Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Thông tư liên tịch 06/2001/TTLT/BCN-BTC hướng dẫn giao nhận và hoàn trả vốn lưới điện trung áp nông thôn do Bộ công nghiệp- Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 06/2001/TTLT/BCN-BTC
Ngày ban hành 23/08/2001
Ngày có hiệu lực 23/08/2001
Loại văn bản Thông tư liên tịch
Cơ quan ban hành Bộ Công nghiệp,Bộ Tài chính
Người ký Đặng Vũ Chư,Nguyễn Sinh Hùng
Lĩnh vực Đầu tư,Tài chính nhà nước

BỘ CÔNG NGHIỆP-BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 06/2001/TTLT/BCN-BTC

Hà Nội , ngày 23 tháng 8 năm 2001

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

  CỦA BỘ CÔNG NGHIỆP - BỘ TÀI CHÍNH SỐ 06/2001/TTLT/BCN-BTC NGÀY 23 THÁNG 8 NĂM 2001 HƯỚNG DẪN GIAO NHẬN VÀ HOÀN TRẢ VỐN LƯỚI ĐIỆN TRUNG ÁP NÔNG THÔN

Thực hiện Quyết định số 22/1999/QĐ-TTg ngày 13 tháng 2 năm 1999 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án điện nông thôn và Văn bản số 2995/VPCP-KTTH ngày 4 tháng 7 năm 2001 của Văn phòng Chính phủ về việc xử lý vốn đầu tư xây dựng mạng điện trung áp nông thôn. Bộ Công nghiệp - Bộ Tài chính hướng dẫn việc giao nhận, xác định giá trị tài sản và hoàn trả vốn lưới điện trung áp nông thôn và miền núi (sau đây viết tắt là lưới điện trung áp nông thôn-LĐTANT), như sau:

I. PHẠM VI TRÁCH NHIỆM GIAO NHẬN TÀI SẢN LƯỚI ĐIỆN TRUNG ÁP NÔNG THÔN

1. Phạm vi giao nhận

a) Lưới điện trung áp nông thôn bao gồm các đường dây trung áp có điện áp 6 - 35KV và các trạm biến áp 6 - 35/0,4KV cấp điện cho các thôn xã, thuộc tài sản của địa phương do các tổ chức quản lý điện nông thôn đang quản lý, được chuyển giao cho Tổng Công ty điện lực Việt Nam (sau đây viết tắt là TCTĐLVN) quản lý, trên cơ sở thỏa thuận giữa TCTĐLVN với các địa phương.

b) Lưới điện hạ áp 0,4KV từ xuất tuyến trạm biến áp đến hộ sử dụng điện không thuộc phạm vi bàn giao theo hướng dẫn của Thông tư này.

2. Trách nhiệm bên giao và bên nhận

a) Bên giao: là đại diện chủ sở hữu tài sản lưới điện trung áp nông thôn (Uỷ ban nhân dân xã, Hợp tác xã, Công ty, Xí nghiệp Điện nước…). Trường hợp không xác định được chủ sở hữu lưới điện trung áp nông thôn, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây viết tắt UBND tỉnh) chỉ định tổ chức phù hợp làm đại diện Bên giao.

Bên giao có trách nhiệm chuẩn bị đầy đủ hồ sơ chứng từ theo quy định tại khoản 1 mục 2 Thông tư này; chủ trì thực hiện kiểm kê, đánh giá giá trị tài sản còn lại của lưới điện trung áp nông thôn; xác định danh mục và cơ cấu các nguồn vốn đầu tư lưới điện trung áp nông thôn; bàn giao và tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp nhận của Bên nhận; Thông báo công khai cho dân biết các phần vốn vay và vốn huy động của dân, vốn đầu tư của Hợp tác xã (HTX) đã được chấp nhận hoàn trả và thực hiện nhanh chóng việc trả tiền theo quy định của UBND tỉnh.

b) Bên nhận: là Công ty Điện lực trực thuộc Tổng công ty Điện lực Việt Nam hoặc Điện lực tỉnh được Công ty Điện lực ủy quyền.

