Người lao động phải trực tiếp giao kết hợp đồng lao động trong mọi trường hợp không? Người lao động chỉ được làm tối đa 02 công ty đúng hay sai?
Nội dung chính
Người lao động phải trực tiếp giao kết hợp đồng lao động trong mọi trường hợp?
Căn cứ Khoản 1, Khoản 2 Điều 18 Bộ luật Lao động 2019 quy định thẩm quyền giao kết hợp đồng lao động như sau:Người lao động trực tiếp giao kết hợp đồng lao động, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
Đối với công việc theo mùa vụ, công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng thì nhóm người lao động từ đủ 18 tuổi trở lên có thể ủy quyền cho một người lao động trong nhóm để giao kết hợp đồng lao động; trong trường hợp này, hợp đồng lao động phải được giao kết bằng văn bản và có hiệu lực như giao kết với từng người lao động.
Hợp đồng lao động do người được ủy quyền ký kết phải kèm theo danh sách ghi rõ họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú và chữ ký của từng người lao động.
Theo đó, không phải mọi trường hợp người lao động trực tiếp giao kết hợp đồng lao động mà khi áp dụng với công việc theo mùa vụ, công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng thì nhóm người lao động từ đủ 18 tuổi trở lên có thể ủy quyền cho một người lao động trong nhóm để giao kết hợp đồng lao động.
Người lao động phải trực tiếp giao kết hợp đồng lao động trong mọi trường hợp? (Hình từ internet)
Người lao động chỉ được làm tối đa 02 công ty đúng hay sai?
Theo Điều 19 Bộ luật Lao động 2019 quy định về giao kết nhiều hợp đồng lao động như sau:Người lao động có thể giao kết nhiều hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động nhưng phải bảo đảm thực hiện đầy đủ các nội dung đã giao kết.
Người lao động đồng thời giao kết nhiều hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động thì việc tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp được thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và an toàn, vệ sinh lao động.
Như vậy, theo quy định pháp luật về lao động cụ thể trong Bộ luật lao động 2019 trên thì không cấm hay hạn chế đối với vấn đề giao kết nhiều hợp đồng lao động của người lao động. Tuy nhiên, cần chú ý vấn đề khi làm việc tại nhiều nơi thì vẫn phải tuân thủ về việc tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định pháp luật. Do đó, bạn có thể căn cứ quy định trên cũng như sắp xếp công việc một cách phù hợp nhất nhưng vẫn đảm bảo được quyền lợi của mình tránh trường hợp chồng chéo về mặt thời gian ở các công ty mình tham gia ký kết.
Người sử dụng lao động có được can thiệp vào quyền tự quyết chi tiêu lương của người lao động không?
Tại Khoản 2 Điều 94 Bộ luật Lao động 2019 quy định về nguyên tắc trả lương như sau:
Người sử dụng lao động phải trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn cho người lao động. Trường hợp người lao động không thể nhận lương trực tiếp thì người sử dụng lao động có thể trả lương cho người được người lao động ủy quyền hợp pháp.
Người sử dụng lao động không được hạn chế hoặc can thiệp vào quyền tự quyết chi tiêu lương của người lao động; không được ép buộc người lao động chi tiêu lương vào việc mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ của người sử dụng lao động hoặc của đơn vị khác mà người sử dụng lao động chỉ định.
Thế nên, về nguyên tắc thì người sử dụng lao động không được hạn chế hoặc can thiệp vào quyền tự quyết chi tiêu lương của người lao động; không được ép buộc người lao động chi tiêu lương vào việc mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ theo quy định trên. Đây là số tiền và việc sử dụng hoàn toàn phụ thuộc vào người lao động.