Kế hoạch 53/KH-UBND thực hiện Đề án “Phát triển vùng nguyên liệu và các sản phẩm dược liệu gắn với chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) ở tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030”, năm 2024

Số hiệu 53/KH-UBND
Ngày ban hành 01/02/2024
Ngày có hiệu lực 01/02/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Thừa Thiên Huế
Người ký Nguyễn Thanh Bình
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 53/KH-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 01 tháng 02 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “PHÁT TRIỂN VÙNG NGUYÊN LIỆU VÀ CÁC SẢN PHẨM DƯỢC LIỆU GẮN VỚI CHƯƠNG TRÌNH MỖI XÃ MỘT SẢN PHẨM (OCOP) Ở TỈNH THỪA THIÊN HUẾ ĐẾN NĂM 2030”, NĂM 2024

Căn cứ Quyết định số 1976/QĐ-TTg ngày 30 tháng 10 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 68/QĐ-TTg ngày 10 tháng 01 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 1622/QĐ-UBND ngày 06 tháng 7 năm 2020 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc phê duyệt Đề án “Phát triển vùng nguyên liệu và các sản phẩm dược liệu gắn với chương trình mỗi xã một sản phẩm ở tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030”;

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án “Phát triển vùng nguyên liệu và các sản phẩm dược liệu gắn với chương trình mỗi xã một sản phẩm ở tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030” năm 2024, với các nội dung như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Hỗ trợ 01 - 02 dự án đầu tư phát triển dược liệu theo Nghị quyết số 20/2020/NQ-HĐND ngày 23/12/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh.

2. Hỗ trợ 05 - 07 doanh nghiệp dược liệu đổi mới công nghệ, chuyển giao công nghệ và phát triển tài sản trí tuệ theo Nghị quyết số 22/2020/NQ-HĐND ngày 23/12/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh.

3. Tạo điều kiện, hỗ trợ ít nhất 01 doanh nghiệp đầu tư phát triển dược liệu trên địa bàn tỉnh.

4. Hình thành và phát triển 02 đến 03 sản phẩm OCOP từ dược liệu.

5. Hướng dẫn, chuyển giao ít nhất 16 quy trình về nhân giống, trồng, chăm sóc và chế biến các loài dược liệu cho người dân từ kết quả của các nhiệm vụ khoa học và công nghệ (KHCN).

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Về thể chế, pháp luật, chính sách

a) Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các quy định hiện hành bảo đảm thực hiện khuyến khích, hỗ trợ, ưu đãi đầu tư đối với các doanh nghiệp về dược liệu.

b) Thực hiện hiệu quả các chính sách ưu đãi của tỉnh, trong đó có chính sách liên quan đến phát triển ngành dược liệu trên địa bàn tỉnh.

c) Hướng dẫn thực hiện và tạo điều kiện cho các tổ chức, doanh nghiệp tiếp cận các chính sách có liên quan về ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu của Trung ương như: Nghị định số 65/2017/NĐ-CP ngày 19/5/2017, Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018, Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018, Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ, Quyết định số 01/2012/QĐ-TTg ngày 09/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ.

2. Thực hiện công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và năng lực hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu và các sản phẩm dược liệu

a) Tăng cường công tác khuyến nông về trồng cây dược liệu theo hướng chuyển giao kỹ thuật đến các doanh nghiệp, người dân.

b) Tăng cường thông tin, tuyên truyền về sử dụng dược liệu, y dược cổ truyền, nâng cao nhận thức, vận động người dân khai t hác hợp lý đi đôi với bảo tồn nguồn tài nguyên dược liệu.

c) Tổ chức các hoạt động truyền thông, hội thảo, tập huấn về phát triển vùng nguyên liệu và các sản phẩm dược liệu gắn với chương trình mỗi xã một sản phẩm ở tỉnh Thừa Thiên Huế: 01 phóng sự; 01 chuyên mục trên báo; 01 Hội thảo khoa học cấp tỉnh; 02 lớp tập huấn liên quan đến phát triển dược liệu.

3. Về đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh

a) Tạo điều kiện thuận lợi, cung cấp thông tin về dữ liệu đất đai, quy hoạch sử dụng đất để các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng đất, tiếp cận đất đai để phát triển dược liệu.

b) Tiếp tục vận động thu hút đầu tư và tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đăng ký đầu tư phát triển dược liệu, chế biến, bảo quản các sản phẩm dược liệu tại địa phương. Năm 2024, tạo điều kiện, hỗ trợ ít nhất 01 doanh nghiệp đầu tư phát triển dược liệu trên địa bàn tỉnh.

c) Rà soát, bổ sung danh mục dự án kêu gọi đầu tư lĩnh vực công nghiệp dược, dược liệu.

d) Cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng chung cho toàn vùng quy hoạch bao gồm các hoạt động nâng cấp đường giao thông kết nối vùng sản xuất dược liệu, cải tạo hệ thống thủy lợi tại các khu vực gây trồng cây dược liệu, xây dựng hệ thống lưới điện đến các khu sản xuất, kho chứa dược liệu… nhằm đáp ứng các nhu cầu tối thiểu cho một mô hình trồng cây dược liệu có thể phát triển tốt, góp phần nâng cao năng suất và chất lượng nguồn dược liệu sau khi thu hoạch.

đ) Xây dựng hệ thống nhà thu gom, sơ chế, đóng gói và bảo quản sản phẩm tại các vùng quy hoạch để tạo ra sản phẩm dược liệu có chất lượng tốt, đảm bảo an toàn vệ sinh, đáp ứng theo nhu cầu của thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu: (i) Hỗ trợ và thúc đẩy tiến độ thực hiện các dự án đã được phê duyệt. (ii) Tiếp tục thực hiện các dự án đã và đang hỗ trợ các cơ sở, các vùng trồng dược liệu hiện có trên địa bàn tỉnh. (iii) Đầu tư cơ sở hạ tầng và thực hiện dự án xây dựng 05 vùng trồng thí điểm, kết hợp sản xuất giống, mỗi vùng trồng khoảng 1-2 ha, tại các huyện. (iv) Đầu tư cơ sở hạ tầng các vùng trồng dược liệu tập trung và hình thành các cụm công nghiệp chế biến dược liệu; khuyến khích và thu hút đầu tư phát triển các cơ sở sơ chế, bảo quản sau thu hoạch. (iv) Thu hút đầu tư mới các nhà máy sản xuất các sản phẩm từ dược liệu.

e) Nghiên cứu, xây dựng Đề án phát triển ngành công nghiệp hóa dược tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030 với các định hướng đột phá để kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư, chế biến dược liệu nhằm thúc đẩy phát triển vùng nguyên liệu.

[...]