Toàn văn Nghị định 144 2025 NĐ CP về phân quyền phân cấp trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng ra sao?
Nội dung chính
Toàn văn Nghị định 144 2025 NĐ CP về phân quyền phân cấp trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng ra sao?
Ngày 12/6/2025, Chính phủ ban hành Toàn văn Nghị định 144/2025/NĐ-CP về phân quyền, phân cấp trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng.
*Nghị định 144/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/7/2025.
>>> Xem toàn văn Nghị định 144 2025 NĐ CP Tải về
Theo đó, Nghị định 144/2025/NĐ-CP quy định về nguyên tắc trong phân quyền phân cấp trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng như sau:
[1] Nguyên tắc chung
- Bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp; phù hợp với các nguyên tắc, quy định về phân quyền, phân cấp của Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương;
- Bảo đảm phân cấp triệt để các nhiệm vụ giữa cơ quan nhà nước ở trung ương với chính quyền địa phương, bảo đảm thẩm quyền quản lý thống nhất của Chính phủ, quyền điều hành của người đứng đầu Chính phủ đối với lĩnh vực quản lý nhà nước về xây dựng, giao thông và phát huy tính chủ động, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương trong thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực xây dựng, giao thông;
- Bảo đảm Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ tập trung thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước ở tầm vĩ mô; xây dựng thể chế, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch đồng bộ, thống nhất, giữ vai trò kiến tạo và tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát;
- Đẩy mạnh phân quyền, phân cấp và phân định rõ thẩm quyền của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân; phân định rõ thẩm quyền chung của Ủy ban nhân dân và thẩm quyền riêng của Chủ tịch Ủy ban nhân dân; bảo đảm phù hợp với nhiệm vụ, quyền hạn và năng lực của cơ quan, người có thẩm quyền thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân định;
- Thực hiện phân quyền, phân cấp giữa các ngành, lĩnh vực có liên quan bảo đảm đồng bộ, tổng thể, liên thông, không bỏ sót hoặc chồng lấn, giao thoa nhiệm vụ; bảo đảm cơ sở pháp lý cho hoạt động bình thường, liên tục, thông suốt của các cơ quan; không để gián đoạn công việc, không để chồng chéo, trùng lặp, bỏ sót chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực, địa bàn;
- Bảo đảm quyền con người, quyền công dân; bảo đảm công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức trong việc tiếp cận thông tin, thực hiện các quyền, nghĩa vụ và các thủ tục theo quy định của pháp luật; không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của xã hội, người dân, doanh nghiệp;
- Bảo đảm không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;
- Nguồn lực thực hiện nhiệm vụ được phân quyền, phân cấp do ngân sách nhà nước bảo đảm theo quy định.
[2] Ngoài các nguyên tắc chung, việc phân cấp, phân quyền trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng bảo đảm phân cấp triệt để cho chính quyền địa phương và chỉ giữ lại trung ương đối với các vấn đề: mang tính liên tỉnh, liên vùng và liên quốc gia; liên quan đến quốc phòng, an ninh quốc gia, chủ quyền quốc gia; có kỹ thuật chuyên môn sâu hoặc liên quan đến những dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm công nghệ; phải thực hiện theo yêu cầu của các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Toàn văn Nghị định 144 2025 NĐ CP về phân quyền phân cấp trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng ra sao? (Hình ảnh từ Internet)
Vị trí và chức năng của Bộ Xây dựng được quy định như thế nào?
Căn cứ theo Điều 1 Nghị định 33/2025/NĐ-CP quy định về vị trí và chức năng của Bộ Xây dựng như sau:
Bộ Xây dựng là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về: Quy hoạch xây dựng, kiến trúc; hoạt động đầu tư xây dựng; phát triển đô thị; hạ tầng kỹ thuật; nhà ở; thị trường bất động sản; vật liệu xây dựng; giao thông vận tải đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không dân dụng trong phạm vi cả nước; quản lý nhà nước các dịch vụ công trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của bộ theo quy định của pháp luật.
Hiện nay, các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động xây dựng là gì?
Căn cứ theo Điều 12 Luật Xây dựng 2014 được sửa đổi bởi diểm c khoản 64 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020 và điểm a khoản 1 Điều 57 Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn 2024 thì các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động xây dựng gồm những hành vi sau:
(1) Quyết định đầu tư xây dựng không đúng với quy định của Luật Xây dựng 2014.
(2) Khởi công xây dựng công trình khi chưa đủ điều kiện khởi công theo quy định của Luật Xây dựng 2014.
(3) Xây dựng công trình trong khu vực cấm xây dựng; xây dựng công trình lấn chiếm hành lang bảo vệ công trình quốc phòng, an ninh, giao thông, thủy lợi, đê điều, năng lượng, khu di tích lịch sử - văn hóa và khu vực bảo vệ công trình khác theo quy định của pháp luật; xây dựng công trình ở khu vực đã được cảnh báo về nguy cơ lở đất, lũ quét, lũ ống, trừ công trình xây dựng để khắc phục những hiện tượng này.
(4) Xây dựng công trình không đúng quy hoạch xây dựng, trừ trường hợp có giấy phép xây dựng có thời hạn; vi phạm chỉ giới xây dựng, cốt xây dựng; xây dựng công trình không đúng với giấy phép xây dựng được cấp.
(5) Lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán của công trình xây dựng sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công trái với quy định của Luật Xây dựng 2014.
(6) Nhà thầu tham gia hoạt động xây dựng khi không đủ điều kiện năng lực để thực hiện hoạt động xây dựng.
(7) Chủ đầu tư lựa chọn nhà thầu không đủ điều kiện năng lực để thực hiện hoạt động xây dựng.
(8) Xây dựng công trình không tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật được lựa chọn áp dụng cho công trình.
(9) Sản xuất, sử dụng vật liệu xây dựng gây nguy hại cho sức khỏe cộng đồng, môi trường.
(10) Vi phạm quy định về an toàn lao động, tài sản, phòng, chống cháy, nổ, an ninh, trật tự và bảo vệ môi trường trong xây dựng.
(11) Sử dụng công trình không đúng với mục đích, công năng sử dụng; xây dựng cơi nới, lấn chiếm diện tích, lấn chiếm không gian đang được quản lý, sử dụng hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác và của khu vực công cộng, khu vực sử dụng chung.
(12) Đưa, nhận hối lộ trong hoạt động đầu tư xây dựng; lợi dụng pháp nhân khác để tham gia hoạt động xây dựng; dàn xếp, thông đồng làm sai lệch kết quả lập dự án, khảo sát, thiết kế, giám sát thi công xây dựng công trình.
(13) Lạm dụng chức vụ, quyền hạn vi phạm pháp luật về xây dựng; bao che, chậm xử lý hành vi vi phạm pháp luật về xây dựng.
(14) Cản trở hoạt động đầu tư xây dựng đúng pháp luật.
*Lưu ý: Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn 2024 có hiệu lực từ ngày 01/7/2025.