Nghị định 66/2003/NĐ-CP sửa đổi Quy chế đấu thầu kèm theo Nghị định 88/1999/NĐ-CP và Nghị định 14/2000/NĐ-CP

Số hiệu 66/2003/NĐ-CP
Ngày ban hành 12/06/2003
Ngày có hiệu lực 16/07/2003
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Phan Văn Khải
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Xây dựng - Đô thị

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 66/2003/NĐ-CP

Há Nội, ngày 12 tháng 6 năm 2003

 

NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 66/2003/NĐ-CP NGÀY 12 THÁNG 6 NĂM 2003 VỀ VIỆC SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA QUY CHẾ ĐẤU THẦU BAN HÀNH KÈM THEO NGHỊ ĐỊNH SỐ 88/1999/NĐ-CP NGÀY 01 THÁNG 9 NĂM 1999 VÀ NGHỊ ĐỊNH SỐ 14/2000/NĐ-CP NGÀY 05 THÁNG 5 NĂM 2000 CỦA CHÍNH PHỦ

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư,

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế Đấu thầu ban hành kèm theo Nghị định số 88/1999/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 1999 và Nghị định số 14/2000/NĐ-CP ngày 05 tháng 5 năm 2000 của Chính phủ (sau đây viết tắt là Nghị định 88/CP và Nghị định 14/CP) như sau:

1. Điểm c khoản 2 Điều 2 Nghị định 88/CP được sửa đổi, bổ sung như sau:

"c) Các dự án sử dụng nguồn vốn tài trợ của các tổ chức quốc tế hoặc của nước ngoài được thực hiện trên cơ sở nội dung văn bản thoả thuận được hai bên ký kết (bên tài trợ và bên Việt Nam). Trường hợp có những nội dung liên quan tới quy định về đấu thầu trong dự thảo văn bản thoả thuận khác với Quy chế Đấu thầu này thì cơ quan được giao trách nhiệm đàm phán ký kết thoả thuận phải trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trước khi ký kết. Trường hợp văn bản thoả thuận đã ký có những nội dung liên quan tới quy định về đấu thầu khác với Quy chế Đấu thầu của Việt Nam thì áp dụng theo văn bản thoả thuận đã ký. Riêng thủ tục về trình duyệt, thẩm định, phê duyệt kế hoạch đấu thầu và kết quả lựa chọn nhà thầu thực hiện theo Quy chế Đấu thầu của Việt Nam".

2. Điều 3 Nghị định 88/CP được sửa đổi khoản 10, khoản 30 và bổ sung khoản 35 như sau:

"10. Nhà thầu là tổ chức, cá nhân trong nước hoặc nước ngoài có năng lực pháp luật dân sự, đối với cá nhân còn phải có năng lực hành vi dân sự để ký kết và thực hiện hợp đồng. Năng lực pháp luật dân sự và năng lực hành vi dân sự của nhà thầu trong nước được xét theo pháp luật Việt Nam, đối với nhà thầu nước ngoài được xét theo pháp luật của nước nơi nhà thầu mang quốc tịch. Nhà thầu phải đảm bảo sự độc lập về tài chính của mình.

Nhà thầu là nhà xây dựng trong đấu thầu xây lắp; là nhà cung cấp trong đấu thầu mua sắm hàng hóa; là nhà tư vấn (có thể chỉ là một cá nhân) trong đấu thầu tuyển chọn tư vấn; là nhà đầu tư trong đấu thầu lựa chọn đối tác đầu tư.

Nhà thầu có thể tham gia dự thầu độc lập (gọi là nhà thầu độc lập) hoặc liên danh với các nhà thầu khác (gọi là nhà thầu liên danh). Trường hợp liên danh phải có văn bản thoả thuận giữa các thành viên tham gia liên danh về trách nhiệm chung và riêng đối với công việc thuộc gói thầu và phải có người đứng đầu của liên danh.

30. Giá ký hợp đồng là giá được bên mời thầu và nhà thầu trúng thầu thoả thuận sau khi thương thảo hoàn thiện hợp đồng phải phù hợp với giá trúng thầu, hồ sơ mời thầu và hồ sơ dự thầu. Giá ký hợp đồng cùng với các điều khoản cụ thể về thanh toán được ghi trong hợp đồng là cơ sở để thanh toán vốn cho gói thầu.

35. Chủ dự án là tổ chức được giao trách nhiệm trực tiếp quản lý và thực hiện dự án quy định tại khoản 5 Điều 3 Nghị định 88/CP. Đối với dự án đầu tư chủ dự án là chủ đầu tư".

3. Khoản 1 và khoản 2 Điều 4 Nghị định 88/CP được sửa đổi, bổ sung như sau:

"1. Đấu thầu rộng rãi

Đấu thầu rộng rãi là hình thức đấu thầu không hạn chế số lượng nhà thầu tham gia. Bên mời thầu phải thông báo công khai về các điều kiện, thời gian dự thầu trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc thông báo trên tờ thông tin về đấu thầu và trang Web về đấu thầu của nhà nước và của Bộ, ngành địa phương tối thiểu 10 ngày trước khi phát hành hồ sơ mời thầu. Đấu thầu rộng rãi là hình thức chủ yếu áp dụng trong đấu thầu.

Các hình thức lựa chọn nhà thầu khác chỉ được áp dụng khi có đầy đủ căn cứ và được người có thẩm quyền chấp thuận trong kế hoạch đấu thầu.

2. Đấu thầu hạn chế

Đấu thầu hạn chế là hình thức đấu thầu mà Bên mời thầu mời một số nhà thầu (tối thiểu là 5) có đủ kinh nghiệm và năng lực tham dự. Trong trường hợp thực tế chỉ có ít hơn 5, Bên mời thầu phải báo cáo chủ dự án trình người có thẩm quyền xem xét, quyết định. Chủ dự án quyết định danh sách nhà thầu tham dự trên cơ sở đánh giá của Bên mời thầu về kinh nghiệm và năng lực các nhà thầu, song phải đảm bảo khách quan, công bằng và đúng đối tượng. Hình thức này chỉ được xem xét áp dụng khi có một trong các điều kiện sau:

a) Chỉ có một số nhà thầu có khả năng đáp ứng được yêu cầu của gói thầu;

b) Do nguồn vốn sử dụng yêu cầu phải tiến hành đấu thầu hạn chế;

c) Do tình hình cụ thể của gói thầu mà việc đấu thầu hạn chế có lợi thế".

4. Điểm b, điểm c và điểm d khoản 2 Điều 1 Nghị định 14/CP được sửa đổi, bổ sung như sau:

"b) Gói thầu có tính chất nghiên cứu thử nghiệm, bí mật quốc gia do người có thẩm quyền quyết định.

c) Gói thầu có giá trị dưới 1 tỷ đồng đối với mua sắm hàng hoá, xây lắp; dưới 500 triệu đồng đối với tư vấn.

Đối với các gói thầu được chỉ định thầu quy định tại điểm này thuộc dự án quan trọng quốc gia do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư và Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư, Thủ tướng Chính phủ phân cấp cho chủ dự án chịu trách nhiệm quyết định nhưng phải đảm bảo theo đúng Quy chế Đấu thầu.

Khi chỉ định thầu các gói thầu quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị định 14/CP, người quyết định chỉ định thầu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình.

[...]