Quyết định 186/2001/QĐ-TTg về phát triển kinh tế xã hội ở 6 tỉnh đặc biệt khó khăn miễn núi phía Bắc thời kỳ 2001-2005 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 186/2001/QĐ-TTg
Ngày ban hành 07/12/2001
Ngày có hiệu lực 22/12/2001
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Phan Văn Khải
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

SỐ 186/2001/QĐ-TTG

Hà Nội, ngày 07 tháng 12 năm 2001

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 186/2001/QĐ-TTG NGÀY 07 THÁNG 12 NĂM 2001 VỀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ-XÃ HỘI Ở 6 TỈNH ĐẶC BIỆT KHÓ KHĂN MIỀN NÚI PHÍA BẮC THỜI KỲ 2001-2005

 

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Xét đề nghị của Bộ trưởng các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc và Miền núi,

QUYẾT ĐỊNH :

Điều 1. Phát triển kinh tế - xã hội 6 tỉnh đặc biệt khó khăn vùng núi phía Bắc : Cao Bằng, Bắc Kạn, Lào Cai, Hà Giang, Sơn La, Lai Châu thời kỳ 2001 - 2005 nhằm phát huy những tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý, đất đai, khí hậu, rừng và khoáng sản,... và tiềm năng con người trong khu vực; gắn phát triển kinh tế xã hội với thực hiện các chính sách dân tộc, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân; bảo vệ môi trường sinh thái cho vùng và hạ lưu ở đồng bằng Bắc Bộ; góp phần giữ vững an ninh, quốc phòng. Mục tiêu cụ thể đến năm 2005 là:

1. Giải quyết cơ bản những vấn đề bức xúc trong đời sống và xã hội của 6 tỉnh: đói nghèo, du canh, du cư, di dân tự do; phá rừng đốt nương làm rẫy; thiếu nước sản xuất, nước sinh hoạt; tái trồng cây thuốc phiện; đi lại học hành và khám chữa bệnh cho nhân dân.

2. Từng bước phát triển kết cấu hạ tầng gắn với phát triển kinh tế hàng hoá góp phần nâng cao đời sống của đồng bào, giảm dần khoảng cách với các vùng khác trong cả nước.

3. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) gấp 1,7 lần so với năm 2000, tăng bình quân khoảng 9,9%/năm, trong đó công nghiệp tăng 15,5%/năm, nông lâm nghiệp tăng 5,7%/năm, dịch vụ tăng 13,1%/năm. Tổng sản phẩm bình quân đầu người tăng gấp 1,5 lần so với năm 2000.

4. Tỷ trọng GDP của các ngành là nông, lâm nghiệp 43,3%, công nghiệp, xây dựng 20,7%, dịch vụ 36%, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 17,76%.

5. Không còn hộ đói kinh niên, tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 17%.

6. Hầu hết các xã khu vực III có đường ô tô đến trung tâm xã, 100% số xã có điện thoại đến trung tâm xã; 70% dân số ở nông thôn dùng nước sạch; trên 75% số xã có điện đến trung tâm xã.

7. Nâng cấp, kiên cố hoá trạm y tế xã, bảo đảm 100% số xã có trạm y tế phù hợp với điều kiện kinh tế, địa lý, môi trường sinh thái và nhu cầu khám chữa bệnh trong vùng; giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng xuống dưới 33%.

8. Củng cố kết quả phổ cập giáo dục tiểu học và xóa mù chữ. Huy động học sinh trong độ tuổi đến trường: tiểu học 95%, trung học cơ sở 79% và trung học phổ thông 40%; 100% thôn bản có lớp học và kiên cố hoá các phòng học ở xã; có 15% số lao động làm việc trong các ngành kinh tế đã qua đào tạo.

9. Giải quyết tốt hơn các vấn đề xã hội, nâng cao dân trí và cải thiện rõ rệt đời sống tinh thần của nhân dân, đặc biệt là đời sống văn hoá của đồng bào các dân tộc thiểu số.

10. Chuẩn bị tốt địa bàn và điều kiện để thực hiện tái định cư dân thuộc lòng hồ thuỷ điện Sơn La.

Điều 2. Phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế và xã hội.

1. Tập trung phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất, cải thiện  đời sống nhân dân; trước hết, tập trung quy hoạch và huy động mọi nguồn lực để phát triển giao thông coi đó là khâu đột phá để phát triển kinh tế xã hội của vùng thời kỳ 2001-2005 và trong tương lai.

