Tài sản góp vốn vào doanh nghiệp có thể là ngoại tệ không? Có cần phải định giá tài sản góp vốn không?
Nội dung chính
Tài sản góp vốn có được là ngoại tệ không?
Căn cứ Điều 34 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định tài sản góp vốn:
Tài sản góp vốn
1. Tài sản góp vốn là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam.
2. Chỉ cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu hợp pháp hoặc có quyền sử dụng hợp pháp đối với tài sản quy định tại khoản 1 Điều này mới có quyền sử dụng tài sản đó để góp vốn theo quy định của pháp luật.
Theo đó, tài sản góp vốn được phép là ngoại tệ. Theo quy định của pháp luật Việt Nam, ngoài ngoại tệ, tài sản góp vốn có thể bao gồm:
- Đồng Việt Nam: Loại tài sản góp vốn phổ biến nhất.
- Ngoại tệ tự do chuyển đổi: Bao gồm các đồng tiền như USD, EUR, JPY, v.v.
- Vàng: Vàng miếng, vàng nhẫn, vàng trang sức, v.v.
- Quyền sử dụng đất: Phải có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hợp lệ.
- Quyền sở hữu trí tuệ: Bao gồm sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, bản quyền, v.v.
- Công nghệ, bí quyết kỹ thuật: Phải có giá trị và khả năng áp dụng vào sản xuất, kinh doanh.
- Tài sản khác có thể định giá được bằng đồng Việt Nam: Bao gồm máy móc, thiết bị, nhà xưởng, v.v.
Tài sản góp vốn có được là ngoại tệ không? Có bắt buộc định giá tài sản khi góp vốn vào doanh nghiệp không? (Hình từ Internet)
Có bắt buộc định giá tài sản khi góp vốn vào doanh nghiệp không?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 34 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về tài sản góp vốn như sau:
Tài sản góp vốn
1. Tài sản góp vốn là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam.
...
Bên cạnh đó, theo khoản 1 Điều 36 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về định giá tài sản góp vốn như sau:
Định giá tài sản góp vốn
1. Tài sản góp vốn không phải là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng phải được các thành viên, cổ đông sáng lập hoặc tổ chức thẩm định giá định giá và được thể hiện thành Đồng Việt Nam.
...
Có thể thấy, các tài sản góp vốn vào doanh nghiệp có thể là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, tài sản khác mà có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam.
Trường hợp tài sản góp vốn vào doanh nghiệp không phải là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi và vàng thì trước hết những tài sản này phải được thẩm định giá bởi các thành viên, cổ đông sáng lập hoặc tổ chức thẩm định giá và phải được thể hiện thành Đồng Việt Nam.
Từ những quy định trên, tài sản góp vốn vào doanh nghiệp không bắt buộc phải được định giá. Chỉ riêng tài sản góp vốn vào doanh nghiệp không phải là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi và vàng thì cần phải được thẩm định giá để định giá thành Đồng Việt Nam.
Trường hợp nào công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có thể giảm vốn điều lệ?
Căn cứ theo khoản 3 Điều 68 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về tăng, giảm vốn điều lệ như sau
Tăng, giảm vốn điều lệ
...
3. Công ty có thể giảm vốn điều lệ trong trường hợp sau đây:
a) Hoàn trả một phần vốn góp cho thành viên theo tỷ lệ phần vốn góp của họ trong vốn điều lệ của công ty nếu đã hoạt động kinh doanh liên tục từ 02 năm trở lên kể từ ngày đăng ký thành lập doanh nghiệp và bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác sau khi đã hoàn trả cho thành viên
b) Công ty mua lại phần vốn góp của thành viên theo quy định tại Điều 51 của Luật này;
c) Vốn điều lệ không được các thành viên thanh toán đầy đủ và đúng hạn theo quy định tại Điều 47 của Luật này.
...
Theo đó, có 03 trường hợp công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có thể giảm vốn điều lệ. Cụ thể đó là:
Trường hợp 1: Hoàn trả một phần vốn góp cho thành viên theo tỷ lệ phần vốn góp của họ trong vốn điều lệ của công ty
Đối với trường hợp này, công ty cần phải đáp ứng 02 tiêu chí sau đây:
+ Đã hoạt động kinh doanh liên tục từ 02 năm trở lên;
+ Bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác sau khi đã hoàn trả cho thành viên.
Trường hợp 2: Công ty mua lại phần vốn góp của thành viên
Thành viên có quyền yêu cầu công ty mua lại phần vốn góp của mình trong trường hợp thành viên đó đã bỏ phiếu không tán thành đối với nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên về các vấn đề sửa đổi, bổ sung các nội dung trong Điều lệ công ty liên quan đến quyền và nghĩa vụ của thành viên, Hội đồng thành viên; Tổ chức lại công ty; Trường hợp khác theo Điều lệ công ty.
Trường hợp 3: Vốn điều lệ không được các thành viên thanh toán đầy đủ và đúng hạn
Thành viên phải góp vốn phần vốn góp cho công ty đủ và đúng loại tài sản như đã cam kết khi đăng ký thành lập doanh nghiệp, trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày nhận được Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;
Trường hợp có thành viên chưa góp vốn hoặc chưa góp đủ số vốn đã cam kết, công ty phải đăng ký thay đổi vốn điều lệ, tỷ lệ phần vốn góp của các thành viên bằng số vốn đã góp trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày cuối cùng phải góp đủ phần vốn góp theo quy định.