đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước); các cơ quan hành chính thực hiện khoán biên chế và kinh phí quản lý hành chính, đơn vị thực hiện chế độ tài chính áp dụng cho đơn vị sự nghiệp có thu (đối với phần kinh phí ngân sách nhà nước không thực hiện khoán).

3. Nguyên tắc quản lý, cấp phát, thanh toán các khoản chi ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước:

3.1. Tất cả các khoản chi ngân sách nhà nước phải được kiểm tra, kiểm soát trong quá trình cấp phát, thanh toán. Các khoản chi phải có trong dự toán ngân sách nhà nước được phân bổ, đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức do cấp có thẩm quyền quy định và đã được thủ trưởng đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước hoặc người được uỷ quyền quyết định chi.

3.2. Mọi khoản chi ngân sách nhà nước được hạch toán bằng đồng Việt Nam theo niên độ ngân sách, cấp ngân sách và mục lục ngân sách nhà nước. Các khoản chi ngân sách nhà nước bằng ngoại tệ, hiện vật, ngày công lao động được quy đổi và hạch toán bằng đồng Việt Nam theo tỷ giá ngoại tệ, giá hiện vật, ngày công lao động do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.

3.3. Trong quá trình quản lý, thanh toán, quyết toán chi ngân sách nhà nước các khoản chi sai phải thu hồi. Căn cứ vào quyết định của cơ quan tài chính hoặc quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, Kho bạc Nhà nước thực hiện việc thu hồi cho ngân sách nhà nước.

4. Trách nhiệm và quyền hạn của các cơ quan, đơn vị trong việc quản lý, cấp phát và thanh toán các khoản chi ngân sách nhà nước.

4.1. Bộ Tài chính, Sở Tài chính-Vật giá tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Phòng Tài chính quận, huyện, thị xã thuộc tỉnh, thành phố (sau đây gọi chung là cơ quan tài chính):

a. Thẩm tra việc phân bổ dự toán ngân sách nhà nước cho các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước. Trường hợp việc phân bổ không phù hợp với nội dung trong dự toán do cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao, không đúng chính sách, chế độ, tiêu chuẩn, định mức, thì yêu cầu cơ quan phân bổ ngân sách điều chỉnh lại;

b. Bố trí nguồn để đáp ứng nhu cầu chi, trường hợp nhu cầu chi vượt quá khả năng thu và huy động của quỹ ngân sách nhà nước, thì cơ quan tài chính phải chủ động thực hiện các biện pháp vay tạm thời theo quy định để bảo đảm nguồn; trường hợp đã thực hiện các giải pháp trên mà vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu chi, cơ quan tài chính được quyền yêu cầu (bằng văn bản) Kho bạc Nhà nước tạm dừng thanh toán một số khoản chi về mua sắm, sửa chữa theo từng nhiệm vụ cụ thể để đảm bảo cân đối quỹ ngân sách nhà nước, nhưng không ảnh hưởng đến việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính được giao của đơn vị;

c. Kiểm tra, giám sát việc thực hiện chi tiêu và sử dụng ngân sách ở các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước, trường hợp phát hiện các khoản chi vượt nguồn cho phép, sai chế độ hoặc đơn vị không chấp hành chế độ báo cáo, thì có quyền yêu cầu Kho bạc Nhà nước tạm dừng thanh toán.

4.2. Cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra việc sử dụng ngân sách nhà nước thuộc ngành, lĩnh vực do cơ quan quản lý và của các đơn vị trực thuộc; định kỳ báo cáo tình hình thực hiện chi ngân sách nhà nước và các báo cáo tài chính khác theo chế độ quy định.

4.3. Đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước có trách nhiệm:

- Tất cả các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước và các tổ chức được ngân sách nhà nước hỗ trợ thường xuyên phải mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước; chịu sự kiểm tra, kiểm soát của cơ quan tài chính, Kho bạc Nhà nước trong quá trình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước được giao và quyết toán ngân sách nhà nước theo đúng chế độ quy định.

-Thủ trưởng các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước có trách nhiệm:

+ Quyết định chi theo chế độ, tiêu chuẩn và mức chi trong phạm vi dự toán chi ngân sách nhà nước được cấp có thẩm quyền giao;

+ Quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước và tài sản nhà nước theo đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách nhà nước; đúng mục đích, tiết kiệm, có hiệu quả. Trường hợp vi phạm, tuỳ theo tính chất và mức độ, sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

4.4. Kho bạc Nhà nước có trách nhiệm kiểm soát các hồ sơ, chứng từ chi và thực hiện chi trả, thanh toán kịp thời các khoản chi ngân sách nhà nước đủ điều kiện thanh toán theo quy định tại điều 51 của Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06/06/2003 của Chính phủ và các quy định tại phần II của Thông tư này; tham gia với cơ quan tài chính, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền trong việc kiểm tra tình hình sử dụng ngân sách nhà nước; xác nhận số thực chi ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước của các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước.

- Kho bạc Nhà nước có quyền tạm đình chỉ, từ chối chi trả, thanh toán và thông báo cho đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước biết; đồng thời, chịu trách nhiệm về quyết định của mình trong các trường hợp sau:

+ Chi không đúng mục đích, đối tượng theo dự toán được duyệt;

+ Chi không đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định;

+ Không đủ các điều kiện chi theo quy định tại điểm 1 phần II Thông tư này.

[...]