Sinh viên đã tốt nghiệp có được tiếp tục thuê nhà ở xã hội không?
Nội dung chính
Sinh viên đã tốt nghiệp có được thuê nhà ở xã hội tiếp không?
Căn cứ khoản 6 Điều 77 Luật Nhà ở 2023 quy định:
Hình thức thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội
...
5. Hỗ trợ cho vay vốn ưu đãi của Nhà nước thông qua Ngân hàng chính sách xã hội, tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định để đối tượng quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7 và 8 Điều 76 của Luật này mua, thuê mua nhà ở xã hội hoặc tự xây dựng hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở; đối với đối tượng quy định tại khoản 7 Điều 76 của Luật này thì được vay vốn ưu đãi để mua, thuê mua nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân.
Chính phủ quy định chi tiết khoản này.
6. Đối tượng quy định tại khoản 11 Điều 76 của Luật này được thuê nhà ở xã hội trong thời gian học tập.
7. Đối tượng quy định tại khoản 12 Điều 76 của Luật này được thuê nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp để bố trí cho cá nhân là công nhân của doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã mình trong khu công nghiệp đó thuê lại theo quy định tại Mục 3 Chương này.
...
Dẫn chiếu đến khoản 11 Điều 76 Luật Nhà ở 2023 quy định:
Đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội
...
11. Học sinh, sinh viên đại học, học viện, trường đại học, cao đẳng, dạy nghề, trường chuyên biệt theo quy định của pháp luật; học sinh trường dân tộc nội trú công lập.
...
Như vậy, sinh viên chỉ được thuê nhà ở xã hội trong thời gian học tập. Sau khi đã tốt nghiệp thì sinh viên không còn được thuê nhà ở xã hội nữa.
Sinh viên đã tốt nghiệp có được tiếp tục thuê nhà ở xã hội không? (Ảnh từ Internet)
Sinh viên thuê nhà ở xã hội có được cho thuê lại nhà ở xã hội hay không?
Căn cứ theo khoản 8 Điều 88 Luật Nhà ở 2023 quy định:
Nguyên tắc bán, cho thuê mua, cho thuê nhà ở xã hội
...
7. Mỗi đối tượng quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 8, 9, 10 và 11 Điều 76 của Luật này tại mỗi thời điểm chỉ được thuê 01 căn nhà ở xã hội. Đối tượng quy định tại khoản 7 Điều 76 của Luật này tại mỗi thời điểm chỉ được thuê 01 căn nhà ở xã hội hoặc 01 căn nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân.
8. Bên thuê, thuê mua nhà ở xã hội chỉ được sử dụng nhà ở phục vụ vào mục đích ở cho bản thân và thành viên trong gia đình trong thời gian thuê, thuê mua; nếu bên thuê, thuê mua không còn nhu cầu thuê, thuê mua nhà ở thì chấm dứt hợp đồng và phải trả lại nhà ở này.
...
Như vậy, sinh viên chỉ được thuê nhà ở xã hội để phục vụ mục đích ở cho bản thân và thành viên trong gia đình; nếu sinh viên không còn nhu cầu thuê nhà ở thì chấm dứt hợp đồng và phải trả lại nhà ở này mà không được cho thuê lại nhà ở xã hội.
Nguyên tắc thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội là gì?
Căn cứ Điều 79 Luật Nhà ở 2023 quy định:
Nguyên tắc thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội
1. Việc thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội phải bảo đảm các nguyên tắc sau đây:
a) Nhà nước có chính sách phát triển nhà ở, tạo điều kiện để mọi người có chỗ ở;
b) Có sự kết hợp giữa Nhà nước, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư, dòng họ và đối tượng được hỗ trợ trong việc thực hiện chính sách;
c) Bảo đảm công khai, minh bạch, có sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cộng đồng dân cư và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
d) Bảo đảm đúng đối tượng, đủ điều kiện theo quy định của Luật này;
đ) Trường hợp một đối tượng được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ khác nhau thì được hưởng một chính sách hỗ trợ mức cao nhất; trường hợp các đối tượng có cùng tiêu chuẩn và điều kiện thì thực hiện hỗ trợ theo thứ tự ưu tiên trước đối với: người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ, người khuyết tật, người được bố trí tái định cư theo hình thức mua, thuê mua nhà ở xã hội, nữ giới;
e) Trường hợp hộ gia đình có nhiều đối tượng được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ thì chỉ áp dụng một chính sách hỗ trợ cho cả hộ gia đình.
2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện và kiểm tra, thanh tra việc thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội trên địa bàn.
3. Quy định tại Mục 2 Chương này không áp dụng cho việc phát triển nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp, việc phát triển nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân, cá nhân tự xây dựng hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở, trừ trường hợp các mục 3, 4 và 5 Chương này có quy định dẫn chiếu áp dụng quy định tại Mục 2 Chương này.
Nhà nước tạo điều kiện về chỗ ở: Nhà nước có chính sách để phát triển nhà ở, đảm bảo mọi người dân có chỗ ở ổn định.
Kết hợp nhiều bên: Chính sách thực hiện có sự phối hợp giữa Nhà nước, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư, dòng họ và người được hỗ trợ.
Công khai, minh bạch: Việc hỗ trợ đảm bảo minh bạch, có sự giám sát từ các cơ quan có thẩm quyền, cộng đồng dân cư và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Đúng đối tượng, đủ điều kiện: Chỉ những đối tượng đủ điều kiện theo quy định mới được hưởng chính sách.
Ưu tiên một chính sách cao nhất: Nếu một đối tượng đủ điều kiện hưởng nhiều chính sách hỗ trợ, sẽ áp dụng chính sách có mức hỗ trợ cao nhất. Nếu có nhiều người cùng đủ điều kiện, ưu tiên theo thứ tự: người có công, thân nhân liệt sĩ, người khuyết tật, người tái định cư, nữ giới.
Chính sách cho hộ gia đình: Nếu trong hộ có nhiều người đủ điều kiện hưởng hỗ trợ, chỉ áp dụng một chính sách cho cả hộ gia đình.
Ngoài ra, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức, kiểm tra, và giám sát việc thực hiện các chính sách hỗ trợ này tại địa phương.
Lưu ý: Quy định về nhà ở thuộc tài sản công theo Mục 2 Chương II Luật Nhà ở 2023 không áp dụng cho việc phát triển nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp, việc phát triển nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân, cá nhân tự xây dựng hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở, trừ trường hợp các mục 3, 4 và 5 Chương II Luật Nhà ở 2023 có quy định dẫn chiếu áp dụng.