Bên nhận có trách nhiệm tiếp nhận đầy đủ hồ sơ của tài sản lưới điện trung áp theo quy định: Tham gia với Bên giao thực hiện kiểm kê và xác định giá trị còn lại và cơ cấu nguồn vốn đầu tư; hạch toán tăng và quản lý tài sản theo đúng quy định của Bộ Tài chính: tổ chức quản lý vận hành, cải tạo lưới điện trung áp, lập kế hoạch thực hiện việc hoàn trả vốn theo quy định tại mục III của Thông tư này.

II. HỒ SƠ GIAO NHẬN VÀ XÁC ĐỊNH GIÁ TRỊ TÀI SẢN LƯỚI ĐIỆN TRUNG ÁP NÔNG THÔN TRONG GIAO NHẬN

1. Hồ sơ giao nhận

Hồ sơ giao nhận LĐTANT gồm có hồ sơ gốc theo quy định hoặc hồ sơ thay cho hồ sơ gốc và hồ sơ được lập tại thời điểm giao nhận, cụ thể như sau:

a) Hồ sơ gốc theo quy định, bao gồm:

- Quyết định đầu tư, thiết kế kỹ thuật và dự toán được duyệt, biên bản nghiệm thu công trình;

- Văn bản thỏa thuận tuyến, văn bản cấp đất;

- Các chứng từ sổ sách tài chính kế toán liên quan việc xác định nguyên giá và giá trị còn lại của tài sản lưới điện trung áp, cơ cấu nguồn vốn đầu tư, báo cáo quyết toán được duyệt.

- Khế ước vay (hợp đồng vay) Ngân hàng, các tổ chức kinh tế khác (kể cả vay của các đơn vị thi công) và biên bản đối chiếu công nợ có xác nhận nợ của Ngân hàng hoặc bên cho vay về hồ sơ thanh quyết toán có xác nhận số đã trả và còn dư nợ đến thời điểm bàn giao công trình;

- Giấy nợ đã vay của dân trên cơ sở các văn bản cam kết vay phải trả của Bên giao tại thời điểm xây dựng công trình: Nghị quyết của Hội đồng nhân xã hoặc UBND xã hoặc Nghị quyết của Đại hội xã viên HTX; các chứng từ sổ sách phản ánh số nợ đã trả và số nợ chưa trả đến thời điểm bàn giao công trình và các tài liệu liên quan khác (nếu có);

- Các chứng từ thể hiện vốn huy động của dân, vốn của HTX tại thời điểm xây dựng công trình như phiếu thu, danh sách hoặc sổ ghi chép.

b) Hồ sơ thay hồ sơ gốc trong trường hợp không đủ hồ sơ theo quy định

Bên giao phải phối hợp với Bên nhận để thực hiện những công việc sau:

- Lập biên bản đánh giá thực trạng về chất lượng, xác định giá trị còn lại của tài sản LĐTANT theo quy định tại khoản II mục 2 Thông tư này.

- Lập hồ sơ hành lang tuyến đường dây và mặt bằng trạm biến áp, có xác nhận của UBND tỉnh về cấp đất.

Đối với các công trình LĐTANT chưa được cấp có thẩm quyền cấp đất xây dựng, UBND tỉnh chỉ đạo các Ban, Ngành chức năng có liên quan của địa phương lập, trình và duyệt hồ sơ cấp đất theo đúng chế độ hiện hành để giao cho Bên nhận. Trường hợp đến thời điểm bàn giao còn chưa có đầy đủ các hồ sơ cấp đất, hai bên giao - nhận phải lập hiện trạng hành lang tuyến đường dây và mặt bằng trạm biến áp theo quy định tại Nghị định số 54/1999/NĐ-CP ngày 8 tháng 7 năm 1999 của Chính phủ về bảo vệ an toàn lưới điện cao áp. Hồ sơ này được trình UBND tỉnh xác nhận, làm cơ sở pháp lý để cấp đất sau này. Bên giao bàn giao cho Bên nhận và Bên giao có trách nhiệm giải quyết những phát sinh cho đến thời điểm có quyết định về hồ sơ cấp đất được phê duyệt giao cho Bên nhận.

Đối với các địa phương từ trước đến nay không làm thủ tục cấp đất cho LĐTANT như quy định nêu trên, Bên giao phải lập thủ tục xin phép hành lang tuyến đường dây và trạm biến áp, trình UBND tỉnh phê duyệt thay cho thủ tục cấp đất.

[...]