Kế hoạch 53/KH-UBND năm 2022 thực hiện Chỉ thị 20-CT/TU về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong phát triển sản phẩm OCOP, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm hàng hóa trên địa bàn tỉnh Trà Vinh

Số hiệu 53/KH-UBND
Ngày ban hành 29/07/2022
Ngày có hiệu lực 29/07/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Trà Vinh
Người ký Nguyễn Quỳnh Thiện
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TRÀ VINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 53/KH-UBND

Trà Vinh, ngày 29 tháng 7 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 20-CT/TU NGÀY 13/4/2022 CỦA BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ỦY VỀ TIẾP TỤC TĂNG CƯỜNG SỰ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG TRONG PHÁT TRIỂN SẢN PHẨM OCOP, XÂY DỰNG NHÃN HIỆU, THƯƠNG HIỆU SẢN PHẨM HÀNG HÓA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TU ngày 13/4/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong phát triển sản phẩm OCOP, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm hàng hóa trên địa bàn tỉnh (sau đây viết tắt là Chỉ thị 20-CT/TU), Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Kế hoạch cụ thể hóa để thực hiện, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện Chương trình OCOP và xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm theo hướng bền vững nhằm khai thác tiềm năng thế mạnh sản phẩm hàng hóa của tỉnh, tăng sức cạnh tranh và tiêu thụ hàng hóa trên thị trường, góp phần phát triển kinh tế bền vững, nâng cao thu nhập và đời sống của Nhân dân.

2. Yêu cầu

- Đẩy mạnh hoạt động đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP theo hướng gắn kết chặt chẽ, đồng bộ với xây dựng bộ nhận diện thương hiệu và truy xuất nguồn gốc sản phẩm (mã QR Code) để nâng cao năng lực cạnh tranh, phục vụ yêu cầu hội nhập quốc tế.

- Xác định sản phẩm OCOP là nội dung quan trọng của tiêu chí phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống nhân dân trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và là nhiệm vụ trọng tâm triển khai thực hiện thường xuyên, lâu dài của chính quyền địa phương.

- Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước; gia tăng hàm lượng khoa học và công nghệ trong từng ngành, từng lĩnh vực và từng sản phẩm; hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn phục vụ quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm, hàng hóa ngang bằng tiêu chuẩn của các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.

II. CHỈ TIÊU CHỦ YẾU ĐẾN NĂM 2025

- Đẩy mạnh triển khai thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, thực hiện nội dung Chương trình số 14-CTr/TU ngày 26/3/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ khoa học - kỹ thuật trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, giai đoạn 2022 - 2025 và những năm tiếp theo.

- Hỗ trợ bảo hộ tài sản trí tuệ theo Nghị quyết số 80/2019/NQ-HĐND ngày 12/4/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh: 10 nhãn hiệu tập thể, 50 nhãn hiệu thông thường, 10 kiểu dáng công nghiệp, 5 sáng chế/giải pháp hữu ích và 5 nhãn hiệu được đăng ký quốc tế.

- Triển khai ít nhất 15 nhiệm vụ khoa học và công nghệ phát triển tài sản trí tuệ đăng ký bảo hộ 13 nhãn hiệu chứng nhận, 02 chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực và sản phẩm OCOP.

- Hàng năm, toàn tính có thêm từ 40 - 50 sản phẩm trở lên được công nhận sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao trở lên; trong đó, có ít nhất 10% sản phẩm 4 sao và 5% sản phẩm 5 sao.

- Có trên 50% sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên được tham gia hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

- Có trên 70% sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên được tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử.

III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP

- Nâng cao nhận thức của Nhân dân và các chủ thể tham gia sản phẩm OCOP về vai trò, tầm quan trọng trong việc xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, sản phẩm OCOP, tạo lập dữ liệu truy xuất nguồn gốc trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương; hỗ trợ ứng dụng công nghệ tiên tiến, đổi mới công nghệ thiết bị nhằm gia tăng năng lực cạnh tranh các sản phẩm ngành hàng chủ lực của tỉnh.

- Quan tâm, đẩy mạnh hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm, chỉ dẫn địa lý các sản phẩm hàng hóa chủ lực, như: Hỗ trợ tư vấn tạo lập, đăng ký và bảo hộ tài sản trí tuệ; hỗ trợ áp dụng các công cụ cải tiến năng suất, chất lượng; sản phẩm của doanh nghiệp; hỗ trợ áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng; khuyến khích cải tiến mẫu mã, kiểu dáng sản phẩm; thường xuyên quảng bá sản phẩm, tạo điều kiện tiêu thụ sản phẩm gắn với phát triển du lịch; xây dựng các cửa hàng để giới thiệu, trưng bày và kinh doanh các sản phẩm OCOP nhằm tạo ý thức và thói quen cho người tiêu dùng sử dụng sản phẩm OCOP một cách rộng rãi vì sức khỏe cộng đồng và thực hiện tốt cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

- Tăng cường chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất sản phẩm; đổi mới, đa dạng sản phẩm; ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin vào sản xuất và quản lý, điều hành. Hoàn thiện các quy chuẩn, tiêu chuẩn phục vụ quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm ngang bằng các tiêu chuẩn trong khu vực và cả nước.

- Tiếp tục rà soát, triển khai thực hiện tốt các cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh và nghiên cứu ban hành, bổ sung chính sách của địa phương khuyến khích, ưu tiên hỗ trợ phát triển sản phẩm ứng dụng công nghệ cao, quy mô sản xuất lớn, hỗ trợ nâng cao chất lượng sản phẩm. Tạo điều kiện thúc đẩy và huy động nguồn lực xã hội, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào các sản phẩm có lợi thế của tỉnh, phấn đấu hàng năm có thêm nhiều sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP (số lượng càng nhiều càng tốt), giữ vững và nâng cao chất lượng sản phẩm được công nhận.

- Tập trung công tác bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực; củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo các cấp, phân công cán bộ chuyên trách; nâng cao vai trò Tổ tư vấn các cấp để hỗ trợ thực hiện Chương trình OCOP và xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm.

- Nghiên cứu huy động các hình thức xã hội hóa để phát triển sản phẩm OCOP, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm hàng hóa, nhất là việc thực hiện các hồ sơ, thủ tục để hoàn thành chứng nhận sản phẩm OCOP.

- Rà soát, đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng công tác đánh giá và phân hạng sản phẩm OCOP; trong đó, quan tâm hướng dẫn, tư vấn nhận dạng sản phẩm, tiêu chí và tiêu chuẩn đánh giá, quy trình đánh giá, hồ sơ, thủ tục để được công nhận... từ đó hỗ trợ các chủ thể kinh tế, người dân phát triển nâng hạng sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm.

IV. NGUỒN KINH PHÍ THỰC HIỆN

- Vốn sự nghiệp khoa học và công nghệ của tỉnh.

- Vốn sự nghiệp của các ngành: Nông nghiệp, Công Thương hỗ trợ thực hiện xây dựng mô hình theo chức năng, nhiệm vụ.

[...]