Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Thông tư 01/2004/TT-BKH hướng dẫn Nghị định 66/2003/NĐ-CP sửa đổi Quy chế Đấu thầu do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành

Số hiệu 01/2004/TT-BKH
Ngày ban hành 02/02/2004
Ngày có hiệu lực 20/02/2004
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Người ký Võ Hồng Phúc
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập- Tự do-Hạnh phúc

Số:01/2004/TT-BKH

Hà Nội,ngày02 tháng02 năm2004

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ SỐ 01/2004/TT-BKHĐT NGÀY 02 THÁNG 02 NĂM 2004 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH SỐ 66/2003/NĐ-CP NGÀY 12/6/2003 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA QUY CHẾ ĐẤU THẦU

Căn cứ Điều 4 Nghị định số 66/2003/NĐ-CP ngày 12 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ (sau đây gọi tắt là Nghị định số 66/CP) về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế Đấu thầu ban hành kèm theo Nghị định số 88/1999/NĐ-CP ngày 01/9/1999 và Nghị định số 14/2000/NĐ-CP ngày 05/5/2000 của Chính phủ (sau đây gọi tắt là Nghị định số 88/CP và 14/CP), căn cứ ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về việc hướng dẫn thực hiện Nghị định số 66/CP (Văn bản số 1336/CP-CN ngày 02 tháng 10 năm 2003), Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 66/CP như sau:

PHẦN 1
NĂNG LỰC PHÁP LUẬT CỦA NHÀ THẦU, SỰ ĐỘC LẬP
VỀ TÀI CHÍNH CỦA NHÀ THẦU
(Quy định tại điểm 10 khoản 2 Điều 1 Nghị định số 66/CP)

I. NĂNG LỰC PHÁP LUẬT DÂN SỰ VÀ NĂNG LỰC
HÀNH VI DÂN SỰ CỦA NHÀ THẦU

Năng lực pháp luật dân sự và năng lực hành vi dân sự đối với nhà thầu trong nước được căn cứ theo quy định của Bộ Luật Dân sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, còn đối với nhà thầu nước ngoài được căn cứ theo pháp luật của nước nơi nhà thầu mang quốc tịch, cụ thể phải đáp ứng được các điều kiện sau:

1. Đối với nhà thầu là tổ chức trong nước

a. Có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy phép kinh doanh và thực hiện đúng theo đăng ký kinh doanh hoặc giấy phép kinh doanh do cơ quan có thẩm quyền cấp;

b. Hoặc có quyết định thành lập (đối với các đơn vị không có đăng ký kinh doanh) do cơ quan có thẩm quyền cấp và thực hiện đúng theo quyết định thành lập.

2. Đối với nhà thầu là tổ chức nước ngoài

Có đăng ký hoạt động hợp pháp do cơ quan có thẩm quyền của nước nơi nhà thầu mang quốc tịch cấp.

3. Đối với nhà thầu là cá nhân

a. Người từ đủ 18 tuổi trở lên;

b. Có hộ khẩu thường trú tại Việt Nam do cơ quan có thẩm quyền cấp hoặc hộ chiếu hợp pháp (đối với cá nhân là người nước ngoài);

c. Có đăng ký hoạt động hợp pháp hoặc chứng chỉ chuyên môn phù hợp do cơ quan có thẩm quyền cấp và thực hiện đúng theo đăng ký hoạt động hoặc chứng chỉ chuyên môn;

d. Không ở trong tình trạng đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đang trong thời gian chờ chấp hành các hình phạt của tòa án các cấp.

II. SỰ ĐỘC LẬP VỀ TÀI CHÍNH CỦA NHÀ THẦU

Nhà thầu được coi là độc lập về tài chính nếu đáp ứng đủ các yêu cầu sau:

1. Là một đơn vị hạch toán kinh tế độc lập;

2. Không có cùng lợi ích kinh tế với các tổ chức và cá nhân liên quan:

Đại diện hợp pháp của nhà thầu không có thân nhân là vợ, chồng, cha, mẹ, con hoặc anh, chị, em ruột tham gia bên mời thầu, tổ chuyên gia, tư vấn đánh giá hồ sơ dự thầu, thẩm định kết quả đấu thầu của gói thầu mà mình tham dự.

PHẦN 2

ĐÁNH GIÁ VỀ MẶT KỸ THUẬT THEO TIÊU CHÍ “ĐẠT”,
“KHÔNG ĐẠT” ĐỐI VỚI MUA SẮM HÀNG HÓA VÀ XÂY LẮP

(Quy định tại khoản 9 Điều 1 Nghị định số 66/CP)

I. QUY ĐỊNH CHUNG

Quy trình đánh giá hồ sơ dự thầu đối với mua sắm hàng hóa và xây lắp được thực hiện theo quy định tại Điều 30 và Điều 41 Quy chế Đấu thầu ban hành kèm theo Nghị định số 88/CP và được hướng dẫn tại Chương II và Chương III Phần thứ tư Thông tư số 04/2000/TT-BKH ngày 26/5/2000 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (sau đây gọi tắt là Thông tư số 04).

Việc áp dụng phương pháp đánh giá về mặt kỹ thuật theo tiêu chí “đạt”, “không đạt” phải nêu rõ trong hồ sơ mời thầu và được áp dụng trong các trường hợp sau:

1. Các gói thầu quy mô nhỏ;

[...]