Xóa bỏ giấy phép xây dựng sẽ thay đổi thị trường bất động sản như thế nào?
Nội dung chính
Xóa bỏ giấy phép xây dựng sẽ thay đổi thị trường bất động sản như thế nào?
Ngày 29/5, Thủ tướng đã có Công điện 78/CĐ-TTg năm 2025 về việc tập trung cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính lĩnh vực xây dựng.
Theo nội dung công diện, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Xây dựng phải bảo đảm cắt giảm ít nhất 30% thời gian giải quyết TTHC, 30% chi phí tuân thủ TTHC, 30% điều kiện kinh doanh trong năm 2025, trong đó lưu ý tập trung nghiên cứu, rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa mạnh mẽ các TTHC trong lĩnh vực xây dựng.
Bên cạnh đó, phải cắt giảm thủ tục cấp giấy phép xây dựng đối với các công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng đã có quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 hoặc các công trình thuộc khu vực đã phê duyệt thiết kế đô thị.
Ngay khi nhận được chỉ đạo, Bộ Xây dựng ban hành Công văn 4377/BXD-VP năm 2025 triển khai Công điện 78/CĐ-TTg về cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực xây dựng.
Trong đó, có việc đề xuất phương án sửa văn bản quy phạm pháp luật để cắt giảm thủ tục cấp giấy phép xây dựng đối với các công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng đã có quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, hoặc các công trình thuộc khu vực đã được phê duyệt thiết kế đô thị.
Theo đó, việc bỏ giấy phép xây dựng vẫn đang được nghiên cứu xem xét. Tuy nhiên, khi việc bỏ giấy phép xây dựng được thông qua thì sẽ tác động rất lớn đến thị trường bất động sản.
(1) Tiết kiếm thời gian
Theo Điều 102 Luật Xây dựng 2014 (được sửa đổi bởi điểm a, điểm b khoản 36 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020) việc xin giấy phép xây dựng đối với nhà ở riêng lẻ thường mất từ 15 – 30 ngày làm việc, nếu hồ sơ không bị sai sót hay yêu cầu bổ sung. Với các công trình lớn hoặc dự án bất động sản, thời gian thực tế có thể kéo dài 3–6 tháng.
Việc xóa bỏ giấy phép xây dưng sẽ cắt giảm được các thủ tục liên quan đến giấy phép xây dựng sẽ giúp cải cách hành chính, rút ngắn thời gian cho người dân và doanh nghiệp.
(2) Tăng nguồn cung nhà ở
Việc tinh giản quy trình phê duyệt xây dựng, đặc biệt là bỏ qua bước cấp phép xây dựng cho các dự án đã có quy hoạch chi tiết 1/500 hoặc khu vực đã có thiết kế đô thị được duyệt, sẽ rút ngắn đáng kể thời gian triển khai dự án.
Điều này cho phép các nhà phát triển đưa sản phẩm nhà ở ra thị trường nhanh hơn, đẩy nhanh tốc độ cung ứng và giảm bớt áp lực về thiếu hụt nguồn cung.
Đối với người dân, quy định mới cũng tạo thuận lợi cho việc xây dựng hoặc sửa chữa nhà ở riêng lẻ, từ đó gia tăng nguồn cung tự phát nhưng vẫn đảm bảo tính hợp pháp, đáp ứng nhu cầu đa dạng về chỗ ở tại các đô thị lớn và vùng lân cận.
(3) Tác động đến môi trường đầu tư
Chính sách này không chỉ kích thích nguồn cung mà còn tác động tích cực đến bức tranh đầu tư. Quy trình pháp lý lâu nay vẫn là một trong những trở ngại lớn nhất đối với các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài khi tìm hiểu thị trường bất động sản Việt Nam.
Với việc đơn giản hóa thủ tục xây dựng, doanh nghiệp có thể chủ động hơn trong việc lên kế hoạch triển khai, kiểm soát rủi ro pháp lý hiệu quả hơn và cắt giảm chi phí hoạt động liên quan đến việc chuẩn bị hồ sơ, chờ thẩm định hay xin cấp phép.
Điều này góp phần nâng cao tính minh bạch và sự tin cậy của môi trường đầu tư, khôi phục niềm tin và thu hút dòng vốn trong và ngoài nước trở lại thị trường.
