Thông tư 09/2003/TT-BT hướng dẫn thi hành về chủ trương, biện pháp điều hành dự toán ngân sách nhà nước năm 2003 do Bộ Tài Chính ban hành

Số hiệu 09/2003/TT-BTC
Ngày ban hành 27/01/2003
Ngày có hiệu lực 01/01/2003
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Vũ Văn Ninh
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 09/2003/TT-BTC

Hà Nội, ngày 27 tháng 1 năm 2003

 

THÔNG TƯ

Căn cứ Nghị quyết số 09/2002/QH11 ngày 28/11/2002 của Quốc hội Khóa X, Kỳ họp thứ 10 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2003;
Căn cứ Nghị quyết số 215/NQ/UBTVQH11 ngày 21/12/2002 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội về phân bổ dự toán ngân sách trung ương năm 2003;
Căn cứ Nghị quyết số 02/2003/NQ-CP ngày 17/01/2003 của Chính phủ về một số chủ trương, giải pháp chủ yếu cần tập trung chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 03/2003/NĐ-CP ngày 18/01/2003 của Chính phủ về việc điều chỉnh tiền lương, trợ cấp xã hội và đổi mới một bước cơ chế quản lý tiền lương;
Căn cứ Quyết định số 181/2002/QĐ-TTg ngày 23/12/2002 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao chỉ tiêu kế hoạch và dự toán ngân sách nhà nước năm 2003;
Bộ Tài chính hướng dẫn một số điểm về chủ trương và biện pháp điều hành ngân sách nhà nước năm 2003 như sau:

1/ Về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi ngân sách:

- Năm 2003 tiếp tục thực hiện ổn định nguồn thu, nhiệm vụ chi và tỷ lệ phân chia nguồn thu giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương như năm 2002. Riêng Thành phố Hồ Chí Minh tỷ lệ phân chia nguồn thu thực hiện theo Quyết định số 181/2002/QĐ-TTg ngày 23/12/2002 của Thủ tướng Chính phủ.

- Từ năm 2003, thực hiện cơ chế bổ sung có mục tiêu từ ngân sách Trung ương cho địa phương thay cơ chế đầu tư trở lại (hoặc cấp lại) theo số thu từ các nguồn thu giao quyền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền bán nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước, thuế sử dụng đất nông nghiệp, thuế tài nguyên rừng, tiền bán cây đứng, toàn bộ hoặc một phần thuế tài nguyên nước thuỷ điện, thu xổ số kiến thiết và thu quảng cáo truyền hình để địa phương có nguồn xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng, công trình phúc lợi xã hội, phát triển quỹ nhà, đầu tư cho nông nghiệp nông thôn, cải tạo giống cây trồng, vật nuôi, tái tạo quỹ rừng, đầu tư vùng lòng hồ, phát triển truyền hình. Riêng thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và các tỉnh Bà rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, ngoài phần ngân sách trung ương bổ sung theo mục tiêu và bố trí từ ngân sách địa phương để đảm bảo mức đầu tư thực hiện các nhiệm vụ trên tương ứng với nguồn thu được để lại (hoặc cấp lại) đầu tư theo mức đã được giao tại điểm 3 Mục I phần A - Biểu số 1 ban hành kèm theo Quyết định số 158/2002/QĐ-BTC ngày 24/12/2002 của Bộ Tài chính về giao dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2003.

2/ Phân bổ và giao dự toán ngân sách:

Căn cứ dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2003 Thủ tướng Chính phủ giao, các Bộ, cơ quan Trung ương, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần khẩn trương triển khai công tác giao nhiệm vụ thu, chi ngân sách cho các đơn vị trực thuộc và chính quyền cấp dưới; chậm nhất phải hoàn thành trong tháng 01 năm 2003. Trường hợp Hội đồng nhân dân cấp tỉnh chưa quyết định dự toán ngân sách, Uỷ ban nhân dân cần có phương án tạm giao dự toán ngân sách để các cấp, các đơn vị triển khai thực hiện.

Cùng với việc giao nhiệm vụ thu, chi ngân sách, các Bộ, cơ quan Trung ương, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm ban hành những giải pháp, biện pháp và hướng dẫn cụ thể nhằm đảm bảo cho đơn vị và cấp dưới phân bổ ngân sách phù hợp với định hướng, mục tiêu đã được cấp trên quyết định. Địa phương có trách nhiệm báo cáo kết quả phân bổ ngân sách về Bộ Tài chính theo đúng qui định tại Thông tư số 103/1998/TT-BTC ngày 18/7/1998 của Bộ Tài chính. Trường hợp sau ngày 20/01/2002, Hội đồng nhân dân chưa thông qua thì tạm thời báo cáo phương án Uỷ ban nhân dân tỉnh tạm giao.

