Quyền của đối tượng thanh tra được quy định như thế nào?

Quyền của đối tượng thanh tra được quy định như thế nào? Nghĩa vụ của đối tượng thanh tra được quy định như thế nào?

Nội dung chính

    Quyền của đối tượng thanh tra được quy định như thế nào?

    Tại Điều 92 Luật Thanh tra 2022 (có hiệu lực từ ngày 01/7/2023) có quy định về quyền của đối tượng thanh tra như sau:

    1. Đối tượng thanh tra có quyền sau đây:

    a) Giải trình về vấn đề có liên quan đến nội dung thanh tra;

    b) Khiếu nại về quyết định, hành vi của người tiến hành thanh tra trong quá trình thanh tra; khiếu nại quyết định xử lý về thanh tra theo quy định của pháp luật về khiếu nại; kiến nghị về nội dung trong kết luận thanh tra khi cho rằng nội dung đó chưa chính xác;

    c) Yêu cầu bồi thường thiệt hại, khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

    2. Cá nhân là đối tượng thanh tra có quyền tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật của người tiến hành thanh tra theo quy định của pháp luật về tố cáo.

    Hình từ Internet

    Nghĩa vụ của đối tượng thanh tra được quy định như thế nào?

    Tại Điều 93 Luật Thanh tra 2022 (có hiệu lực từ ngày 01/7/2023) có quy định về nghĩa vụ của đối tượng thanh tra như sau:

    1. Chấp hành quyết định thanh tra.

    2. Cung cấp kịp thời, đầy đủ, chính xác thông tin, tài liệu theo yêu cầu của người tiến hành thanh tra và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của thông tin, tài liệu đã cung cấp.

    3. Thực hiện yêu cầu, kiến nghị, kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra của người tiến hành thanh tra và của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền.

    Khiếu nại, kiến nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc thanh tra được quy định như thế nào?

    Tại Điều 94 Luật Thanh tra 2022 (có hiệu lực từ ngày 01/7/2023) có quy định về khiếu nại, kiến nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc thanh tra như sau:

    Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan có quyền khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính của người tiến hành thanh tra và quyết định xử lý về thanh tra theo quy định của pháp luật về khiếu nại khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình; kiến nghị về nội dung trong kết luận thanh tra khi cho rằng nội dung đó chưa chính xác.

    Thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại trong hoạt động thanh tra được quy định như thế nào?

    Tại Điều 95 Luật Thanh tra 2022 (có hiệu lực từ ngày 01/7/2023) có quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại trong hoạt động thanh tra như sau:

    1. Thủ trưởng cơ quan thanh tra giải quyết khiếu nại đối với các quyết định, hành vi của mình, của Trưởng đoàn thanh tra, thành viên khác của Đoàn thanh tra.

    2. Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước giải quyết khiếu nại đối với quyết định xử lý về thanh tra của mình và của các cơ quan, cá nhân thuộc quyền quản lý trực tiếp của mình.

    3. Trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại trong hoạt động thanh tra được thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại.

    Tố cáo, kiến nghị, phản ánh và giải quyết tố cáo, kiến nghị, phản ánh về hoạt động thanh tra như thế nào?

    Tại Điều 96 Luật Thanh tra 2022 (có hiệu lực từ ngày 01/7/2023) có quy định về tố cáo, kiến nghị, phản ánh và giải quyết tố cáo, kiến nghị, phản ánh về hoạt động thanh tra như sau:

    1. Việc tố cáo và giải quyết tố cáo về hoạt động thanh tra được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố cáo.

    2. Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước, Thủ trưởng cơ quan thanh tra có trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết kịp thời, đúng pháp luật kiến nghị về nội dung trong kết luận thanh tra; thông báo bằng văn bản về kết quả giải quyết cho người kiến nghị.

    3. Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước, Thủ trưởng cơ quan thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm tiếp nhận và xử lý kiến nghị, phản ánh về hoạt động thanh tra.

    4. Chính phủ quy định chi tiết thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết kiến nghị về nội dung trong kết luận thanh tra và kiến nghị, phản ánh về hoạt động thanh tra.

     

    Trách nhiệm của người ra quyết định thanh tra và Thủ trưởng cơ quan, đơn vị quản lý trực tiếp người là thành viên Đoàn thanh tra như thế nào?

    Tại Điều 97 Luật Thanh tra 2022 (có hiệu lực từ ngày 01/7/2023) có quy định về trách nhiệm của người ra quyết định thanh tra và Thủ trưởng cơ quan, đơn vị quản lý trực tiếp người là thành viên Đoàn thanh tra như sau:

    1. Người ra quyết định thanh tra có trách nhiệm giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra.

    Trong trường hợp cần thiết, người ra quyết định thanh tra ra quyết định giao công chức hoặc thành lập Tổ giám sát thực hiện giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra (sau đây gọi chung là người thực hiện giám sát), trong đó xác định rõ nội dung, thành phần, thời gian và phương thức giám sát. Quyết định giám sát được ban hành cùng thời điểm ban hành quyết định thanh tra hoặc trong quá trình tiến hành thanh tra khi có thông tin, phản ánh, kiến nghị, tố cáo về hoạt động của Đoàn thanh tra.

    2. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị quản lý trực tiếp người là thành viên Đoàn thanh tra có trách nhiệm giám sát người đó trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thanh tra.

    Trân trọng!

    36