Pháp đã cho xây dựng ở Điện Biên Phủ bao nhiêu phân khu với bao nhiêu cứ điểm?
Nội dung chính
Pháp đã cho xây dựng ở Điện Biên Phủ bao nhiêu phân khu với bao nhiêu cứ điểm?
Giữa tháng 11/1953, thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quân đội ta mở nhiều cuộc tiến công buộc địch phải phân tán lực lượng cơ động và bị động đối phó. Tây Bắc được chọn là hướng tiến công chính, mở đầu chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954. Vừa biết hướng tiến công của ta, Navarre quyết định chuyển quân lên Điện Biên Phủ.
Điện Biên Phủ được coi là một cứ điểm án ngữ, ngăn chặn Quân đội ta đánh sang Thượng Lào và là bàn đạp để từ đây đánh bung ra chiếm lại Tây Bắc khi xác lập được thế tiến công.
Trong khu vực dài hơn 10 km, rộng 5 km, quân Pháp tổ chức hệ thống liên hoàn 49 cứ điểm, mỗi cứ điểm có hệ thống công sự, hàng rào vật cản, hỏa lực có thể chiến đấu độc lập. Cứ điểm gần nhau hợp thành trung tâm đề kháng, đặt theo tên phụ nữ Pháp, và chia thành 3 phân khu.
- Phân khu trung tâm nằm ở giữa Mường Thanh, gồm 5 trung tâm đề kháng: Dominique (đồi E) phòng ngự ở hướng đông bắc; Eliane (đồi C1) phòng ngự hướng đông và đông nam; Claudine - trung tâm đề kháng nam sân bay Mường Thanh - phòng ngự hướng tây nam; Huguette - trung tâm đề kháng tây sân bay - trực tiếp bảo vệ sân bay; Béatrice - trung tâm đề kháng Him Lam - phòng ngự đột xuất ở đông bắc.
Phân khu này quan trọng nhất bởi tiếp nhận tất cả trung tâm chỉ huy, bộ phận hỗ trợ, trong đó có quân y.
- Phân khu Bắc gồm 2 trung tâm đề kháng Gabriel (đồi Độc lập) và Anne-Marie (Bản Kéo). Hai nơi này cùng với trung tâm đề kháng Him Lam tạo thành trận địa phòng ngự tiền duyên án ngữ phía Bắc, ngăn chặn sự tiến công của Việt Minh từ hướng Bắc và Đông Bắc.
- Phân khu Nam chỉ có một cứ điểm Isabelle (Hồng Cúm) nằm cách trung tâm chỉ huy của GONO khoảng 6 km, có nhiệm vụ ngăn chặn Việt Minh tiến công từ phía Nam lên.
Pháp đã cho xây dựng ở Điện Biên Phủ bao nhiêu phân khu với bao nhiêu cứ điểm? (Hình từ Internet)
Việc kỷ niệm ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ được quy định như thế nào?
Căn cứ vào Điều 9 Nghi định 145/2013/NĐ-CP, quy định về việc kỷ niệm Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ như sau:
(1) Năm lẻ 5, năm khác:
- Tại tỉnh Điện Biên, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Điện Biên dâng hoa tại Tượng đài Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên Phủ;
- Tổ chức các hoạt động tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương.
(2) Năm tròn:
- Tổ chức lễ kỷ niệm cấp quốc gia: Lễ kỷ niệm tại tỉnh Điện Biên hoặc Hà Nội do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định;
Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tỉnh Điện Biên tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm;
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước (1 trong 4 chức danh: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội), nguyên Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và đại điện lãnh đạo Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Điện Biên dự lễ kỷ niệm;
Việc mời khách nước ngoài do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định;
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đọc diễn văn kỷ niệm;
- Trong trường hợp lễ kỷ niệm tổ chức tại Hà Nội, Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nguyên Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, tỉnh Điện Biên và thành phố Hà Nội vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Đài Tưởng niệm. Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức các hoạt động này;
- Các hoạt động khác được tổ chức như đối với năm lẻ 5, năm khác.