Thông tư 45/2003/TT-BTC hướng dẫn quyết toán vốn đầu tư do Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 45/2003/TT-BTC
Ngày ban hành 15/05/2003
Ngày có hiệu lực 25/06/2003
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Nguyễn Công Nghiệp
Lĩnh vực Đầu tư,Kế toán - Kiểm toán

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 45/2003/TT-BTC

Hà Nội, ngày 15 tháng 5 năm 2003

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 45/2003/TT-BTC NGÀY 15 THÁNG 5 NĂM 2003 HƯỚNG DẪN QUYẾT TOÁN VỐN ĐẦU TƯ

Căn cứ Quy chế Quản lý đầu tư và xây dựng ban hành kèm theo Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 08/7/1999 và Nghị định số 12/2000/NĐ-CP ngày 05/5/2000 của Chính phủ; Nghị định số 07/2003/NĐ-CP ngày 30/01/2003 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng ban hành kèm theo Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 08/7/1999 và Nghị định số 12/2000/NĐ-CP ngày 05/5/2000 của Chính phủ;
Căn cứ Nghị định số 86/2002/NĐ-CP ngày 05/11/2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Bộ Tài chính hướng dẫn quyết toán vốn đầu tư như sau:

1. Tất cả các dự án đầu tư sử dụng vốn ngân sách nhà nước, vốn tín dụng do Nhà nước bảo lãnh, vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước sau khi hoàn thành đưa dự án vào khai thác, sử dụng đều phải quyết toán vốn đầu tư theo quy định của Thông tư này.

2. "Vốn đầu tư được quyết toán" là toàn bộ chi phí hợp pháp đã thực hiện trong quá trình đầu tư để đưa dự án vào khai thác sử dụng. Chi phí hợp pháp là chi phí được thực hiện đúng với hồ sơ thiết kế - dự toán đã phê duyệt, bảo đảm đúng quy chuẩn, định mức, đơn giá, chế độ tài chính - kế toán, hợp đồng kinh tế đã ký kết và những quy định của Nhà nước có liên quan. Vốn đầu tư được quyết toán phải nằm trong giới hạn tổng mức đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc điều chỉnh (nếu có).

3. Báo cáo quyết toán vốn đầu tư phải xác định đầy đủ, chính xác tổng chi phí đầu tư đã thực hiện; phân định rõ nguồn vốn đầu tư; chi phí đầu tư được phép không tính vào giá trị tài sản hình thành qua đầu tư dự án; giá trị tài sản hình thành qua đầu tư: tài sản cố định (TSCĐ), tài sản lưu động (TSLĐ); đồng thời phải đảm bảo đúng nội dung, thời gian lập, thẩm tra và phê duyệt theo quy định.

4. Đối với các dự án nhóm A gồm nhiều dự án thành phần hoặc tiểu dự án, trong đó nếu từng dự án thành phần hoặc tiểu dự án có thể độc lập vận hành khai thác hoặc thực hiện theo phân kỳ đầu tư được ghi trong văn bản phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi hoặc văn bản quyết định chủ trương đầu tư của cấp có thẩm quyền, thì mỗi dự án thành phần hoặc tiểu dự án đó được thực hiện quyết toán vốn đầu tư như một dự án đầu tư độc lập tương ứng với quy định về phân nhóm dự án (A, B, C) của Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng phù hợp với từng thời kỳ đầu tư.

Hàng năm, chủ đầu tư và cơ quan quản lý cấp trên của chủ đầu tư (được giao nhiệm vụ quản lý chung dự án - nếu có) có trách nhiệm tổng hợp toàn bộ tình hình thực hiện dự án, tình hình quyết toán vốn đầu tư của dự án báo cáo Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Khi toàn bộ dự án hoàn thành, chủ đầu tư và cơ quan quản lý cấp trên của chủ đầu tư (nêu trên) có trách nhiệm quyết toán các chi phí chung liên quan tới dự án trình Bộ chủ quản phê duyệt và tổng hợp chung vào kết quả quyết toán vốn đầu tư của toàn dự án để báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

5. Đối với các dự án có nhiều hạng mục công trình mà mỗi hạng mục công trình hoặc nhóm hạng mục khi hoàn thành có thể đưa vào khai thác, sử dụng độc lập, thì chủ đầu tư lập báo cáo quyết toán vốn đầu tư theo hạng mục, trình người có thẩm quyền phê duyệt. Giá trị đề nghị quyết toán của hạng mục công trình bao gồm: chi phí xây lắp, chi phí thiết bị và các khoản chi phí khác có liên quan trực tiếp đến hạng mục đó. Sau khi toàn bộ dự án hoàn thành, chủ đầu tư phải tổng quyết toán toàn bộ dự án và xác định mức phân bổ chi phí chung của dự án cho từng hạng mục công trình thuộc dự án trình người có thẩm quyền phê duyệt quyết toán phê duyệt.

