Kế hoạch 855/KH-UBND năm 2024 phát triển Ngành hàng dược liệu tỉnh An Giang theo chuỗi giá trị giai đoạn 2024-2025, định hướng đến năm 2030

Số hiệu 855/KH-UBND
Ngày ban hành 10/09/2024
Ngày có hiệu lực 10/09/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh An Giang
Người ký Nguyễn Thị Minh Thúy
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 855/KH-UBND

An Giang, ngày 10 tháng 9 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN NGÀNH HÀNG DƯỢC LIỆU TỈNH AN GIANG THEO CHUỖI GIÁ TRỊ GIAI ĐOẠN 2024-2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

I. CƠ SỞ PHÁP LÝ

Căn cứ Quyết định số 2105/QĐ-UBND ngày 04/12/2014 của UBND tỉnh An Giang về phê duyệt Quy hoạch bảo tồn và phát triển cây dược liệu ứng dụng công nghệ cao tỉnh An Giang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 152/QĐ-UBND ngày 14/02/2023 của UBND tỉnh An Giang về phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 tỉnh An Giang”;

Căn cứ Quyết định số 1445/QĐ-UBND ngày 08/09/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh về phê duyệt Kế hoạch tổng thể triển khai Đề án Cơ cấu lại ngành nông nghiệp năm 2023 - 2025,

Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang ban hành Kế hoạch phát triển Ngành hàng dược liệu tỉnh An Giang theo chuỗi giá trị giai đoạn 2024-2025, định hướng đến năm 2030 (sau đây gọi tắt là Kế hoạch), với các nội dung cụ thể như sau:

II. MỤC ĐÍCH VÀ YÊU CẦU

1. Mục đích

a) Phát triển ngành hàng dược liệu theo chuỗi giá trị, gắn với bảo tồn các nguồn gen đối với các loài dược liệu có giá trị kinh tế; gắn với quảng bá và phát triển du lịch tại địa phương. Góp phần cải thiện, nâng cao đời sống cho các tổ chức, cá nhân và hộ gia đình kinh doanh dược liệu nhỏ lẻ trong tỉnh.

b) Khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia đầu tư xây dựng vùng trồng cây dược liệu có giá trị kinh tế; đẩy mạnh liên kết sản xuất và tiêu thụ dược liệu, chế biến các sản phẩm giá trị gia tăng từ dược liệu kết hợp với chuỗi hệ sinh thái du lịch, du lịch nghĩ dưỡng, chăm sóc sức khỏe từ dược liệu, tích hợp đa giá trị trên sản phẩm, phát triển theo hướng kinh tế tuần hoàn, sinh thái, sản xuất sạch và có trách nhiệm.

c) Góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, phát triển sinh kế rừng, nâng cao giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích rừng, góp phần phát triển kinh tế địa phương, kinh tế hợp tác, đẩy mạnh công tác bảo vệ, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh An Giang.

2. Yêu cầu của Kế hoạch

a) Phát triển chuỗi ngành hàng cây dược liệu phải phù hợp với định hướng của quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, của địa phương. Đảm bảo sự hài hòa vừa bảo tồn, vừa khai thác và phát triển các loại cây dược liệu có giá trị kinh tế, có thế mạnh, tạo được các vùng bảo tồn, vùng nguyên liệu cây dược liệu để phát triển ổn định, lâu dài.

b) Đảm bảo có sự liên kết chặt chẽ, ổn định theo chuỗi giá trị từ trồng, chăm sóc, thu hoạch gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm; đảm bảo phát triển ngành hàng cây dược liệu một cách bền vững, hiệu quả theo chuỗi giá trị có sự tham gia của người dân với doanh nghiệp theo nguyên tắc hài hoà lợi ích và sự đồng thuận giữa các bên trong chuỗi giá trị.

c) Ngành hàng cây dược liệu là ngành hàng khá đặc thù, cây được trồng phân bố theo vùng, đồi núi, sản phẩm sản xuất và chế biến ra phải đảm bảo các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo tính dược cao và có ích cho sức khoẻ, đảm bảo đúng với các quy định hiện hành của y tế, đảm bảo về nguồn gốc xuất xứ. Vì vậy, Kế hoạch cần có sự tham gia đồng bộ của ngành y tế, Kiểm lâm, nhà khoa học, địa phương…và doanh nghiệp tham gia phải đảm bảo các quy định của pháp luật cho phép.

d) Sự phát triển kết hợp giữa ngành hàng dược liệu với du lịch dược liệu, du lịch nghỉ dưỡng - chăm sóc sức khoẻ, du lịch tâm linh và các dịch vụ khác liên quan đến vùng nguyên liệu dược liệu tại các vùng rừng đồi núi, cần đảm bảo không xâm hại, có những tác động ảnh hưởng đến hệ sinh thái rừng, đảm bảo an toàn phòng, chống cháy rừng, an toàn con người, đảm bào phát huy giá trị văn hóa truyền thống lịch sử, tôn giáo, dân tộc và phải mang tính nhân văn cao.