Mục tiêu đầu tư giao thông, thời kỳ 2001-2005 là : Nối thông các tuyến tạo ra mạng giao thông đồng bộ liên hoàn, liên thông giữa các tỉnh, tỉnh với huyện, huyện với xã; Đầu tư xây dựng các tuyến quốc lộ vào cấp, 90% mặt đường quốc lộ, 60-80% mặt đường tỉnh lộ được nhựa hoá; có 100% số xã  hoặc cụm xã có đường ô tô với mặt đường nhựa, bê tông xi măng hoặc cấp phối đến trung tâm, xây dựng kiên cố cầu, cống, ngầm. Đầu tư nâng cấp, cải tạo các tuyến đường sắt, đường hàng không và đường thuỷ trong vùng. ưu tiên đầu tư các tuyến giao thông ra biên giới, vành đai biên giới, đường tuần tra biên giới, đường đến các vùng sản xuất hàng hoá.  Tiếp tục đầu tư cải tạo, nâng cấp các tuyến quốc lộ số :  6, 2, 3, 4, 12, 32A, 32B, 32C, 34, 37, 70, 279, đường Xipaphìn-Mường Nhé-Pác Ma Lai Châu. Trong đó tập trung ưu tiên đầu tư một số đoạn như : quốc lộ 6 (đoạn Hoà Bình - Sơn La), nâng cấp và mở rộng quốc lộ tuyến Lào Cai-Đoan Hùng, Phú Thọ, nhằm thúc đẩy quan hệ kinh tế Việt Nam với các tỉnh phía Nam Trung Quốc, quốc lộ 2 (Tuyên Quang-Hà Giang), quốc lộ 3 (Bắc Kạn-Cao Bằng), quốc lộ 4D (đoạn Pa So Lai Châu-Bản Phiệt Lào Cai), quốc lộ 4C (đoạn nối Lào Cai-Hà Giang-Cao Bằng), quốc lộ 32 (đoạn Lào Cai-Lai Châu), quốc lộ 34 (đoạn Cao Bằng-Hà Giang), quốc lộ 37 (đoạn thuộc Sơn La), quốc lộ 70 (đoạn Đầu Lô-Bản Phiệt), quốc lộ 279 (đoạn thuộc Lào Cai, Hà Giang, Sơn La, Lai Châu) và một số đoạn đường cần thiết khác.

2. Về các công trình thuỷ lợi: tu bổ nâng cấp các công trình hiện có, đầu tư công trình mới, ưu tiên các công trình để tăng thêm diện tích trồng lúa, tưới cây công nghiệp, cây trồng khác và nước cho sinh hoạt. Tiếp tục đầu tư đồng bộ các công trình hồ chứa nước nhỏ, công trình đầu mối đến các kênh mương, kiên cố hoá kênh mương; các công trình thuỷ lợi nhỏ ở các xã đặc biệt khó khăn. Khởi công mới một số công trình: thoát lũ Sơn La, hồ Chiềng Khoi, dự án thử nghiệm tưới chè Sơn La, thuỷ lợi Na Hỳ-Lai Châu, cụm công trình thuỷ lợi Chợ Đồn-Bắc Kạn, Xín Mần và Yên Minh-Hà Giang, Lý Vạn Hạ Lang, Bắc Trùng Khánh-Cao Bằng, Cốc Ly và hệ thống thuỷ lợi Than Uyên Lào Cai. ưu tiên đầu tư xây kè chống sạt lở bờ sông, suối, mốc biên giới.

3. Về các công trình cơ sở hạ tầng các xã thuộc Chương trình 135: trên cơ sở quy hoạch, bố trí lại dân cư, phát triển sản xuất, phải thực hiện tốt việc lồng ghép với các chương trình dự án khác trên địa bàn để đầu tư các công trình cơ sở hạ tầng của Chương trình.

Đầu tư trường học tại các trung tâm cụm xã bao gồm: phòng học, nhà ở công vụ cho giáo viên và ký túc xá cho học sinh; công trình nhà trẻ, mẫu giáo tại xã (ở nơi có yêu cầu); công trình trạm y tế khu vực và trạm y tế xã, bao gồm cả nhà ở công vụ cho cán bộ y tế.

4. Ưu tiên vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ở các vùng tái định cư lòng hồ thuỷ điện Sơn La, để bảo đảm đồng bào đủ các điều kiện để phát triển sản xuất, sớm ổn định và có cuộc sống tốt hơn nơi ở cũ.

5. Tập trung đầu tư xây dựng các cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội ở các xã an toàn khu tạo điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân trong vùng, giảm dần khoảng cách với các vùng khác.

6. Coi trọng đầu tư các công trình phục vụ văn hoá, truyền thanh, truyền hình và các cơ sở hoạt động thể thao, nhà văn hoá phục vụ các lễ hội, phát huy truyền thống văn hoá và giữ gìn bản sắc dân tộc.

7. Ưu tiên đầu tư các cơ sở giáo dục đào tạo nghề, nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất và đời sống nhân dân, trước hết là lĩnh vực tạo giống cây, giống con, công nghệ bảo quản, chế biến nông, lâm sản, khai thác và chế biến khoáng sản.

8. Phát triển mạng lưới đô thị theo hướng đầu tư xây dựng các đô thị trung tâm vùng như các thị xã: Sơn La, Mộc Châu, Cao Bằng, Điện Biên Phủ, Lào Cai, Hà Giang, Bắc Kạn. Hình thành các đô thị mới trên cơ sở phát triển các khu vực kinh tế đặc thù như: kinh tế cửa khẩu, du lịch, công nghiệp khai khoáng, thuỷ điện và cum công nghiệp khác. Phát triển mạng lưới thị trấn tại các trung tâm huyện lỵ và ở những vùng sản xuất hàng hoá. Xây dựng các thị tứ làm chức năng trung tâm kinh tế, văn hoá, dịch vụ ở từng cụm dân cư. Nâng cấp hệ thống cấp thoát nước ở các khu đô thị.

[...]