Trường hợp nào không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất rừng phòng hộ?
Nội dung chính
Hạn mức Nhà nước giao đất rừng phòng hộ cho cá nhân là bao nhiêu?
Căn cứ tại điểm a khoản 3 Điều 176 Luật Đất đai 2024 quy định về hạn mức giao đất nông nghiệp như sau:
Hạn mức giao đất nông nghiệp
1. Hạn mức giao đất trồng cây hằng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối cho cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp được quy định như sau:
a) Không quá 03 ha cho mỗi loại đất đối với tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thuộc khu vực Đông Nam Bộ và khu vực đồng bằng sông Cửu Long;
b) Không quá 02 ha cho mỗi loại đất đối với tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác.
2. Hạn mức giao đất trồng cây lâu năm cho cá nhân không quá 10 ha đối với xã, phường, thị trấn ở đồng bằng; không quá 30 ha đối với xã, phường, thị trấn ở trung du, miền núi.
3. Hạn mức giao đất cho cá nhân không quá 30 ha đối với mỗi loại đất:
a) Đất rừng phòng hộ;
b) Đất rừng sản xuất là rừng trồng.
...
Theo đó quy định trên hạn mức giao đất rừng phòng hộ cho cá nhân là không quá 30 ha.
Trường hợp nào không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất rừng phòng hộ? (Hình từ Internet)
Các trường hợp nào không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất rừng phòng hộ?
Căn cứ tại khoản 8 Điều 45 Luật Đất đai 2024 quy định về các trường hợp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất cụ thể như sau:
- Tổ chức kinh tế không được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng của cá nhân, trừ trường hợp được chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt
- Cá nhân không sinh sống trong khu vực rừng phòng hộ, rừng đặc dụng thì không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất ở và đất khác trong khu vực rừng phòng hộ, trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái thuộc rừng đặc dụng đó
- Tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài mà pháp luật không cho phép nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất.
Người sử dụng đất rừng phòng hộ có phải trả tiền sử dụng đất khi được Nhà nước giao đất hay không?
Căn cứ tại khoản 3 Điều 118 Luật Đất đai 2024 có quy định về giao đất không tiền sử dụng đất như sau:
Giao đất không thu tiền sử dụng đất
1. Cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp được giao đất nông nghiệp trong hạn mức quy định tại Điều 176 của Luật này.
2. Đất xây dựng trụ sở cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam, cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội; tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật và được Nhà nước giao nhiệm vụ, hỗ trợ kinh phí hoạt động thường xuyên; đất quốc phòng, an ninh; đất sử dụng vào mục đích công cộng không nhằm mục đích kinh doanh; đất nghĩa trang, nhà tang lễ, cơ sở hỏa táng, đất cơ sở lưu giữ tro cốt không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 119 của Luật này; đất tín ngưỡng để bồi thường cho trường hợp Nhà nước thu hồi đất tín ngưỡng.
3. Người sử dụng đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất.
4. Đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng đất xây dựng công trình sự nghiệp.
5. Cộng đồng dân cư sử dụng đất nông nghiệp; tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc sử dụng đất quy định tại khoản 2 Điều 213 của Luật này.
...
Theo quy định trên thì người sử dụng đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất thuộc đối tượng được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất.
Lấn chiếm đất rừng phòng hộ bị phạt bao nhiêu tiền?
Căn cứ tại khoản 3 Điều 14 Nghị định 91/2019/NĐ-CP quy định về mức phạt lấn, chiếm đất như sau:
Lấn, chiếm đất
...
3. Trường hợp lấn, chiếm đất nông nghiệp là đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất tại khu vực nông thôn, thì hình thức và mức xử phạt như sau:a) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm dưới 0,02 héc ta;
b) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm từ 0,02 héc ta đến dưới 0,05 héc ta;
c) Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm từ 0,05 héc ta đến dưới 0,1 héc ta;
d) Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm từ 0,1 héc ta đến dưới 0,5 héc ta;
đ) Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm từ 0,5 héc ta đến dưới 01 héc ta;
e) Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm từ 01 héc ta trở lên.
Như vậy, tùy thuộc vào diện tích đất rừng phòng bị lấn chiếm mà cá nhân có hành vi lấn chiếm đất rừng phòng hộ có thể bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng theo quy định của pháp luật.
Lưu ý, mức phạt tiền trên là đối với cá nhân, theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 6 Nghị định 91/2019/NĐ-CP mức phạt đối với tổ chức khi vi phạm hành vi lấn chiếm này sẽ bị phạt tiền bằng 02 lần mức phạt của cá nhân.