đ) Nguồn kinh phí để thực hiện Kế hoạch khuyến khích từ nguồn xã hội hoá, đóng góp của các bên tham gia, lồng ghép từ nhiều nguồn hợp pháp theo quy định của pháp luật. Nhà nước, cũng như chính quyền địa phương tạo điều kiện, hỗ trợ một phần kinh phí cho các đối tượng tham gia trong Kế hoạch này bằng các chính sách hiện hành theo quy định của pháp luật.

e) Triển khai Kế hoạch cần bám theo lộ trình cụ thể từ thực hiện các Mô hình, chương trình, dự án thí điểm, thử nghiệm, đánh giá kết quả, đúc kết kinh nghiệm, đề xuất hiệu chỉnh, bổ sung và nhân rộng.

3. Nguyên tắc chung để thực hiện Kế hoạch

a) Đảm bảo tính công bằng giữa các đối tượng tham gia, địa phương, cơ chế hỗ trợ theo các quy định hiện hành của pháp luật.

b) Đối tượng tham gia gồm: Công ty/doanh nghiệp/tập đoàn hoặc các thành phần kinh tế khác có tư cách pháp nhân, có điều kiện hợp pháp về đất trồng, tự nguyện, đủ khả năng về vốn đối ứng (nếu có), có khả năng tiếp thu và áp dụng các kỹ thuật trong quá trình trồng hoặc tham gia các mô hình thí điểm trong Kế hoạch.

c) Nguyên tắc lựa chọn Công ty/doanh nghiệp/tập đoàn tham mô hình thí điểm, như sau: Có đủ hồ sơ năng lực về ngành nghề hoạt động được nêu trong mô hình thí điểm, được cơ quan chức năng có thẩm quyền chứng nhận và chứng minh được kinh nghiệm mà đơn vị đã từng làm có kết quả khả thi/hoặc từng tham gia/đóng góp trong suốt quá trình xây dựng nội dung Kế hoạch này được cơ quan quản lý, chủ trì mời trước đó. Có đủ năng lực về tài chính, đảm bảo nguồn nhân công, nhân lực và năng lực hành nghề trong lĩnh vực tham gia, cam kết thực hiện trong suốt thời gian thí điểm và tham gia trong quá trình nhân rộng (nếu có). Có đủ khả năng/năng lực/chứng nhận hoặc quy định của cơ quan chức năng đảm bảo tính hợp pháp về giống, quy trình kỹ thuật, sản phẩm đầu ra được công nhận trên thị trường để đảm bảo cung ứng giống, kỹ thuật, thu hoạch, thu mua nguyên liệu từ mô hình, bảo quản, chế biến thành phẩm và cung ứng cho thị trường theo quy định của pháp luật.

d) Địa điểm được tham gia mô hình thí điểm: Phù hợp với quy hoạch sử dụng đất hoặc định hướng của địa phương, chủ đất tham gia với tinh thần tự nguyện, cam kết tham gia suốt quá trình thực hiện mô hình thí điểm không được bỏ nữa chừng và tham gia trong quá trình nhân rộng (nếu có). Được thỏa thuận hợp tác giữa chủ hộ và các bên cùng tham gia.

III. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Bảo tồn và phát triển các loài cây dược liệu có khả năng sản xuất tiêu thụ được và gây trồng tại tỉnh An Giang. Thúc đẩy tăng trưởng và tạo ra một hệ sinh thái bền vững cho ngành hàng dược liệu “Thất sơn”, là nguồn cung cấp nguyên liệu cho phát triển ngành y - dược gắn với tạo sinh kế, bảo vệ và phát triển rừng; Phát huy lợi thế thổ nhưỡng sẵn có của vùng đồi, núi tỉnh An Giang, kết hợp phát huy các tiềm năng và lợi thế của hệ sinh thái du lịch thiên nhiên, nền tảng lịch sử - tâm linh của vùng “Thất Sơn”, góp phần tăng thu nhập cho người dân trồng - bảo vệ - phát triển rừng, phát triển kinh tế - xã hội địa phương vùng miền, bảo đảm quốc phòng - an ninh.

2. Mục tiêu cụ thể

[...]