Nghị quyết 18 về tinh gọn bộ máy, sáp nhập các bộ ngành Ban Chấp hành Trung ương ra sao?
Nội dung chính
Nghị quyết 18 về tinh gọn bộ máy, sáp nhập các bộ ngành Ban Chấp hành Trung ương ra sao?
Ngày 25/10/2017, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam ban hành Nghị quyết 18-NQ/TW năm 2017 Hội nghị lần thứ 6 BCHTW khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả do Ban Chấp hành Trung ương ban hành.
Nghị quyết 18-NQ/TW năm 2017 ban hành với mục tiêu tổng quát như sau:
- Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhằm tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng;
+ Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước và chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội;
+ Phát huy quyền làm chủ của nhân dân.
- Tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng, sử dụng hiệu quả đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; giảm chi thường xuyên và góp phần cải cách chính sách tiền lương.
Tải về Xem chi tiết Nghị quyết 18-NQ/TW năm 2017 tại đây |
Nghị quyết 18 về tinh gọn bộ máy, sáp nhập các bộ ngành Ban Chấp hành Trung ương ra sao? (Hình từ Internet)
Tên dự kiến của 5 bộ sau khi sáp nhập các bộ ngành theo Kế hoạch 141
Căn cứ theo điểm b tiểu mục 2.2 Mục 2 Chương II Kế hoạch định hướng 141/KH-BCĐTKNQ18 năm 2024 quy định về tên dự kiến của 5 bộ sau khi sáp nhập các bộ ngành như sau:
(1) Bộ Tài chính và Đầu tư phát triển hoặc Bộ Kinh tế phát triển
- Hợp nhất Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính.
- Tên Bộ sau sắp xếp dự kiến là Bộ Tài chính và Đầu tư phát triển hoặc Bộ Kinh tế phát triển (thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các ngành, lĩnh vực hiện đang giao cho Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư).
(2) Bộ Phát triển Hạ tầng hoặc Bộ Giao thông và Xây dựng đô thị, nông thôn
- Hợp nhất Bộ Giao thông vận tải và Bộ Xây dựng.
- Tên Bộ sau sắp xếp dự kiến là Bộ Phát triển Hạ tầng hoặc Bộ Giao thông và Xây dựng đô thị, nông thôn (thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các ngành, lĩnh vực hiện đang giao cho Bộ Giao thông vận tải và Bộ Xây dựng).
(3) Bộ Nông nghiệp và Tài nguyên, Môi trường
- Hợp nhất Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
- Tên Bộ sau sắp xếp dự kiến là Bộ Nông nghiệp và Tài nguyên, Môi trường (thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các ngành, lĩnh vực hiện đang giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), khắc phục được một số giao thoa trong thực hiện nhiệm vụ quản lý về nguồn nước, lưu vực sông và đa dạng sinh học.
(4) Bộ Khoa học, Công nghệ và Chuyển đổi số hoặc Bộ Khoa học, Công nghệ, Chuyển đổi số và Truyền thông
- Hợp nhất Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Khoa học và Công nghệ.
- Tên Bộ sau sắp xếp dự kiến là Bộ Khoa học, Công nghệ và Chuyển đổi số hoặc Bộ Khoa học, Công nghệ, Chuyển đổi số và Truyền thông (thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các ngành, lĩnh vực hiện đang giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Khoa học và Công nghệ).
(5) Bộ Nội vụ và Lao động
- Hợp nhất Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Nội vụ thành Bộ Nội vụ và Lao động và chuyển chức năng quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp sang Bộ Giáo dục và Đào tạo, chuyển chức năng quản lý nhà nước về bảo trợ xã hội, trẻ em, phòng, chống tệ nạn xã hội sang Bộ Y tế.
Như vậy, tên dự kiến của 5 bộ sau khi sáp nhập các bộ ngành theo Kế hoạch định hướng 141/KH-BCĐTKNQ18 năm 2024 như trên.
