Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Thông tư 61/2002/TT-BTC hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2003 do Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 61/2002/TT-BTC
Ngày ban hành 11/07/2002
Ngày có hiệu lực 26/07/2002
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Nguyễn Thị Kim Ngân
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 61/2002/TT-BTC

Hà Nội, ngày 11 tháng 7 năm 2002

 

THÔNG TƯ

SỐ 61/2002/TT-BTC NGÀY 11/07/2002 CỦA BỘ TÀI CHÍNH HƯỚNG DẪN XÂY DỰNG DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2003

Thực hiện Chỉ thị số 14/2002/CT-TTg ngày 28 tháng 6 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2003; Bộ Tài chính hướng dẫn công tác đánh giá tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2002 và xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2003 như sau:

A- ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2002:

Để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ NSNN đã được Quốc hội quyết định, các Bộ, cơ quan trung ương và các địa phương căn cứ vào mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và dự toán thu, chi ngân sách năm 2002 đã được Thủ tướng Chính phủ giao, trong 6 tháng cuối năm 2002 tập trung thực hiện các giải pháp đã đề ra từ đầu năm, thực hiện Chỉ thị số 06/2002/CT-TTg ngày 20/2/2002 của Thủ tướng Chính phủ về biện pháp tăng cường quản lý và chống thất thu ngân sách nhà nước năm 2002 và Nghị quyết 05/2002/NQ-CP ngày 24/4/2002 của Chính phủ về một số giải pháp để triển khai thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2002.

I. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN THU NSNN NĂM 2002 LÀM CƠ SỞ XÂY DỰNG DỰ TOÁN THU NSNN NĂM 2003:

1. Tổ chức thực hiện nhiệm vụ thu NSNN 6 tháng cuối năm 2002:

- Trên cơ sở kết quả tổ chức đánh giá tình hình thu NSNN 6 tháng đầu năm, phân tích rõ những nguyên nhân khách quan, chủ quan tăng, giảm thu, mức độ và nguyên nhân thất thu của từng sắc thuế, từng khu vực kinh tế trên địa bàn. Từ đó, đề ra các biện pháp chỉ đạo và quản lý kịp thời, có hiệu quả chống thất thu ngân sách nhà nước, khai thác đầy đủ, đúng các nguồn thu, phấn đấu hoàn thành vượt mức dự toán Nhà nước giao.

- Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm, kịp thời các trường hợp không kê khai nộp thuế, khai không đúng, trốn lậu thuế, chiếm đoạt tiền thuế của Nhà nước. Tập trung vào thanh tra, kiểm tra báo cáo quyết toán thuế đối với các đơn vị có dấu hiệu vi phạm.

- Tập trung nghiên cứu, xử lý các khó khăn vướng mắc về chính sách thuế nhằm không ngừng hoàn thiện các Luật thuế để thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, động viên hợp lý, kịp thời các khoản thu nhập của doanh nghiệp và dân cư theo Luật định vào NSNN.

- Triển khai các biện pháp tăng cường quản lý và chống thất thu NSNN đối với khu vực công thương nghiệp, dịch vụ ngoài quốc doanh; thu từ đất đai, hoạt động xuất nhập khẩu,....

2. Đánh giá tình hình thực hiện thu NSNN năm 2002 làm cơ sở xây dựng dự toán thu NSNN năm 2003:

Căn cứ vào tình hình thực hiện 6 tháng đầu năm, đánh giá kết quả thu năm 2002 trên cơ sở thực hiện các biện pháp phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức dự toán được giao tại Quyết định số 145/2001/QĐ-BTC ngày 27/12/2001 của Bộ trưởng Bộ Tài chính; trong đó tập trung phân tích một số vấn đề sau:

- Xác định rõ số tiền thuế tồn đọng năm 2001 chuyển sang, số đã thu được trong năm 2002; xử lý dứt điểm các khoản tạm thu chờ nộp NSNN, các khoản tạm giữ chờ xử lý; phân tích nguyên nhân và biện pháp xử lý. Trên cơ sở đó, xác định số phát sinh trong năm 2002 và số phải nộp ngân sách năm 2002.

- Số thuế giá trị gia tăng phải hoàn phát sinh trong năm 2002; số đã hoàn cho các doanh nghiệp trong năm 2002; dự kiến số phải hoàn của năm 2002 chuyển sang năm 2003.

- Phân tích các nguyên nhân tác động đến kết quả thực hiện thu năm 2002: Tình hình thực hiện so với kế hoạch đối với các chỉ tiêu về sản lượng sản phẩm chủ yếu, sản xuất và tiêu thụ, giá thành, giá bán…

- Phân tích ảnh hưởng của chế độ, chính sách bổ sung, sửa đổi đối với nguồn thu trên địa bàn.

2.1. Khu vực Doanh nghiệp Nhà nước:

Nắm chắc tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Tiến hành đánh giá tình hình vốn - tài sản, công nợ, biến động tăng giảm về nguyên giá tài sản cố định, các năng lực sản xuất mới tăng thêm - Số lượng lao động - Tiền lương - Doanh thu - Chi phí sản xuất - Các định mức kinh tế kỹ thuật - Tình hình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chủ yếu- Lợi nhuận thực hiện và các khoản nộp ngân sách. Những khó khăn và thuận lợi trong năm 2002, khả năng phát triển trong năm 2003 và các năm tiếp theo.

2.2. Khu vực công thương nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh:

Thực hiện xây dựng và báo cáo dự toán thu đối với khu vực này cần phân rõ theo hai loại đối tượng: Dự toán thu từ các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, dự toán thu từ các hộ cá thể sản xuất kinh doanh theo hướng dẫn tại Biểu số 1 phụ lục số 1 - (kèm theo Thông tư số 103/1998/TT-BTC ngày 18/7/1998 hướng dẫn việc phân cấp, lập, chấp hành và quyết toán ngân sách Nhà nước).

- Đối với các đối tượng nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ:

+ Phối hợp với các cơ quan cấp đăng ký thành lập doanh nghiệp để nắm chắc số lượng, ngành nghề kinh doanh, quy mô vốn, sản xuất kinh doanh,… của doanh nghiệp trên địa bàn; tình hình tăng, giảm số lượng doanh nghiệp, số doanh nghiệp đã quản lý thu thuế, quy mô hoạt động, doanh số, tài sản, lao động,… năm 2002 và khả năng phát triển năm 2003.

+ Đánh giá tình hình thực hiện chế độ kế toán, thực hiện chế độ tính thuế và kê khai, nộp thuế của các đơn vị.

- Đối với các đối tượng nộp thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp:

+ Thông qua công tác đăng ký cấp mã số thuế, đánh giá mức độ quản lý thu về hộ: số hộ đã thực hiện kê khai đăng ký thuế và được cấp mã số thuế so với số hộ thực tế kinh doanh; số hộ đã được cấp đăng ký kinh doanh.

+ Mức độ quản lý về doanh số so với doanh số thực tế kinh doanh: Tình hình kê khai, điều chỉnh doanh số, giá trị gia tăng, thu nhập chịu thuế và thuế của các đối tượng; mức độ điều chỉnh doanh số, thuế GTGT và thuế đối với từng nhóm mặt hàng.

2.3. Khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài:

[...]