Thứ 6, Ngày 08/11/2024

Quy cách mốc địa giới hành chính các cấp

Quy cách mốc địa giới hành chính các cấp được quy định như thế nào?

Nội dung chính

    Quy cách mốc địa giới hành chính các cấp

    Quy cách mốc địa giới hành chính các cấp quy định tại Khoản 1 Điều 8 Thông tư 48/2014/TT-BTNMT quy định kỹ thuật về xác định đường địa giới hành chính, cắm mốc địa giới và lập hồ sơ địa giới hành chính các cấp do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành. Cụ thể như sau:

    Mốc ĐGHC được chia thành 3 cấp: xã, huyện, tỉnh và được sử dụng phù hợp cho từng cấp hành chính tương ứng. Tùy theo điều kiện địa hình cụ thể để thiết kế và triển khai lựa chọn một trong ba loại mốc sau đây:

    1.1. Mốc chôn: sử dụng cho tất cả các vùng, mốc được đúc bằng bê tông cốt sắt, đạt mác M25 (39 TCVN 6025 1995) trở lên. Mốc có lõi sắt F8 dài 15cm phía trên có dấu chữ thập làm tâm mốc. Mốc có thể được đúc sẵn rồi chôn hoặc đổ trực tiếp tại thực địa. Quy cách mốc chôn được quy định tại Phụ lục 01 ban hành kèm theo Thông tư này.

    1.2. Mốc gắn: sử dụng trong trường hợp vị trí cắm mốc được chọn trên nền đá. Mốc có kích thước bề mặt 30cm x 30cm, có chiều cao tối thiểu 20cm so với mặt đá và được trát phẳng các mặt. Mốc được đúc bằng bê tông cốt sắt, đạt mác M25 trở lên. Mốc có lõi sắt F8 dài 15cm phía trên có dấu chữ thập làm tâm mốc.

    1.3. Mốc chôn ngang bằng mặt hè phố, đường giao thông: Được sử dụng trong trường hợp vị trí cắm mốc được chọn là hè phố hoặc đường giao thông. Mốc có kích thước bề mặt là 40cm x 40cm, có chiều cao 40cm. Mốc được đúc bằng bê tông cốt sắt, đạt mác M25 trở lên. Mốc có lõi sắt 08 dài 15cm phía trên có dấu chữ thập làm tâm mốc ngang bằng mặt mốc.

    1.4. Ghi chú trên mặt mốc

    a) Đối với mốc chôn ghi chú thành 3 hàng được viết bằng chữ in hoa:

    - Hàng trên: “ĐỊA GIỚI TỈNH” (HUYỆN, XÃ) hoặc có thể viết tắt chữ địa giới Đ.G.

    - Hàng giữa: Tên đơn vị hành chính.

    - Hàng dưới: số đầu là số đơn vị hành chính cùng chung mốc, sau đó là chữ ‘T”, “H” hoặc “X” tương ứng với mốc cấp tỉnh, huyện hoặc xã, tiếp theo là dấu chấm và số thứ tự của mốc.

    - Các ghi chú trên mặt mốc phải khắc chìm sâu khoảng 0,5 cm. Các chữ, số có kích thước cao 3cm, rộng 2cm; nét chữ khoảng 0,5cm. Hàng chữ trên cùng cách mép trên khoảng 5cm - 6cm, giãn cách giữa các hàng chữ khoảng 2,5cm - 3,0cm.

    b) Mốc gắn trên nền đá và mốc chôn ngang bằng mặt hè phố, đường giao thông:

    - Trên mặt mốc, cách mép trên 5cm là dòng chữ “MỐC ĐỊA GIỚI” cao 6cm, rộng 3cm. Ở giữa là vòng tròn, trong đó phía trên ghi số hiệu mốc, phía dưới là chữ số khoảng cách đến điểm giao nhau của đường ĐGHC các cấp. Phía ngoài vòng tròn là phạm vi của các đơn vị hành chính và mũi tên chỉ hướng đến điểm giao nhau của đường ĐGHC các cấp. Kích thước các chữ, số là cao 4cm và rộng 2cm. Các ghi chú, chữ và số đều khắc chìm, nét chữ khoảng 0,5cm.

    Chi tiết các ghi chú trên mặt mốc xem tại Phụ lục 02 ban hành kèm theo Thông tư này.

    Trên đây là nội dung câu trả lời về quy cách mốc địa giới hành chính các cấp. Để hiểu rõ và chi tiết hơn về vấn đề này bạn có thể tìm đọc và tham khảo thêm tại Thông tư 48/2014/TT-BTNMT.

    Trân trọng!

    4