Thông tư 06/2002/TT-BTC hướng dẫn thi hành chủ trương, biện pháp điều hành dự toán Ngân sách nhà nước năm 2002 do Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 06/2002/TT-BTC
Ngày ban hành 18/01/2002
Ngày có hiệu lực 01/01/2002
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Phạm Văn Trọng
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 06/2002/TT-BTC

Hà Nội, ngày 18 tháng 1 năm 2002

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 06/2002/TT-BTC NGÀY 18 THÁNG 1 NĂM 2002 HƯỚNG DẪN THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỂM VỀ CHỦ TRƯƠNG, BIỆN PHÁP ĐIỀU HÀNH DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2002

Căn cứ Nghị quyết số 50/2001/QH10 ngày 27/12/2001 của Quốc hội Khóa X, Kỳ họp thứ 10 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2002;
Căn cứ Quyết định số 196/2001/QĐ-TTg ngày 27/12/2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao kế hoạch và dự toán ngân sách nhà nước năm 2002;
Bộ Tài chính hướng dẫn một số điểm về chủ trương và biện pháp điều hành ngân sách nhà nước năm 2002 như sau:

- Căn cứ dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2002 Thủ tướng Chính phủ giao, các Bộ, cơ quan Trung ương, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Tổng cục Hải quan cần khẩn trương triển khai công tác giao nhiệm vụ thu, chi ngân sách cho các đơn vị trực thuộc và cấp dưới; chậm nhất phải hoàn thành trong tháng 1/2002. Trường hợp Hội đồng nhân dân tỉnh chưa thông qua dự toán ngân sách, Uỷ ban nhân dân tỉnh cần có phương án tạm giao dự toán Ngân sách để các đơn vị triển khai thực hiện.

- Để tăng quyền chủ động cho chính quyền cấp dưới, năm 2002 Trung ương chỉ giao một số chỉ tiêu thu, chi Ngân sách chủ yếu gồm:

+ Tổng thu Ngân sách Nhà nước trên địa bàn, trong đó chi tiết các khoản thu liên quan thưởng vượt thu Ngân sách;

+ Tổng chi Ngân sách địa phương, trong đó chi tiết một số nhiệm vụ: chi đầu tư xây dựng cơ bản tập trung (vốn trong nước và ngoài nước), chi sự nghiệp giáo dục - đào tạo và dạy nghề, chi sự nghiệp khoa học công nghệ và môi trường, dự phòng ngân sách địa phương;

+ Số bổ sung từ ngân sách Trung ương để cân đối ngân sách địa phương;

+ Chi thực hiện mục tiêu quốc gia; chi thực hiện dự án 5 triệu ha rừng và chi thực hiện một số mục tiêu nhiệm vụ khác.

Các chỉ tiêu còn lại và việc phân bổ cụ thể các nhiệm vụ chi (kể cả chương trình mục tiêu quốc gia) do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định. Đồng thời có hướng dẫn và có cơ chế kiểm tra, kiểm soát nhằm đảm bảo phân bổ ngân sách của cấp dưới phù hợp với định hướng, mục tiêu đã được Hội đồng nhân dân cấp trên quyết định.

1. Về thu ngân sách nhà nước

Dự toán thu Thủ tướng Chính phủ giao là mức tối thiểu; các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương cần giao chỉ tiêu phấn đấu cho cấp dưới và đơn vị không thấp hơn thực hiện năm 2001và tăng ít nhất 3% so với mức Chính phủ giao.

Năm 2002 thực hiện miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với hộ nghèo (theo chuẩn hộ nghèo tại Quyết định số 1143/2000/QĐ-LĐTBXH ngày 1/11/2000 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), hộ có diện tích đất sản xuất nông nghiệp tại các xã thuộc chương trình 135 của Chính phủ; Đối với các hộ còn lại được giảm 50% số thuế sử dụng đất nông nghiệp phải nộp trong năm sau khi đã trừ số thuế được miễn giảm theo chính sách (nếu có).

Việc miễn giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp theo các quy định trên chỉ thực hiện đối với diện tích đất sản xuất nông nghiệp trong hạn mức (hạn mức đất theo quy định của Luật Đất đai), diện tích đất vượt hạn mức của các hộ sản xuất nông nghiệp vẫn phải nộp thuế theo quy định hiện hành. Riêng đối với hộ sản xuất nông nghiệp được xác định là hộ nghèo (theo chuẩn hộ nghèo tại Quyết định số 1143/2000/QĐ-LĐTBXH ngày 1/11/2000 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) thì được miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp trên toàn bộ diện tích đất sử dụng.

