Toàn văn Nghị định 145 2025 NĐ CP phân định thẩm quyền, phân quyền phân cấp trong lĩnh vực quy hoạch đô thị và nông thôn?

Chuyên viên pháp lý: Đặng Trần Trà My
Tham vấn bởi Luật sư: Nguyễn Thụy Hân
Toàn văn Nghị định 145/2025/NĐ-CP phân định thẩm quyền, phân quyền phân cấp trong lĩnh vực quy hoạch đô thị và nông thôn? Các loại quy hoạch đô thị và nông thôn bao gồm những gì?

Nội dung chính

    Toàn văn Nghị định 145 2025 NĐ CP phân định thẩm quyền, phân quyền phân cấp trong lĩnh vực quy hoạch đô thị và nông thôn?

    Ngày 12 tháng 6 năm 2025, Chính phủ đã ban hành Nghị định 145/2025/NĐ-CP về quy định về phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương 02 cấp, phân quyền, phân cấp trong lĩnh vực quy hoạch đô thị và nông thôn.

    Nghị định 145/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/7/2025.

    >>> Xem toàn văn Nghị định 145/2025/NĐ-CP Tải về

    Theo đó, tại Điều 2 Nghị định 145/2025/NĐ-CP quy định về nguyên tắc về việc phân quyền phân cấp trong lĩnh vực quy hoạch đô thị và nông thôn như sau:

    [1] Nguyên tắc chung:

    - Bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp, phù hợp với các nguyên tắc, quy định về phân định thẩm quyền, phân quyền, phân cấp của Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

    - Bảo đảm tính thống nhất trong tổ chức thi hành Hiến pháp và pháp luật; bảo đảm tính công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình và thực hiện có hiệu quả việc kiểm soát quyền lực gắn với trách nhiệm kiểm tra, thanh tra, giám sát của cơ quan nhà nước cấp trên.

    - Bảo đảm quyền con người, quyền công dân; bảo đảm công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức trong việc tiếp cận thông tin, thực hiện các quyền, nghĩa vụ và các thủ tục theo quy định của pháp luật; không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của xã hội, người dân, doanh nghiệp.

    - Bảo đảm cơ sở pháp lý cho hoạt động bình thường, liên tục, thông suốt của cơ quan, xã hội, người dân và doanh nghiệp; bảo đảm quyền con người, quyền công dân; tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức trong việc tiếp cận thông tin, thực hiện các quyền, nghĩa vụ và các thủ tục theo quy định của pháp luật.

    - Bảo đảm không ảnh hưởng đến việc thực hiện các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

    - Nguồn lực thực hiện nhiệm vụ phân định thẩm quyền do ngân sách nhà nước bảo đảm theo quy định.

    [2] Ngoài các nguyên tắc chung, việc phân quyền, phân cấp bảo đảm các nguyên tắc sau:

    Bảo đảm phân cấp triệt để các nhiệm vụ giữa cơ quan nhà nước ở trung ương với chính quyền địa phương, bảo đảm thẩm quyền quản lý thống nhất của Chính phủ, quyền điều hành của người đứng đầu Chính phủ đối với lĩnh vực quản lý nhà nước về quy hoạch đô thị và nông thôn và phát huy tính chủ động, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương trong thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước trong hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn.

    - Bảo đảm Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ tập trung thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước ở tầm vĩ mô; xây dựng thể chế, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch đồng bộ, thống nhất, giữ vai trò kiến tạo và tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát.

    - Đẩy mạnh phân quyền, phân cấp và phân định rõ thẩm quyền của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân; phân định rõ thẩm quyền chung của Ủy ban nhân dân và thẩm quyền riêng của Chủ tịch Ủy ban nhân dân; bảo đảm phù hợp với nhiệm vụ, quyền hạn và năng lực của cơ quan, người có thẩm quyền thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân định.

    - Thực hiện phân quyền, phân cấp giữa các ngành, lĩnh vực có liên quan bảo đảm đồng bộ, tổng thể, liên thông, không bỏ sót hoặc chồng lấn, giao thoa nhiệm vụ; bảo đảm cơ sở pháp lý cho hoạt động bình thường, liên tục, thông suốt của các cơ quan; không để gián đoạn công việc, không để chồng chéo, trùng lặp, bỏ sót chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực, địa bàn.

    Toàn văn Nghị định 145 2025 NĐ CP phân định thẩm quyền, phân quyền phân cấp trong lĩnh vực quy hoạch đô thị và nông thôn? (Hình ảnh từ Internet)

    Các loại quy hoạch đô thị và nông thôn bao gồm những gì?

    Căn cứ tại khoản 2 Điều 3 Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn 2024 quy định hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn như sau:

    Điều 3. Hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn
    1. Quy hoạch tổng thể hệ thống đô thị và nông thôn là quy hoạch ngành quốc gia. Việc lập, thẩm định, phê duyệt, công bố, thực hiện, đánh giá, điều chỉnh quy hoạch tổng thể hệ thống đô thị và nông thôn thực hiện theo quy định của pháp luật về quy hoạch.
    2. Các loại quy hoạch đô thị và nông thôn bao gồm:
    a) Quy hoạch đô thị đối với thành phố trực thuộc trung ương, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, thị xã, thị trấn, đô thị mới;
    b) Quy hoạch nông thôn đối với huyện, xã;
    c) Quy hoạch khu chức năng đối với khu chức năng;
    d) Quy hoạch không gian ngầm đối với thành phố trực thuộc trung ương;
    đ) Quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật đối với thành phố trực thuộc trung ương.
    ...

    Như vậy các loại quy hoạch đô thị và nông thôn bao gồm:

    - Quy hoạch đô thị đối với thành phố trực thuộc trung ương, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, thị xã, thị trấn, đô thị mới;

    - Quy hoạch nông thôn đối với huyện, xã;

    - Quy hoạch khu chức năng đối với khu chức năng;

    - Quy hoạch không gian ngầm đối với thành phố trực thuộc trung ương;

    - Quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật đối với thành phố trực thuộc trung ương.

    Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn là gì?

    Căn cứ tại Điều 14 Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn 2024 quy định hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn như sau:

    - Can thiệp trái pháp luật vào hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn.

    - Cố ý công bố, cung cấp sai hoặc không công bố, không cung cấp thông tin quy hoạch đô thị và nông thôn theo quy định của Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn 2024; hủy hoại, làm giả hoặc làm sai lệch hồ sơ, giấy tờ, tài liệu.

    - Phá hoại, cố ý làm sai lệch mốc quy hoạch đô thị và nông thôn.

    - Tiếp nhận, quản lý, sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn không đúng quy định tại Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn 2024.

    *Lưu ý: Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn 2024 có hiệu lực từ ngày 01/7/2025

     

    saved-content
    unsaved-content
    113