Thông tư 61/2003/TT-BTC hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2004 do Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 61/2003/TT-BTC
Ngày ban hành 23/06/2003
Ngày có hiệu lực 29/07/2003
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Trần Văn Tá
Lĩnh vực Kế toán - Kiểm toán,Tài chính nhà nước

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 61/2003/TT-BTC

Hà Nội, ngày 23 tháng 6 năm 2003

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 61/2003/TT-BTC NGÀY 23 THÁNG 6 NĂM 2003 HƯỚNG DẪN XÂY DỰNG DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2004

Thực hiện Chỉ thị số 15/2003/CT-TTg ngày 12 tháng 6 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2004; Bộ Tài chính hướng dẫn công tác đánh giá tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2003 và xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2004 như sau:

A. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2003:

Để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ NSNN đã được Quốc hội quyết định, các Bộ, cơ quan trung ương và các địa phương căn cứ vào mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và dự toán thu, chi ngân sách năm 2003 đã được Thủ tướng Chính phủ giao, phát huy những kết quả quan trọng đã đạt được của 6 tháng đầu năm, trong 6 tháng cuối năm 2003 tập trung thực hiện đầy đủ các giải pháp đã đề ra theo Nghị quyết số 09/2002/QH11 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2003 của Quốc hội, Nghị quyết số 02/2003/NQ-CP ngày 17/01/2003 của Chính phủ về một số chủ trương, giải pháp chủ yếu cần tập trung chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2003. Phấn đấu hoàn thành vượt mức toàn diện các chỉ tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, NSNN, tạo cơ sở xây dựng và thực hiện tốt nhiệm vụ kế hoạch kinh tế - xã hội, tài chính NSNN năm 2004.

I. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN THU NSNN NĂM 2003 LÀM CƠ SỞ LẬP DỰ TOÁN THU NSNN NĂM 2004:

1. Tổ chức thực hiện nhiệm vụ thu NSNN 6 tháng cuối năm 2003:

Trên cơ sở kết quả tổ chức đánh giá tình hình thu NSNN 6 tháng đầu năm, phân tích rõ các nguyên nhân chủ quan, khách quan tăng, giảm thu NSNN để đề ra và thực hiện tốt các biện pháp tổ chức thu 6 tháng cuối năm:

- Thực hiện thu đủ, kịp thời các khoản thuế, phí, lệ phí, các khoản thu từ đất đai và thu khác vào ngân sách theo đúng quy định của pháp luật; tăng cường các biện pháp chống nợ đọng thuế, xử lý nghiêm minh các trường hợp chiếm dụng hoặc giữ lại nguồn thu phải nộp ngân sách nhà nước.

- Tập trung lực lượng cán bộ thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra các đối tượng nộp thuế, phát hiện, xử lý kịp thời mọi hành vi gian lận, các vi phạm pháp luật về thuế, tăng cường công tác kiểm tra xác định và tổ chức thu hồi kịp thời, đầy đủ cho NSNN số tiền hoàn thuế giá trị gia tăng đã bị gian lận.

- Phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan Thuế, Hải quan, Địa chính, Quản lý thị trường, Ngân hàng thương mại, cơ quan Quản lý đăng ký kinh doanh, cơ quan ngoại vụ, cơ quan quản lý xuất nhập cảnh ... trong việc cung cấp đầy đủ, kịp thời các tài liệu, thông tin có liên quan đến đối tượng nộp thuế cho cơ quan thuế để có cơ sở phục vụ cho công tác quản lý thu thuế đạt hiệu quả cao.

- Thực hiện giao đất, cho thuê đất theo phương thức đấu giá quyền sử dụng đất theo Quyết định số 22/2003/QĐ-BTC ngày 18/2/2003 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về cơ chế tài chính trong việc sử dụng quỹ đất tạo vốn xây dựng cơ sở hạ tầng, nhằm thu đúng, đầy đủ cho ngân sách nhà nước.

- Phối hợp chặt chẽ với các tổ chức xã hội, xã hội - nghề nghiệp... và chính quyền địa phương các cấp, tăng cường quản lý chặt chẽ các hoạt động văn hóa, nghệ thuật và các dịch vụ văn hoá - xã hội mang tính chất kinh doanh để quản lý các khoản thu nhập phát sinh, thu thuế kịp thời tại "gốc" đúng quy định của pháp luật đối với những khoản thu nhập thuộc diện chịu thuế của cá nhân tham gia các hình thức trên, yêu cầu các đơn vị, tổ chức phải thực hiện đúng quy định khấu trừ tiền thuế phải nộp để nộp vào ngân sách nhà nước trước khi chi trả thu nhập cho các đối tượng.

