Thà hy sinh quyết bảo vệ pháo là câu nói của ai?
Nội dung chính
Thà hy sinh quyết bảo vệ pháo là câu nói của ai?
Năm 1946, Tô Vĩnh Diện tham gia dân quân địa phương, đến tháng 7/1949 anh xung phong nhập ngũ. Tháng 5/1953, quân đội ta thành lập các đơn vị cao xạ chuẩn bị cho đánh lớn, Tô Vĩnh Diện được điều về làm Tiểu đội trưởng đơn vị pháo cao xạ 37 ly thuộc Đại đội 827, Tiểu đoàn 394, Trung đoàn 367.
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, theo lệnh của Bộ chỉ huy chiến dịch, bộ đội ta đã kéo pháo vào trận địa bằng tay để chuẩn bị tiêu diệt tập đoàn cứ điểm theo phương châm “Đánh nhanh thắng nhanh”. Căn cứ vào tình hình lúc bấy giờ, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp thay đổi phương châm “Đánh chắc, tiến chắc”, bộ đội ta lại kéo pháo ra.
Việc kéo pháo vào rất gian nan và vất vả, hoàn toàn dùng bằng sức người. Vì đường kéo pháo nằm trong tầm bắn của địch, liên tiếp có những trận mưa bom bão đạn nên việc kéo pháo của ta chỉ thực hiện vào ban đêm.
Qua 5 đêm kéo pháo ra đến dốc Chuối - một con dốc cao, đường hẹp và cong rất nguy hiểm. Tô Vĩnh Diện và đồng chí Ty đã xung phong lái pháo. Nửa chừng, dây tời bị đứt, pháo lao xuống dốc, anh vẫn bình tĩnh giữ càng, lái cho pháo xuống thẳng đường.
Một trong bốn dây kéo lại bị đứt, pháo càng lao nhanh, đồng chí Ty bị hất xuống suối. Trước hoàn cảnh hiểm nghèo đó, Tô Vĩnh Diện hô anh em “Thà hy sinh quyết bảo vệ pháo” và đồng chí buông tay lái xông lên trước, lấy thân mình chèn bánh xe pháo. Anh hùng tô Vĩnh Diện lấy thân mình chèn pháo.
Như vậy câu nói Thà hy sinh quyết bảo vệ pháo là câu nói của anh hùng Tô Vĩnh Diện.
Thà hy sinh quyết bảo vệ pháo là câu nói của ai? (Ảnh từ Internet)
Việc kỷ niệm Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ quy định như thế nào?
Căn cứ Điều 9 Nghị định 145/2013/NĐ-CP quy định về Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ thì việc kỷ niệm Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ quy định như sau:
(1) Năm lẻ 5, năm khác:
- Tại tỉnh Điện Biên, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Điện Biên dâng hoa tại Tượng đài Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên Phủ;
- Tổ chức các hoạt động tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương.
(2) Năm tròn:
- Tổ chức lễ kỷ niệm cấp quốc gia: Lễ kỷ niệm tại tỉnh Điện Biên hoặc Hà Nội do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định;
Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tỉnh Điện Biên tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm;
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước (1 trong 4 chức danh: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội), nguyên Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và đại điện lãnh đạo Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Điện Biên dự lễ kỷ niệm;
Việc mời khách nước ngoài do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định;
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đọc diễn văn kỷ niệm;
- Trong trường hợp lễ kỷ niệm tổ chức tại Hà Nội, Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nguyên Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, tỉnh Điện Biên và thành phố Hà Nội vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Đài Tưởng niệm. Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức các hoạt động này;
- Các hoạt động khác được tổ chức như đối với năm lẻ 5, năm khác.
Quy định về nền quốc phòng toàn dân hiện nay quy định như thế nào?
Căn cứ tại Điều 7 Luật Quốc phòng 2018 có quy định về nền quốc phòng toàn dân như sau:
- Nền quốc phòng toàn dân là sức mạnh quốc phòng của đất nước, được xây dựng trên nền tảng chính trị, tinh thần, nhân lực, vật lực, tài chính, mang tính chất toàn dân, toàn diện, độc lập, tự chủ, tự cường.
- Nội dung cơ bản xây dựng nền quốc phòng toàn dân bao gồm:
+ Xây dựng chiến lược bảo vệ Tổ quốc, kế hoạch phòng thủ đất nước; nghiên cứu phát triển nghệ thuật quân sự Việt Nam; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân và hệ thống chính trị vững mạnh;
+ Xây dựng thực lực, tiềm lực quốc phòng; xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh, có sức chiến đấu cao, làm nòng cốt bảo vệ Tổ quốc;
+ Xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật; phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh, khoa học, công nghệ quân sự; huy động tiềm lực khoa học, công nghệ của Nhà nước và Nhân dân phục vụ quốc phòng; ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ quân sự phù hợp để xây dựng đất nước;
+ Xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch bảo đảm nhu cầu dự trữ quốc gia cho quốc phòng; chuẩn bị các điều kiện cần thiết bảo đảm động viên quốc phòng;
+ Xây dựng phòng thủ quân khu, khu vực phòng thủ vững chắc toàn diện, hợp thành phòng thủ đất nước; củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh ở các vùng chiến lược, trọng điểm, biển, đảo, khu vực biên giới, địa bàn xung yếu; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân trong phạm vi cả nước;
+ Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch, biện pháp về chiến tranh thông tin, chiến tranh không gian mạng;
+ Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch, biện pháp phòng thủ dân sự trong phạm vi cả nước;
+ Đối ngoại quốc phòng;
+ Kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội và kinh tế - xã hội với quốc phòng; kết hợp quốc phòng với an ninh, đối ngoại;
+ Xây dựng và bảo đảm chế độ, chính sách đối với lực lượng vũ trang nhân dân, thân nhân của người phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân;
+ Tuyên truyền, phổ biến đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quốc phòng; thực hiện giáo dục quốc phòng và an ninh.