6. Đối với các dự án đầu tư có sử dụng vốn nước ngoài (vốn do Nhà nước bảo lãnh, vốn vay, vốn viện trợ từ các Chính phủ, tổ chức, cá nhân người nước ngoài) khi hoàn thành phải thực hiện quyết toán vốn đầu tư theo quy định của Thông tư này và các quy định liên quan của Điều ước quốc tế (nếu có).

7. Đối với dự án của cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài, dự án có yêu cầu cơ mật thuộc an ninh quốc phòng, dự án mua sở hữu bản quyền, việc quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành được thực hiện theo quyết định riêng của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở đề xuất và kiến nghị của cơ quan có dự án.

8. Thông qua công tác quyết toán vốn đầu tư nhằm đánh giá kết quả quá trình đầu tư, xác định năng lực sản xuất, giá trị tài sản mới tăng thêm do đầu tư mang lại; xác định rõ trách nhiệm của chủ đầu tư, các nhà thầu, cơ quan cấp vốn, cho vay, kiểm soát thanh toán, các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan; đồng thời qua đó rút kinh nghiệm nhằm không ngừng hoàn thiện cơ chế chính sách của nhà nước, nâng cao hiệu quả của công tác quản lý vốn đầu tư trong cả nước.

Phần: 2

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

1. Nguồn vốn đầu tư thực hiện dự án tính đến ngày khoá sổ lập báo cáo quyết toán (chi tiết theo từng nguồn vốn đầu tư).

2. Chi phí đầu tư đề nghị quyết toán:

Chi tiết theo cơ cấu xây lắp, thiết bị, chi phí khác; chi tiết theo hạng mục, khoản mục chi phí đầu tư.

3. Xác định chi phí đầu tư thiệt hại không tính vào giá trị tài sản hình thành qua đầu tư:

- Chi phí đầu tư thiệt hại do thiên tai, địch họa và các nguyên nhân bất khả kháng không thuộc phạm vi và đối tượng được bảo hiểm.

- Chi phí đầu tư thiệt hại do thực hiện các khối lượng công việc phải huỷ bỏ theo quyết định của cấp có thẩm quyền.

4. Xác định số lượng và giá trị tài sản hình thành qua đầu tư của dự án, công trình hoặc hạng mục công trình (Sau đây gọi chung là dự án); chi tiết theo nhóm, loại TSCĐ, TSLĐ theo chi phí thực tế. Đối với các dự án có thời gian thực hiện đầu tư lớn hơn 36 tháng tính từ ngày khởi công đến ngày nghiệm thu bàn giao đưa vào khai thác sử dụng phải thực hiện quy đổi vốn đầu tư về mặt bằng giá tại thời điểm bàn giao đưa vào khai thác sử dụng.

- Việc phân bổ chi phí khác cho từng TSCĐ được xác định theo nguyên tắc: Chi phí trực tiếp liên quan đến TSCĐ nào thì tính cho TSCĐ đó; chi phí chung liên quan đến nhiều TSCĐ thì phân bổ theo tỷ lệ chi phí trực tiếp của từng TSCĐ so với tổng số chi phí trực tiếp của toàn bộ tài sản cố định.

- Trường hợp tài sản do đầu tư mang lại được bàn giao cho nhiều đơn vị sử dụng phải xác định đầy đủ danh mục và giá trị của TSCĐ, TSLĐ của dự án bàn giao cho từng đơn vị.

II. BIỂU MẪU BÁO CÁO QUYẾT TOÁN:

1. Đối với dự án hoàn thành:

Gồm các biểu theo Mẫu số: 01, 02, 03, 04, 05, 06, 07, 08/QTDA kèm theo.

2. Đối với hạng mục công trình hoàn thành:

Gồm các biểu theo Mẫu số: 01, 02,03, 04,05, 06/QTDA kèm theo.

3. Đối với dự án quy hoạch hoàn thành, quyết toán chi phí chuẩn bị đầu tư của các dự án được huỷ bỏ theo quyết định của cấp có thẩm quyền: Gồm các biểu theo Mẫu số: 07,08, 09/QTDA kèm theo.

[...]