2.1/. Về thu ngân sách nhà nước

- Ngay từ đầu tháng 01 năm 2003 Các Bộ, cơ quan Trung ương, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải triển khai giao nhiệm vụ thu ngân sách cho các đơn vị trực thuộc, chính quyền cấp dưới không thấp hơn thực hiện 2002 và đảm bảo mức tăng tối thiểu 5% so với mức dự toán thu Thủ tướng Chính phủ giao.

- Mức thu ngân sách giao cho các đơn vị trực thuộc và cấp dưới cần căn cứ khả năng tăng trưởng kinh tế cụ thể ở địa phương, nỗ lực đấu tranh chống thất thu và gian lận thương mại, các chế độ, chính sách thu của nhà nước.

-Từ năm 2003 thực hiện miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp trong hạn điền cho các hộ nông dân để tăng sức mua, tăng đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao đời sống. Các địa phương cần tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát không để tình trạng lạm thu khi Nhà nước ban hành chính sách miễn thuế cho hộ nông dân.

- Từ 01/01/2003 thực hiện điều chỉnh mức thu thuế môn bài; vì vậy, các cơ quan thuế các tỉnh, thành phố cần rà soát lại toàn bộ cơ sở hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn, toàn bộ doanh thu, thu nhập thực tế để phân loại và xếp bậc cho phù hợp với thực tế kinh doanh của đơn vị theo qui định tại Thông tư số 96/2002/TT-BTC ngày 24/10/2002 của Bộ Tài chính.

- Để phù hợp với đặc điểm tổ chức kinh doanh xăng dầu, từ ngày 01/01/2003, các đơn vị thực hiện đăng ký, kê khai, nộp phí xăng dầu vào ngân sách nhà nước theo đúng qui định tại Thông tư số 70/2002/TT-BTC ngày 19/8/2002 của Bộ Tài chính.

- Để tập trung nguồn lực thực hiện cải cách tiền lương, thúc đẩy cải cách hành chính, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy hành chính nhà nước, từ năm 2003 các Bộ, cơ quan trung ương, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các đơn vị cần sắp xếp hợp lý các nhiệm vụ chi, bố trí ngân sách để thực hiện chế độ tiền lương mới:

+ Các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương và các địa phương, trong phân bổ ngân sách phải xác định mức và giao nhiệm vụ thực hiện tiết kiệm 10% chi thường xuyên (không kể tiền lương và các khoản có tính chất lương) đối với từng cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp; đảm bảo không thấp hơn mức tiết kiệm được cơ quan có thẩm quyền thông báo. Ngân sách các cấp không giữ lại khoản tiết kiệm 10% chi thường xuyên nêu trên.

+ Các đơn vị sự nghiệp có thu (bao gồm cả các đơn vị đã thực hiện cơ chế tài chính theo Nghị định số 10/2002/NĐ-CP ngày 16/01/2002 của Chính Phủ) sử dụng tối thiểu 40% số thu ngân sách được nhà nước cho để lại ( riêng viện phí mức tối thiểu là 35%) để thực hiện tiền lương tăng thêm; các cơ quan hành chính thực hiện cơ chế khoán chi theo Quyết định số 192/2001/QĐ-TTg ngày 17/12/2001 của Thủ tướng Chính phủ có nguồn thu được để lại phải sử dụng tối thiểu 40% số thu được để lại để thực hiện tiền lương tăng thêm.

+ Ngân sách các cấp chính quyền địa phương dành tối thiểu 50% số tăng thu ngân sách năm 2002 và năm 2003 để thực hiện chế độ tiền lương mới theo nguyên tắc sau:

Đối với số tăng thu năm 2002: Căn cứ kết quả thực hiện thu ngân sách của từng cấp đến 31/12/2002 và dự toán thu ngân sách năm 2002 đã được Hội đồng nhân dân quyết định (không kể nguồn thu được để lại đầu tư theo qui định) để xác định mức tăng thu .

Đối với số tăng thu năm 2003: Căn cứ dự toán thu ngân sách năm 2003 và năm 2002 đã được cơ quan có thẩm quyền giao để xác định mức tăng thu.