Xóa bỏ giấy phép xây dựng sẽ thay đổi thị trường bất động sản như thế nào? (Hình từ Internet)
Những công trình nào hiện nay được miễn giấy phép xây dựng?
Căn cứ Khoản 2 Điều 89 Luật Xây dựng 2014 được sửa đổi bởi khoản 30 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020 và được bổ sung bởi khoản 1 Điều 79 Luật Điện lực 2024 các trường hợp được miễn giấy phép xây dựng gồm:
(a) Công trình bí mật nhà nước; công trình xây dựng khẩn cấp;
(b) Công trình thuộc dự án sử dụng vốn đầu tư công được Thủ tướng Chính phủ, người đứng đầu cơ quan trung ương của tổ chức chính trị, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan trung ương của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và của tổ chức chính trị - xã hội, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp quyết định đầu tư xây dựng;
(c) Công trình xây dựng tạm theo quy định tại Điều 131 Luật Xây dựng 2014;
(d) Công trình sửa chữa, cải tạo bên trong công trình hoặc công trình sửa chữa, cải tạo mặt ngoài không tiếp giáp với đường trong đô thị có yêu cầu về quản lý kiến trúc theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
Nội dung sửa chữa, cải tạo không làm thay đổi công năng sử dụng, không làm ảnh hưởng đến an toàn kết cấu chịu lực của công trình, phù hợp với quy hoạch xây dựng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, yêu cầu về an toàn phòng, chống cháy, nổ và bảo vệ môi trường;
(đ) Công trình quảng cáo không thuộc đối tượng phải cấp giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật về quảng cáo; công trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động theo quy định của Chính phủ;
(e) Công trình xây dựng nằm trên địa bàn hai đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên, công trình xây dựng theo tuyến ngoài đô thị phù hợp với quy hoạch xây dựng hoặc quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;
(g) Công trình xây dựng đã được cơ quan chuyên môn về xây dựng thông báo kết quả thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở đủ điều kiện phê duyệt thiết kế xây dựng và đáp ứng các điều kiện về cấp giấy phép xây dựng theo quy định của Luật Xây dựng 2014;
(h) Nhà ở riêng lẻ có quy mô dưới 07 tầng thuộc dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, dự án đầu tư xây dựng nhà ở có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;
(i) Công trình xây dựng cấp IV, nhà ở riêng lẻ ở nông thôn có quy mô dưới 07 tầng và thuộc khu vực không có quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng hoặc quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; công trình xây dựng cấp IV, nhà ở riêng lẻ ở miền núi, hải đảo thuộc khu vực không có quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng; trừ công trình, nhà ở riêng lẻ được xây dựng trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa;
(i1) Công trình trên biển thuộc dự án điện gió ngoài khơi đã được cấp có thẩm quyền giao khu vực biển để thực hiện dự án;
(k) Chủ đầu tư xây dựng công trình quy định tại các điểm (b), (e), (g), (h), (i) và (i1) khoản này, trừ nhà ở riêng lẻ quy định tại điểm (i) khoản này có trách nhiệm gửi thông báo thời điểm khởi công xây dựng, hồ sơ thiết kế xây dựng theo quy định đến cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng tại địa phương để quản lý.
Nội dung chủ yếu của giấy phép xây dựng hiện nay
Theo Điều 90 Luật Xây dựng 2014, nội dung chủ yếu của giấy phép xây dựng gồm:
- Tên công trình thuộc dự án.
- Tên và địa chỉ của chủ đầu tư.
- Địa điểm, vị trí xây dựng công trình; tuyến xây dựng công trình đối với công trình theo tuyến.
- Loại, cấp công trình xây dựng.
- Cốt xây dựng công trình.
- Chỉ giới đường đỏ, chỉ giới xây dựng.
- Mật độ xây dựng (nếu có).
- Hệ số sử dụng đất (nếu có).
- Đối với công trình dân dụng, công trình công nghiệp, nhà ở riêng lẻ, ngoài các nội dung quy định từ khoản 1 đến khoản 8 Điều này còn phải có nội dung về tổng diện tích xây dựng, diện tích xây dựng tầng 1 (tầng trệt), số tầng (bao gồm cả tầng hầm, tầng áp mái, tầng kỹ thuật, tum), chiều cao tối đa toàn công trình.
- Thời hạn khởi công công trình không quá 12 tháng kể từ ngày được cấp giấy phép xây dựng.