Không thu sử dụng vốn tại doanh nghiệp nhà nước; các doanh nghiệp phải sử dụng nguồn vốn này để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, đổi mới công nghệ, hạ giá thành sản phẩm và nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường.

2. Về chi ngân sách nhà nước

- Căn cứ nguồn thu, nhiệm vụ chi được giao, trên cơ sở khai thác nguồn thu, chống thất thu, các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương thực hiện sắp xếp hợp lý các nhiệm vụ chi, trong đó ưu tiên bố trí vốn cho đầu tư phát triển, đảm bảo vốn đối ứng các dự án ODA, vốn chuẩn bị đầu tư, các dự án phòng chống thiên tai và khắc phục hậu quả thiên tai; chi sự nghiệp kinh tế, trong đó tập trung cho các dự án giống, công tác khuyến nông - lâm - ngư - diêm; công tác quy hoạch, lập bản đồ sử dụng đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; các nhiệm vụ về phát triển du lịch, xúc tiến thương mại, khuyến khích phát triển thị trường tài chính tiền tệ, thị trường bất động sản; chi giáo dục - đào tạo - dạy nghề, khoa học công nghệ; đầu tư cho các vùng có nhiều khó khăn;...

- Bố trí đủ nguồn để trả các khoản nợ đến hạn (nợ xây dựng cơ sở hạ tầng, nợ vay thực hiện nhiệm vụ kiên cố hóa kênh mương,...); đồng thời có biện pháp chấn chỉnh, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc vay và sử dụng tiền vay ở các đơn vị, cấp dưới, đảm bảo các khoản vay đều được sử dụng đúng mục đích và trả nợ đúng hạn.

3. Về cân đối ngân sách địa phương

3.1. Về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi:

Năm 2002 tiếp tục thực hiện ổn định các nguồn thu, tỷ lệ điều tiết và nhiệm vụ chi giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương như năm 2001. Riêng đối với chi chương trình đầu tư hạ tầng thể dục thể thao, chương trình phát triển cơ sở hạ tầng nuôi trồng thủy sản năm 2001 đã cân đối trong ngân sách địa phương, năm 2002 bố trí ở ngân sách Trung ương và thực hiện bổ sung có mục tiêu từ ngân sách Trung ương cho ngân sách địa phương.

3.2. Năm 2002 tiếp tục thực hiện cơ chế đầu tư trở lại cho địa phương một số nguồn thu (thuế sử dụng đất nông nghiệp, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, xổ số kiến thiết,...) để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn như năm 2001.

Việc phân cấp, quản lý và báo cáo tình hình sử dụng các nguồn thu trên được thực hiện theo quy định tại điểm 3 Phần I Thông tư số 06/2000/TT-BTC ngày 18/01/2000 của Bộ Tài chính.

3.3. Nguồn thu ngân sách của các cấp chính quyền địa phương năm 2002 được xác định trên cơ sở:

- Tỷ lệ phần trăm (%) phân chia các nguồn thu giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương được ổn định theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ đã giao năm 2000 và 2001.

- Số bổ sung từ ngân sách Trung ương để cân đối ngân sách địa phương (nếu có) được tính tăng 3% so với mức bổ sung cân đối năm 2001 (sau khi loại trừ toàn bộ hoặc một phần số bổ sung cho một số mục tiêu, nhiệm vụ nhất định).

3.4. Ngoài ra, năm 2002 Trung ương còn bổ sung hỗ trợ cho địa phương thực hiện một số nhiệm vụ, chế độ, chính sách. Cụ thể như sau:

a) Hỗ trợ vốn sự nghiệp:

- Hỗ trợ thực hiện một số nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh miền núi, Tây Nguyên theo các Quyết định số 168/2001/QĐ-TTg ngày 30/10/2001 và Quyết định số 186/2001/QĐ-TTg ngày 7/12/2001 của Thủ tướng Chính phủ.

- Hỗ trợ thực hiện chính sách đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo Nghị định số 35/2001/NĐ-CP ngày 9/7/2001 của Chính phủ.

[...]