Nghị quyết 19-NQ/TW năm 2017 về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập do Ban Chấp hành Trung ương ban hành

Số hiệu 19-NQ/TW
Ngày ban hành 25/10/2017
Ngày có hiệu lực 25/10/2017
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Ban Chấp hành Trung ương
Người ký Nguyễn Phú Trọng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG
--------

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
---------------

Số: 19-NQ/TW

Hà Nội, ngày 25 tháng 10 năm 2017

 

NGHỊ QUYẾT
HỘI NGHỊ LẦN THỨ SÁU
BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG KHOÁ XII

VỀ TIẾP TỤC ĐỔI MỚI HỆ THỐNG TỔ CHỨC VÀ QUẢN LÝ, NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG VÀ HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP

I- TÌNH HÌNH VÀ NGUYÊN NHÂN

1- Trong những năm qua, các cấp, các ngành đã tích cực triển khai chủ trương của Đảng về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, đạt được những kết quả bước đầu quan trọng. Hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập với đông đảo đội ngũ trí thức, các nhà khoa học, các nhà giáo dục và các nhà văn hoá đã có đóng góp to lớn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; góp phần thực hiện các mục tiêu giảm nghèo bền vững, hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi và phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới, nâng cao sức khoẻ nhân dân, góp phần bảo đảm bền vững môi trường, công bằng xã hội và hoàn thành cơ bản các mục tiêu Thiên niên kỷ.

Hệ thống cung ứng dịch vụ sự nghiệp công đã hình thành ở hầu hết các địa bàn, lĩnh vực; mạng lưới cơ sở giáo dục, y tế, văn hoá, thể thao trải rộng đến tận khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, địa bàn khó khăn, biên giới, hải đảo trong cả nước. Các đơn vị sự nghiệp công lập giữ vai trò chủ đạo, vị trí then chốt trong cung ứng dịch vụ sự nghiệp công và thực hiện chính sách an sinh xã hội. Hệ thống pháp luật về đơn vị sự nghiệp công từng bước được hoàn thiện. Việc thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp công lập đã đạt được kết quả bước đầu. Chính sách xã hội hoá cung ứng dịch vụ sự nghiệp công đã góp phần mở rộng mạng lưới, tăng quy mô, số lượng và nâng cao chất lượng các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập.

2- Tuy nhiên, tổ chức và hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập vẫn còn nhiều tồn tại, yếu kém và còn không ít những khó khăn, thách thức phải vượt qua. Nhiều văn bản pháp luật về đơn vị sự nghiệp công lập chậm được ban hành hoặc chưa kịp thời sửa đổi, bổ sung. Công tác đổi mới hệ thống tổ chức các đơn vị sự nghiệp công lập còn chậm. Quy hoạch mạng lưới đơn vị sự nghiệp công lập chủ yếu còn theo đơn vị hành chính, chưa chú trọng quy hoạch theo ngành, lĩnh vực, đặc điểm vùng miền và nhu cầu thực tế. Hệ thống tổ chức các đơn vị sự nghiệp còn cồng kềnh, manh mún, phân tán, chồng chéo; quản trị nội bộ yếu kém, chất lượng, hiệu quả dịch vụ thấp. Chi tiêu ngân sách nhà nước cho các đơn vị sự nghiệp công lập còn quá lớn, một số đơn vị thua lỗ, tiêu cực, lãng phí. Cơ cấu đội ngũ cán bộ, viên chức chưa hợp lý, chất lượng chưa cao, năng suất lao động thấp. Thực hiện cơ chế tự chủ tài chính còn hình thức, có phần thiếu minh bạch; việc chuyển đổi từ phí sang giá và lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ sự nghiệp công chưa kịp thời. Việc thực hiện xã hội hoá lĩnh vực dịch vụ sự nghiệp công còn chậm. Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước còn hạn chế. Công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát và xử lý sai phạm trong hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập còn bất cập.

3- Những hạn chế, yếu kém nêu trên chủ yếu là do nguyên nhân chủ quan. Việc thể chế hoá các chủ trương của Đảng thành chính sách, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực sự nghiệp công còn chậm, chưa đầy đủ, đồng bộ và phù hợp với tình hình. Nhiều cấp uỷ đảng, lãnh đạo và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị nhận thức chưa đầy đủ, thiếu quyết tâm chính trị, thiếu quyết liệt và đồng bộ trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện đổi mới, sắp xếp lại, quản lý biên chế các đơn vị sự nghiệp công lập; chưa chủ động chuyển các đơn vị sự nghiệp công lập sang hoạt động theo cơ chế tự chủ. Công tác tuyên truyền, quán triệt chủ trương, chính sách, pháp luật chưa thường xuyên; tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước trong thụ hưởng dịch vụ sự nghiệp công còn phổ biến.

II- QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO VÀ MỤC TIÊU

1- Quan điểm chỉ đạo

(1) Đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập là một trong những nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên hàng đầu, là nhiệm vụ chính trị vừa cấp bách, vừa lâu dài của tất cả các cấp uỷ đảng, chính quyền và toàn hệ thống chính trị.

(2) Nhà nước chăm lo, bảo đảm cung cấp dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu, nâng cao khả năng tiếp cận và chất lượng dịch vụ sự nghiệp công cho mọi tầng lớp nhân dân trên cơ sở giữ vững, phát huy tốt hơn nữa vai trò chủ đạo, vị trí then chốt, bản chất tốt đẹp, ưu việt, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận của các đơn vị sự nghiệp công lập.

(3) Đẩy mạnh xã hội hoá, nhất là trong các ngành, lĩnh vực và địa bàn mà khu vực ngoài công lập làm được và làm tốt; huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển lành mạnh thị trường dịch vụ sự nghiệp công trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Thực hiện công khai, minh bạch, không thương mại hoá. Bảo đảm công bằng, bình đẳng giữa các đơn vị sự nghiệp công lập và ngoài công lập.

(4) Thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong quá trình đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, gắn với đổi mới hệ thống chính trị và cải cách hành chính, đồng thời có lộ trình và bước đi phù hợp, có trọng tâm, trọng điểm; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, tổng kết thực tiễn để kịp thời bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách.

(5) Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm toàn diện về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, phát huy vai trò giám sát của người dân trong quá trình đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

2- Mục tiêu

2.1- Mục tiêu tổng quát

Đổi mới căn bản, toàn diện và đồng bộ hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập, bảo đảm tinh gọn, có cơ cấu hợp lý, có năng lực tự chủ, quản trị tiên tiến, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; giữ vai trò chủ đạo, then chốt trong thị trường dịch vụ sự nghiệp công; cung ứng dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu có chất lượng ngày càng cao. Giảm mạnh đầu mối, khắc phục tình trạng manh mún, dàn trải và trùng lắp; tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, viên chức. Giảm mạnh tỉ trọng, nâng cao hiệu quả chi ngân sách nhà nước cho đơn vị sự nghiệp công lập để cơ cấu lại ngân sách nhà nước, cải cách tiền lương và nâng cao thu nhập cho cán bộ, viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập. Phát triển thị trường dịch vụ sự nghiệp công và thu hút mạnh mẽ các thành phần kinh tế tham gia phát triển dịch vụ sự nghiệp công.

2.2- Mục tiêu cụ thể

Giai đoạn đến năm 2021

- Cơ bản hoàn thành việc thể chế hoá các chủ trương của Đảng về đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính và tổ chức lại hệ thống đơn vị sự nghiệp công lập.

- Giảm mạnh về đầu mối, tối thiểu bình quân cả nước giảm 10% đơn vị sự nghiệp công lập. Giảm tối thiểu 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2015. Cơ bản chấm dứt số hợp đồng lao động không đúng quy định trong các đơn vị sự nghiệp công lập (trừ những đơn vị đã bảo đảm tự chủ tài chính).

- Phấn đấu có 10% đơn vị tự chủ tài chính, giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho các đơn vị sự nghiệp công lập so với giai đoạn 2011 - 2015.

- Hoàn thành cơ bản việc chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác có đủ điều kiện thành công ty cổ phần (trừ các bệnh viện và trường học).

- Hoàn thành lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công (tính đủ tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và khấu hao tài sản) đối với một số lĩnh vực cơ bản như y tế, giáo dục - đào tạo, giáo dục nghề nghiệp.

Giai đoạn đến năm 2025 và 2030

Hoàn thiện đầy đủ và đồng bộ hệ thống pháp luật để thể chế hoá các chủ trương của Đảng về đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, tổ chức và hoạt động đơn vị sự nghiệp công lập.

Đến năm 2025

- Tiếp tục giảm tối thiểu bình quân cả nước 10% đơn vị sự nghiệp công lập và 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2021. Chấm dứt số hợp đồng lao động không đúng quy định trong các đơn vị sự nghiệp công lập (trừ các đơn vị bảo đảm tự chủ tài chính).

[...]
35
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