Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Kế hoạch 2063/KH-UBND triển khai công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm năm 2024 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam

Số hiệu 2063/KH-UBND
Ngày ban hành 25/03/2024
Ngày có hiệu lực 25/03/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Nam
Người ký Trần Anh Tuấn
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2063/KH-UBND

Quảng Nam, ngày 25 tháng 3 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI CÔNG TÁC BẢO ĐẢM AN NINH, AN TOÀN THỰC PHẨM NĂM 2024 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NAM

Căn cứ Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 21/10/2022 của Ban Bí thư về việc tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới;

Căn cứ Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 13/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong tình hình mới;

Căn cứ Kế hoạch số 236-KH/TU ngày 11/01/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 21/10/2023 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới;

Căn cứ Kế hoạch số 1825/KH-UBND ngày 29/3/2023 của UBND tỉnh về triển khai Kế hoạch số 236-KH/TU ngày 11/01/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 21/10/2023 của Ban Bí thư Trung ương Đảng;

Căn cứ tình hình thực tế công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh;

UBND tỉnh Quảng Nam xây dựng Kế hoạch triển khai công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm (ATTP) năm 2024 trên địa bàn tỉnh với các nội dung, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Nhằm bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm và phòng, chống ngộ độc thực phẩm trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2021-2025; tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm; tạo bước chuyển biến tích cực trong việc kiểm soát bảo đảm an ninh, ATTP trong toàn bộ chuỗi cung ứng thực phẩm và phòng, chống ngộ độc thực phẩm, góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, hội nhập trong nước và quốc tế.

2. Yêu cầu

- Xác định rõ vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành đối với công tác quản lý về an ninh, ATTP, công tác này phải được thực hiện thường xuyên, liên tục, đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả; xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

- Triển khai toàn diện, xây dựng từng nhiệm vụ cụ thể sát với tình hình thực tế của từng địa phương, cơ quan, đơn vị nhằm nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo; tổ chức thực hiện đồng bộ các hoạt động quản lý nhà nước về an ninh, an toàn thực phẩm trên phạm vi toàn tỉnh.

- Kế hoạch phải bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về an ninh, an toàn thực phẩm; chấp hành tốt các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về an ninh, an toàn thực phẩm.

- UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ Kế hoạch của UBND tỉnh và thực tế tình hình an toàn thực phẩm của địa phương để xây dựng kế hoạch, chỉ đạo và tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trên địa bàn theo phân công, phân cấp và đúng quy định hiện hành.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Kiểm soát đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm trong toàn bộ chuỗi cung ứng thực phẩm được thiết lập, phát huy hiệu quả, chủ động trong việc bảo vệ sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng.

2. Mục tiêu cụ thể

- Số vụ ngộ độc thực phẩm tập thể trên 30 người mắc nhỏ hơn 02 vụ/ 01 năm; tỷ lệ mắc ngộ độc thực phẩm cấp tính trong vụ ngộ độc được ghi nhận dưới 6 người/100.000 dân;

- 90% người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, người tiêu dùng, người quản lý được cập nhật kiến thức về an toàn thực phẩm và phòng, chống ngộ độc thực phẩm;

- 90% cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm;

- Tỷ lệ mẫu vượt mức cho phép/tổng số mẫu được kiểm tra an toàn thực phẩm trong các chương trình giám sát về an toàn thực phẩm nông sản <6%;

- Tỷ lệ mẫu vượt mức cho phép/tổng số mẫu được kiểm tra an toàn thực phẩm trong các chương trình giám sát về an toàn thực phẩm thủy sản <4%;

III. NỘI DUNG KẾ HOẠCH

1. Công tác chỉ đạo

- Các Sở: Y tế, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các Sở, ngành và UBND các cấp thực hiện đầy đủ các chức năng quản lý nhà nước về ATTP trên địa bàn theo quy định tại Luật An toàn thực phẩm và Nghị định hướng dẫn thi hành Luật An toàn thực phẩm. Đặc biệt là triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 13/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong tình hình mới.

[...]