Kế hoạch 113/KH-UBND năm 2024 thực hiện Đề án “Bảo đảm an toàn thực phẩm tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030"

Số hiệu 113/KH-UBND
Ngày ban hành 25/04/2024
Ngày có hiệu lực 25/04/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Ninh
Người ký Nguyễn Thị Hạnh
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 113/KH-UBND

Quảng Ninh, ngày 25 tháng 4 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “BẢO ĐẢM AN TOÀN THỰC PHẨM TỈNH QUẢNG NINH ĐẾN NĂM 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030”

Căn cứ Quyết định số 1384/QĐ-BNN-QLCL ngày 15/4/2022 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về phê duyệt Đề án “Đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản giai đoạn 2021 -2030”; Thực hiện Kế hoạch sổ 280-KH/TU ngày 27/3/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm (ATTP) trong tình hình mới; Quyết định số 2088/QĐ-UBND ngày 26/7/2023 của UBND tỉnh về việc ban hành Đề án “Bảo đảm an toàn thực phẩm tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Theo đề nghị của Sở Y tế tại tờ trình số 1406/TTr-SYT ngày 8/4/2024 và ý kiến thống nhất của các thành viên UBND tỉnh (văn bản xin ý kiến số 1211/VP.UBND-VHXH ngày 16/4/2024). UBND tỉnh Quảng Ninh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Bảo đảm ATTP tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” (gọi tắt là Đề án bảo đảm ATTP), cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ tại Đề án “Bảo đảm an toàn thực phẩm tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” gắn với thực hiện hiệu quả Kế hoạch số 280-KH/TU ngày 27/3/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Chính phủ, các Bộ, ngành về công tác đảm bảo ATTP.

- Xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu và nhiệm vụ cụ thể của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các cơ quan, đơn vị và các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội trong việc triển khai Đề án bảo đảm ATTP.

- Tiếp tục phát huy các kết quả đạt được và từng bước khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.

2. Yêu cầu

- Tổ chức, triển khai thực hiện Đề án bảo đảm an toàn thực phẩm đảm bảo chất lượng, hiệu quả, đúng lộ trình, có trọng tâm, trọng điểm, tránh trùng lặp, chồng chéo, lãng phí nguồn lực khi thực hiện.

- Phát huy vai trò trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong thực hiện Đề án; quá trình thực hiện phải có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

- Nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về ATTP từ cấp tỉnh đến cấp xã; đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong công tác chỉ đạo, điều hành nhằm kiểm soát toàn diện công tác bảo đảm ATTP, phù hợp với các điều kiện và tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật, góp phần bảo vệ sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập.

- Phát triển liên kết chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, sản phẩm chủ lực, sản phẩm lợi thế của tỉnh; thiết lập các liên kết bền vững từ sản xuất, sơ chế, chế biến đến lưu thông, tiêu thụ, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường; đồng thời kiểm soát chất lượng thực phẩm tại tất cả các công đoạn trên cơ sở phân tích và quản lý nguy cơ.

2. Mục tiêu cụ thể

2.1. Giai đoạn đến năm 2025

2.1.1. Tăng cường năng lực hệ thống quản lý ATTP

- 100 % Ban Chỉ đạo các cấp được kiện toàn, bổ sung đầy đủ các thành viên, Chủ tịch UBND làm trưởng Ban Chỉ đạo, có quy chế hoạt động, phân công rõ trách nhiệm các thành viên Ban Chỉ đạo.

- 100% các địa phương kiện toàn hệ thống nguồn nhân lực tại các cơ quản lý nhà nước về ATTP phù hợp với phân công, phân cấp;

- 100% cán bộ làm công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra về ATTP từ tỉnh đến địa phương được đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật hàng năm nâng cao nghiệp vụ chuyên môn và quản lý về ATTP.

- 13/13 địa phương được kiểm tra công tác quản lý nhà nước về ATTP.

2.1.2. Nâng cao kiến thức, thực hành về ATTP cho các nhóm đối tượng: 100% người quản lý, trên 90% người trực tiếp sản xuất, kinh doanh và trên 80% người tiêu dùng được cập nhật kiến thức về ATTP.

2.1.3. Cải thiện tình hình bảo đảm ATTP đối với cơ sở thực phẩm thuộc lĩnh vực:

a) Lĩnh vực Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Diện tích trồng trọt, diện tích nuôi thủy sản, số cơ sở chăn nuôi được chứng nhận Thực hành nông nghiệp tốt - GAP (như VietGAP hoặc tương đương) tăng 10%/năm; 100% cơ sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản được chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP hoặc ký bản cam kết sản xuất, KDTP an toàn; Tỷ lệ cơ sở sơ chế, chế biến thực phẩm nông lâm sản và thủy sản được chứng nhận HACCP, ISO 2200 (hoặc tương đương) tăng tương ứng 10%/năm và 15%/năm; Tỷ lệ mẫu thực phẩm nông lâm thủy sản được giám sát vi phạm các quy định ATTP giảm 10%/năm;

b) Lĩnh vực Công Thương: 90% các cơ sở không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP thực hiện ký cam kết bảo đảm ATTP; 100% cơ sở sản xuất, KDTP thuộc đối tượng phải cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP khi hoạt động; 90% cơ sở được kiểm tra, hậu kiểm ATTP; 100% siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích và 90% chợ được kiểm soát về ATTP, triển khai mô hình chợ ATTP.

c) Lĩnh vực Y tế: Trên 90% các cơ sở thuộc diện cấp Giấy chứng nhận được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP; 90% bếp ăn tập thể và 80% cơ sở kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống đạt các điều kiện bảo đảm ATTP.

[...]