Định hướng kế hoạch sắp xếp sau khi sáp nhập các bộ ngành đối với các bộ, cơ quan ngang bộ
Căn cứ theo mục 3.2 Mục 3 Chương II Kế hoạch định hướng 141/KH-BCĐTKNQ18 năm 2024 quy định về kế hoạch sắp xếp các tổ chức bên trong bộ, cơ quan ngang bộ sau khi sáp nhập các bộ ngành đối với các bộ, cơ quan ngang bộ như sau:
(1) Đối với đơn vị sự nghiệp thuộc cơ cấu tổ chức
- Chỉ duy trì tối đa 05 đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện chức năng phục vụ quản lý nhà nước thuộc cơ cấu tổ chức của Bộ, ngành (gồm: Viện; tạp chí; báo; trung tâm thông tin; trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức); đồng thời sắp xếp tổ chức bên trong của các đơn vị sự nghiệp công lập, bảo đảm tinh gọn và đáp ứng tiêu chí thành lập tổ chức theo quy định, trong đó:
+ Viện: Đề nghị sắp xếp, tổ chức lại theo hướng thu gọn đầu mối trên cơ sở thực hiện nguyên tắc một đơn vị sự nghiệp công lập cung ứng nhiều dịch vụ sự nghiệp công cùng loại theo yêu cầu của Nghị quyết 19-NQ/TW năm 2017 và phù hợp với quy hoạch mạng lưới các tổ chức khoa học công nghệ công lập.
+ Báo, Tạp chí: Đề nghị các Bộ, cơ quan ngang Bộ thực hiện phương án sắp xếp các đơn vị này, bảo đảm mỗi Bộ, cơ quan ngang Bộ chỉ có 01 cơ quan báo (gồm: báo in, báo điện tử và Cổng Thông tin điện tử của Bộ, ngành) và 01 tạp chí khoa học chuyên ngành (chỉ duy trì đối với các tạp chí có uy tín về khoa học trên thế giới và trong nước).
(2) Đối với đơn vị sự nghiệp công lập ngoài cơ cấu tổ chức
- Chỉ giữ lại các đơn vị thuộc bộ, ngành phục vụ nhiệm vụ chính trị và các đơn vị đầu ngành gắn với chức năng, nhiệm vụ của bộ, ngành đáp ứng đầy đủ tiêu chí, điều kiện thành lập theo quy định, phù hợp với quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập theo ngành, lĩnh vực; chuyển đổi thành công ty cổ phần khi đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật. Đồng thời, rà soát, sắp xếp tổ chức bên trong của các đơn vị sự nghiệp công lập, bảo đảm đáp ứng tiêu chí thành lập tổ chức theo quy định của Chính phủ và yêu cầu tinh gọn tổ chức bộ máy.
- Cơ sở giáo dục nghề nghiệp (trường cao đẳng, trường trung cấp): Thực hiện sắp xếp theo Quyết định 73/QĐ-TTg năm 2023 phê duyệt quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, gồm 04 cấp: quốc gia, vùng, ngành, tỉnh, bảo đảm đến hết năm 2025, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tự bảo đảm chi thường xuyên.
- Học viện, đại học, trường đại học: Đến năm 2025 đề nghị tự bảo đảm chi thường xuyên, đồng thời rà soát, sắp xếp theo quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục và đào tạo gắn với nâng cao mức độ tự chủ về tài chính phù hợp với lộ trình tính đủ giá dịch vụ sự nghiệp công theo ngành, lĩnh vực.
- Đối với bệnh viện: Chỉ giữ lại các bệnh viện thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an; một số ít bệnh viện chuyên khoa đầu ngành, bệnh viện của các trường đại học; Đến hết năm 2025 các cơ sở khám chữa bệnh (trừ các cơ sở hoạt động trong lĩnh vực khám chữa bệnh đặc thù) là đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên trở lên.
- Đối với các đơn vị sự nghiệp thuộc văn phòng, cục thuộc bộ, cục thuộc tổng cục thuộc bộ: Đề nghị sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập cung ứng các dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu liên quan đến ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý; bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; các đơn vị sự nghiệp công lập khác phải tự bảo đảm chi thường xuyên trở lên.
- Đối với đơn vị sự nghiệp công lập còn lại: Yêu cầu nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động và mức độ tự chủ tài chính. Xây dựng phương án tự chủ về tài chính và chuyển đổi thành công ty cổ phần khi đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.
Như vậy, kế hoạch sắp xếp sau khi sáp nhập các bộ ngành đối với các bộ, cơ quan ngang bộ được thực hiện như trên.