Phấn đấu hoàn thành 3000 km đường bộ cao tốc trong năm 2025

Chuyên viên pháp lý: Đỗ Trần Quỳnh Trang
Tham vấn bởi Luật sư: Phạm Thanh Hữu
Phấn đấu hoàn thành bao nhiêu km đường bộ cao tốc trong năm 2025 theo Nghị quyết của Chính phủ?

Nội dung chính

    Phấn đấu hoàn thành 3000 km đường bộ cao tốc trong năm 2025? 

    Ngày 08/01/2025, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP năm 2025 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2025.

    Nghị quyết 01/NQ-CP năm 2025 đề ra 12 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2025.

    Trong đó, việc hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, ưu tiên công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia, hệ thống đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao, các dự án có tính liên vùng và hạ tầng đô thị lớn, hạ tầng chuyển đổi số; kết nối hệ thống cao tốc với sân bay, cảng biển và triển khai hệ thống đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị như sau: 

    (1) Tập trung nguồn lực, phấn đấu hoàn thành mục tiêu cả nước có 3.000 km đường bộ cao tốc và trên 1.000 km đường bộ ven biển vào năm 2025. Đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án thành phần đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025; các dự án quan trọng, động lực như Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội, Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột, Biên Hoà - Vũng Tàu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Cao Lãnh - An Hữu, Hoà Liên - Tuý Loan, Cao Lãnh - Lộ Tẻ, Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, các dự án nối thông đường Hồ Chí Minh...;

    Phấn đấu cơ bản hoàn thành Cảng hàng không quốc tế Long Thành, các cảng khu vực Lạch Huyện, khởi công xây dựng bến cảng Liên Chiểu; hoàn thành thủ tục đầu tư cảng biển quốc tế Cần Giờ; đưa vào khai thác nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, T2 Nội Bài. Đẩy nhanh thủ tục chuẩn bị đầu tư các dự án hạ tầng giao thông chiến lược, quan trọng quốc gia; đặc biệt là các tuyến đường cao tốc giai đoạn 2026 - 2030, kịp thời nâng cấp, mở rộng một số tuyến đường cao tốc phân kỳ theo quy mô quy hoạch;

    Phấn đấu hoàn thành thủ tục và khởi công đầu tư trong năm 2025 đối với tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; chuẩn bị đầu tư tuyến đường sắt Lạng Sơn - Hà Nội, Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng và đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị hoàn thiện thủ tục đầu tư toàn tuyến dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.

    (2) Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các dự án hạ tầng quy mô lớn, đặc biệt là trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; bảo đảm nguồn cung nguyên vật liệu, kiểm soát giá nguyên vật liệu, chỉ tiêu sử dụng đất để đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng các dự án cao tốc.

    Có giải pháp đột phá, thiết thực, hiệu quả, nhất là cơ chế chính sách để thu hút đầu tư các dự án kết cấu hạ tầng theo phương thức đối tác công tư; đồng thời, báo cáo cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương, cơ chế, chính sách để xử lý dứt điểm tồn tại, vướng mắc một số dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

    Tiếp tục rà soát, hoàn thiện, bổ sung các định mức xây dựng để phục vụ các dự án trọng điểm của ngành giao thông; suất vốn đầu tư và giá xây dựng tổng hợp để phục vụ công tác quản lý chi phí đầu tư xây dựng, đặc biệt là đối với các dự án đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao.

    Khẩn trương triển khai thu phí các đường cao tốc và bán quyền thu phí đường cao tốc theo quy định để có nguồn lực tiếp tục đầu tư hạ tầng chiến lược.

    Phấn đấu hoàn thành 3000 km đường bộ cao tốc trong năm 2025 (Hình từ internet)

    Phấn đấu hoàn thành 3000 km đường bộ cao tốc trong năm 2025 (Hình từ internet)

    Chính sách phát triển đường cao tốc năm 2025?

    Chính sách phát triển đường cao tốc thực hiện theo quy định tại Điều 4 của Luật Đường bộ 2024 cụ thể như sau:

    (1) Chính sách phát triển kết cấu hạ tầng đường bộ bao gồm 03 nội dung sau:

    - Tập trung các nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng đường bộ hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu, thân thiện với môi trường; kết nối đồng bộ các tuyến đường bộ, các phương thức vận tải khác với vận tải đường bộ.

    - Xây dựng cơ chế đẩy mạnh huy động các nguồn lực xã hội, đa dạng các hình thức, phương thức đầu tư, xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ.

    - Ưu tiên phát triển các tuyến đường cao tốc, các công trình, dự án đường bộ trọng điểm kết nối vùng, khu vực, đô thị lớn, trung tâm trong nước và quốc tế; kết cấu hạ tầng đường bộ vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo, biên giới; kết cấu hạ tầng đường bộ dễ tiếp cận và bảo đảm an toàn cho các đối tượng dễ bị tổn thương; kết cấu hạ tầng đường bộ tại các đô thị để giảm ùn tắc giao thông; các tuyến đường tuần tra biên giới, đường ven biển để phục vụ mục tiêu kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh.

    (2) Phát triển hợp lý các loại hình kinh doanh vận tải; tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các loại hình kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; phát triển giao thông thông minh; ưu tiên phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt và các phương tiện vận tải khác.

    (3) Khuyến khích, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài đầu tư, kinh doanh khai thác kết cấu hạ tầng đường bộ và hoạt động vận tải đường bộ; nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến, vật liệu bền vững, thân thiện với môi trường và đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực đường bộ.

    Đồng thời, Điều 46 Luật Đường bộ 2024 quy định chính sách phát triển đường cao tốc thực hiện theo quy định tại Điều 4 Luật Đường bộ 2024 và các quy định sau đây:

    (1) Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân sử dụng các nguồn lực tham gia đầu tư, xây dựng, vận hành, khai thác và bảo trì công trình đường cao tốc theo phương thức đối tác công tư và hình thức khác theo quy định của pháp luật.

    (2) Bảo đảm ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước để đầu tư, xây dựng các dự án có yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh; dự án đi qua địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; dự án kết nối tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội và dự án khác không thu hút được nguồn vốn ngoài ngân sách.

    (3) Nhà nước ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước, nguồn lực khác trong các trường hợp sau đây:

    - Thực hiện nghĩa vụ của Nhà nước theo quy định của pháp luật và hợp đồng dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

    - Mở rộng, nâng cấp đường cao tốc đang đầu tư hoặc đã khai thác theo quy mô phân kỳ.

    20
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