Quyết định 192/2001/QĐ-TTg về mở rộng thí điểm khoán biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan hành chính nhà nước do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 192/2001/QĐ-TTg
Ngày ban hành 17/12/2001
Ngày có hiệu lực 01/01/2002
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Phan Văn Khải
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Tài chính nhà nước

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 192/2001/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 17 tháng 12 năm 2001

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Pháp lệnh Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ngày 26 tháng 02 năm 1998;
Căn cứ Nghị quyết số 05/2000/NQ-CP ngày 03 tháng 4 năm 2000 của Chính phủ về phiên họp thường kỳ tháng 3 năm 2000;
Căn cứ Chương trình cải cách hành chính của Chính phủ năm 2001 ban hành kèm theo Quyết định số 13/2001/QĐ-TTg ngày 18 tháng 01 năm 2001;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng, Trưởng Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ, trên cơ sở tổng kết việc thực hiện thí điểm khoán biên chế và kinh phí quản lý hành chính ở một số đơn vị đã làm đầu tiên,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Mở rộng thí điểm khoán biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan hành chính nhà nước và các tổ chức trực tiếp sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước.

Không áp dụng cơ chế này đối với các đơn vị sự nghiệp trực thuộc cơ quan thực hiện khoán.

Điều 2. Việc mở rộng thực hiện thí điểm khoán biên chế và kinh phí quản lý hành chính nhằm các mục tiêu, yêu cầu sau:

1. Đổi mới cơ chế quản lý biên chế và kinh phí đối với các cơ quan hành chính và các tổ chức được Nhà nước cấp kinh phí hoạt động.

2. Thúc đẩy việc sắp xếp, tổ chức bộ máy tinh gọn để nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc của các cơ quan, đơn vị.

3. Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong việc sử dụng kinh phí quản lý hành chính.

4. Nâng cao hiệu suất lao động, hiệu quả sử dụng kinh phí hành chính trong cơ quan, đơn vị, tăng thu nhập cho cán bộ, công chức.

Điều 3. Cơ quan, đơn vị thực hiện thí điểm khoán biên chế và kinh phí quản lý hành chính phải tuân thủ các nguyên tắc sau:

1. Bảo đảm thực hiện chức năng và nhiệm vụ được giao.

2. Không tăng biên chế và tổng kinh phí của các khoản chi thực hiện khoán so với trước khi thực hiện khoán.

3. Thực hiện công khai, dân chủ và bảo đảm quyền lợi hợp pháp của cán bộ, công chức.

Điều 4. Việc lựa chọn các cơ quan, đơn vị trực tiếp sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện thí điểm khoán biên chế và kinh phí quản lý hành chính phải có đủ các điều kiện sau đây:

1. Có chức năng, nhiệm vụ rõ ràng và vị trí tổ chức ổn định do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định.

2. Có biên chế được giao ổn định và dự kiến không có biến động trong thời gian thực hiện khoán, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.

3. Có đề án thực hiện thí điểm khoán biên chế và kinh phí quản lý hành chính được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Điều 5. Nội dung và mức giao khoán.

l. Biên chế giao khoán:

Biên chế giao khoán là số biên chế do cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao cho cơ quan, đơn vị thực hiện thí điểm khoán sau khi đã rà soát lại trên cơ sở biên chế hiện có và được giao ổn định trong 03 năm kể từ khi thực hiện thí điểm khoán.

2. Kinh phí ngân sách nhà nước giao khoán được ổn định trong 03 năm, bao gồm:

a) Tổng quỹ lương được xác định trên cơ sở số biên chế được giao khoán và ngạch, bậc lương của cán bộ, công chức theo quy định tại Nghị định số 25/CP ngày 23 tháng 5 năm 1993 của Chính phủ và các chế độ liên quan đến chính sách tiền lương hiện hành của Nhà nước.

b) Kinh phí quản lý hành chính được xác định căn cứ vào:

- Hệ thống định mức, tiêu chuẩn, chế độ sử dụng kinh phí chi thường xuyên của ngân sách nhà nước theo quy định;

- Tình hình thực tế sử dụng kinh phí trong 03 năm liền kề trước năm thực hiện thí điểm khoán, có xem xét đến các yếu tố tăng giảm đột biến.

c) Mức khoán kinh phí hành chính được phép điều chỉnh trong các trường hợp sau:

- Nhà nước thay đổi chính sách tiền lương;

- Có sự thay đổi ở mức tối thiểu là 20% đối với các định mức, tiêu chuẩn, chế độ hiện đang là cơ sở cho việc lập dự toán và phân bổ kinh phí đối với các khoản chi thực hiện khoán;

[...]