Sau khi thực hiện các biện pháp nêu trên mà không đủ nguồn thì ngân sách nhà nước (đối với đơn vị dự toán) và ngân sách cấp trên (đối với cấp ngân sách) hỗ trợ để bảo đảm nguồn thực hiện chế độ tiền lương mới năm 2003. Trường hợp nguồn làm lương xác định theo nguyên tắc trên lớn hơn nhu cầu chi thực hiện tiền lương mới theo qui định, thì đơn vị, cấp ngân sách được phép sử dụng phần chênh lệch để tăng đầu tư và tăng chi cho một số nhiệm vụ cấp thiết của đơn vị, địa phương theo đúng chế độ qui định hiện hành.

Ngoài ra, trong quá trình tổ chức thực hiện ngân sách 2003, nếu có tăng thu so với dự toán giao thì các cấp chủ động dành tối thiểu 50% số tăng thu so dự toán 2003 được cấp trên giao để tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương năm 2003 và năm sau. Do đó trong phân bổ và điều hành ngân sách, Hội đồng nhân dân các cấp chỉ được phân bổ tăng chi ngân sách địa phương trong phạm vi 50% số thực tăng thu so dự toán cấp trên giao.

- Căn cứ nguồn thu, nhiệm vụ chi được giao, các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương thực hiện sắp xếp hợp lý các nhiệm vụ chi, trong đó ưu tiên bố trí vốn cho đầu tư phát triển, đảm bảo vốn đối ứng các dự án ODA, vốn chuẩn bị đầu tư, các dự án phòng chống thiên tai và khắc phục hậu quả thiên tai; bổ sung vốn cho các doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong lĩnh vực thương mại ở miền núi, hải đảo và vùng đồng bào dân tộc; chi giáo dục đào tạo và dạy nghề; thành lập quỹ khám chữa bệnh cho người nghèo; chi khoa học công nghệ; đầu tư cho các vùng có nhiều khó khăn...Trong phân bổ và giao nhiệm vụ chi ngân sách cho đơn vị trực thuộc và cấp dưới cần chú ý:

+ Từ năm 2003, không thực hiện trợ giá hoặc cấp cho không máy thu thanh cho đồng bào sống ở vùng sâu, vùng xa mà sử dụng kinh phí này hỗ trợ các địa phương để đầu tư phát triển các trạm phát thanh, truyền thanh xã, cụm dân cư ở các tỉnh miền núi, vùng đồng bào dân tộc.

+ Chuyển việc thực hiện cấp không thu tiền thuốc chữa bệnh cho các đối tượng theo quy định Quyết định số 168/2001/QĐ-TTg ngày 30/10/2001, Công văn số 941/CP-KTTH ngày 19/10/2001 và Quyết định 853/QĐ-TTg ngày 10/7/2001 của Thủ tướng Chính phủ; sang thực hiện khám chữa bệnh cho người nghèo từ Quỹ khám chữa bệnh cho người nghèo theo Quyết định số 139/2002/QĐ-TTg ngày 15/10/2002 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời chuyển kinh phí đã được bổ sung để thực hiện khám chữa bệnh miễn phí cho các đối tượng theo qui định tại Quyết định số 168/2001/QĐ-TTg ngày 30/10/2001 và Quyết định số 186/2001/QĐ-TTg ngày 07/12/2001 của Thủ tướng Chính phủ sang quỹ này để thực hiện khám chữa bệnh cho người nghèo.

+ Bố trí đủ nguồn để trả các khoản nợ đến hạn (vay đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, vay thực hiện nhiệm vụ kiên cố hóa kênh mương,...); đồng thời, có biện pháp chấn chỉnh, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc vay và sử dụng tiền vay ở các đơn vị, cấp dưới, đảm bảo các khoản vay phải đúng qui định và sử dụng đúng mục đích, trả nợ đúng hạn.

+ Đối với chương trình giống cây trồng, vật nuôi và hỗ trợ vùng sản xuất muối, địa phương chủ động tổ chức thực hiện trong phạm vi ngân sách địa phương theo các dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Ngoài ra, năm 2003 Trung ương còn hỗ trợ cho các địa phương có nhiều khó khăn thực hiện một số nhiệm vụ, chính sách . Cùng với nguồn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, địa phương chủ động sử dụng ngân sách địa phương và huy động các nguồn lực khác để thực hiện một số nhiệm vụ như:

[...]