Kế hoạch 58/KH-UBND thực hiện Đề án “Phát triển vùng nguyên liệu và các sản phẩm dược liệu gắn với chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) ở tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030”, năm 2023

Số hiệu 58/KH-UBND
Ngày ban hành 23/02/2023
Ngày có hiệu lực 23/02/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Thừa Thiên Huế
Người ký Nguyễn Thanh Bình
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 58/KH-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 23 tháng 02 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “PHÁT TRIỂN VÙNG NGUYÊN LIỆU VÀ CÁC SẢN PHẨM DƯỢC LIỆU GẮN VỚI CHƯƠNG TRÌNH MỖI XÃ MỘT SẢN PHẨM (OCOP) Ở TỈNH THỪA THIÊN HUẾ ĐẾN NĂM 2030”, NĂM 2023

Căn cứ Quyết định số 1976/QĐ-TTg ngày 30 tháng 10 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 68/QĐ-TTg ngày 10 tháng 01 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 1622/QĐ-UBND ngày 06 tháng 7 năm 2020 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc phê duyệt Đề án “Phát triển vùng nguyên liệu và các sản phẩm dược liệu gắn với chương trình mỗi xã một sản phẩm ở tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030”;

Theo đề nghị của Sở Khoa học và Công nghệ, Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án “Phát triển vùng nguyên liệu và các sản phẩm dược liệu gắn với chương trình mỗi xã một sản phẩm ở tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030” năm 2023, với các nội dung như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Xây dựng 01 phóng sự và 01 chuyên mục trên báo, 02 hội thảo, 01 lớp tập huấn về phát triển vùng nguyên liệu dược liệu và các sản phẩm dược liệu gắn với chương trình mỗi xã một sản phẩm ở tỉnh Thừa Thiên Huế.

2. Hỗ trợ 01 - 02 dự án đầu tư phát triển cây dược liệu theo Nghị quyết số 20/2020/NQ-HĐND ngày 23/12/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh.

3. Hỗ trợ 02 - 03 doanh nghiệp dược liệu đổi mới công nghệ, chuyển giao công nghệ và phát triển tài sản trí tuệ theo Nghị quyết số 22/2020/NQ-HĐND ngày 23/12/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh.

4. Tạo điều kiện, hỗ trợ ít nhất 02 doanh nghiệp đầu tư phát triển dược liệu trên địa bàn tỉnh.

5. Có ít nhất 01 nhiệm vụ khoa học công nghệ về dược liệu được Trung ương hỗ trợ kinh phí triển khai trên địa bàn tỉnh.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Về thể chế, pháp luật, chính sách

a) Nghiên cứu, hoàn thiện các quy định hiện hành bảo đảm thực hiện khuyến khích, hỗ trợ, ưu đãi đầu tư đối với các doanh nghiệp về dược liệu.

b) Thực hiện hiệu quả các chính sách ưu đãi của tỉnh, trong đó có chính sách liên quan đến phát triển ngành dược liệu trên địa bàn tỉnh:

- Chính sách hỗ trợ phát triển ngành nông nghiệp tại Nghị quyết số 20/2020/NQ-HĐND để hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp phát triển dược liệu. Năm 2023, hỗ trợ từ 01 - 02 dự án về dược liệu.

- Chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Nghị quyết số 03/2021/NQ-HĐND để hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển dược liệu.

- Chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ, chuyển giao công nghệ và phát triển tài sản trí tuệ cho các doanh nghiệp đang đầu tư phát triển các sản phẩm dược liệu trên địa bàn theo Nghị quyết s22/2020/NQ-HĐND ngày 23/12/2020 của HĐND tỉnh, ưu tiên các doanh nghiệp đã đầu tư công nghệ để phát triển các sản phẩm dược liệu ở các địa phương. Năm 2023, hỗ trợ 02-03 doanh nghiệp.

- Chính sách ưu đãi của Chương trình mỗi xã một sản phẩm để hỗ trợ cho các dự án, doanh nghiệp trong chế biến dược liệu.

2. Thực hiện công tác tuyên truyền, đào tạo tập huấn nâng cao nhận thức và năng lực hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu và các sản phẩm dược liệu

a) Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, giúp người dân và cộng đồng nâng cao nhận thức về công tác bảo tồn, phát triển bền vững ngành dược liệu, đặc biệt là các loài dược liệu, các mô hình trồng dược liệu có tiềm năng phát triển, xác định ngành dược liệu là một ngành ưu tiên trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với phát triển nền y học.

b) Tuyên truyền về giá trị kinh tế của việc trồng dược liệu, giá trị sử dụng dược liệu và các sản phẩm từ dược liệu, y học cổ truyền trong chăm sóc sức khỏe, phòng bệnh, chữa bệnh.

c) Biên soạn các tài liệu hướng dẫn về quy trình kỹ thuật nhân giống, trồng, chăm sóc, thu hoạch và sơ chế các loài dược liệu có triển vọng phát triển.

d) Truyền thông về chất lượng, an toàn, hiệu quả và giá hợp lý của dược liệu sản xuất trong nước. Khuyến khích người tiêu dùng sử dụng dược liệu trong nước.

đ) Tổ chức các hoạt động truyền thông, hội thảo, tập huấn về phát triển vùng nguyên liệu và các sản phẩm dược liệu gắn với chương trình mỗi xã một sản phẩm ở tỉnh Thừa Thiên Huế: 01 phóng sự; 01 chuyên mục trên báo; 02 Hội thảo khoa học cấp tỉnh; 01 lớp tập huấn liên quan đến phát triển dược liệu.

3. Về đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh

a) Tạo điều kiện thuận lợi, cung cấp thông tin về dữ liệu đất đai, quy hoạch sử dụng đất để các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng đất, tiếp cận đất đai để phát triển dược liệu.

[...]