- Đẩy mạnh việc tuyên truyền, giải thích, hướng dẫn đối tượng nộp thuế để mọi tổ chức, cá nhân hiểu rõ các chính sách thuế, các qui định về tính thuế, kê khai thuế và nộp thuế kịp thời vào ngân sách nhà nước theo chế độ quy định.

- Đối với công tác thu thuế từ hoạt động xuất nhập khẩu:

+ Cục Hải quan các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường kiểm tra việc thực hiện Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng.

+ Đẩy nhanh việc áp dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý xuất nhập khẩu và thu thuế hàng hoá xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu; tăng cường công tác chống buôn lậu, kiểm tra sau thông quan và đôn đốc thu hồi những khoản nợ đọng vào NSNN; nâng cao trách nhiệm và tập trung giải quyết những vướng mắc phát sinh để tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu.

2. Đánh giá tình hình thực hiện thu NSNN năm 2003 làm cơ sở xây dựng dự toán thu NSNN năm 2004:

Căn cứ vào tình hình thực hiện thu 6 tháng đầu năm, đánh giá kết quả thu năm 2003 trên cơ sở thực hiện các biện pháp phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức dự toán được giao tại Quyết định số 158/2002/QĐ-BTC ngày 24/12/2002 của Bộ trưởng Bộ Tài chính; trong đó tập trung phân tích một số nội dung sau:

- Xác định rõ số tiền thuế tồn đọng năm 2002 chuyển sang, số thu phát sinh trong năm, đảm bảo thu đủ, kịp thời trong năm 2003, không để nợ đọng thu chuyển sang năm 2004 trái chế độ quy định. Kiểm tra xử lý, xử phạt đối với những đơn vị, cá nhân tự ý chiếm dụng các khoản phải nộp NSNN sử dụng vào các việc khác, nghiêm cấm việc chiếm dụng ngân sách để đầu tư, thực hiện đúng Nghị quyết số 02/2003/NQ-CP ngày 17/1/2003 của Chính phủ kiên quyết không xử lý ghi thu, ghi chi đối với những khoản thu phải nộp ngân sách. Từ năm 2003 thủ trưởng cơ quan thuế phải chịu trách nhiệm xử lý kịp thời, không để đơn vị sản xuất kinh doanh thuộc phạm vi quản lý chiếm dụng khoản thuế để đầu tư hoặc sử dụng vào việc khác trái chế độ quy định.

- Phân tích các nguyên nhân tác động đến kết quả thực hiện thu năm 2003: Tình hình thực hiện so với kế hoạch đối với các chỉ tiêu về sản lượng sản phẩm chủ yếu, sản xuất và tiêu thụ, giá thành, giá bán,…

- Phân tích ảnh hưởng của chế độ, chính sách bổ sung, sửa đổi đối với nguồn thu trên địa bàn.

a. Đối với khu vực doanh nghiệp nhà nước:

- Đánh giá, phân tích tình hình thực hiện sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước theo Chỉ thị số 01/2003/CT-TTg ngày 16/1/2003 của Thủ tướng Chính phủ.

- Nắm chắc tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp; thực trạng vốn - tài sản, công nợ, biến động tăng giảm về nguyên giá tài sản cố định, các năng lực sản xuất mới tăng thêm - Số lượng lao động - Tiền lương - Doanh thu - Chi phí sản xuất - Các định mức kinh tế kỹ thuật - Tình hình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chủ yếu- Lợi nhuận thực hiện và các khoản nộp ngân sách. Những khó khăn và thuận lợi trong năm 2003 và khả năng phát triển trong năm 2004.

b. Đối với khu vực công thương nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh:

Đối với khu vực này cần đánh giá theo hai loại đối tượng: doanh nghiệp ngoài quốc doanh và hộ cá thể sản xuất kinh doanh

- Doanh nghiệp ngoài quốc doanh: nắm chắc số lượng, quy mô đầu tư, kết quả, hiệu quả sản xuất kinh doanh của toàn bộ các doanh nghiệp trên địa bàn, nhất là những đơn vị được thành lập mới trong năm theo Luật doanh nghiệp, trong đó số đơn vị đã đăng ký mã số thuế; số doanh nghiệp đã giải thể, phá sản hoặc chấm dứt hoạt động.

[...]