Miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp cho đất đồi núi trọc dùng vào việc gì?
Nội dung chính
Miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp cho đất đồi núi trọc dùng vào việc gì?
Căn cứ khoản 1 Điều 14 Nghị định 74-CP năm 1993 quy định như sau:
Điều 14.
1. Miễn thuế cho đất đồi núi trọc dùng vào sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, đất trồng rừng phòng hộ và rừng đặc dụng.
2. Miễn thuế cho đất trồng cây lâu năm chuyển sang trồng lại mới và đất trồng cây hàng năm chuyển sang trồng cây lâu năm, cây ăn quả trong thời gian xây dựng cơ bản và cộng thêm 3 năm từ khi có thu hoạch.
3. Đất khai hoang là đất chưa bao giờ được dùng vào sản xuất hoặc đã bị bỏ hoang ít nhất 5 năm tính đến thời điểm khai hoang đưa vào sản xuất, nếu trồng cây hàng năm được miễn thuế 5 năm (trồng trên đất khai hoang ở miền núi, đầm lầy và lấn biển được miễn thuế 7 năm), nếu trồng cây lâu năm được miễn thuế trong thời gian xây dựng cơ bản và cộng thêm 3 năm kể từ khi bắt đầu có thu hoạch (trồng trên đất khai hoang ở miền núi, đầm lầy và lấn biển được cộng thơm 6 năm), nếu trồng các loại cây lâu năm thu hoạch một lần thì kể từ khi bắt đầu có thu hoạch mới phải nộp thuế bằng 4% giá trị sản lượng thu hoạch.
Đất bãi bồi ven sông, ven biển, đất có mặt nước nuôi trồng thuỷ sản dùng vào sản xuất được ngay, đất do đốt nương rẫy để sản xuất sẽ không được coi là đất khai hoang và không được miễn thuế.
[...]
Như vậy, miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp cho đất đồi núi trọc dùng vào sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, đất trồng rừng phòng hộ và rừng đặc dụng.
Miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp cho đất đồi núi trọc dùng vào việc gì? (Hình từ Internet)
Nhà nước bảo đảm ngân sách đầu tư bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng, rừng phòng hộ ra sao?
Căn cứ khoản 1 Điều 87 Nghị định 156/2018/NĐ-CP được sửa đổi các điểm b, c, g bởi điểm a khoản 33 Điều 1 Nghị định 91/2024/NĐ-CP quy định như sau:
Điều 87. Chính sách đầu tư
Nhà nước bảo đảm ngân sách đầu tư cho các hoạt động sau:
1. Bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng, rừng phòng hộ:
a) Hoạt động quản lý của các ban quản lý rừng;
b) Trồng, chăm sóc, bảo vệ, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng, nuôi dưỡng rừng và làm giàu rừng;
c) Kiểm kê, theo dõi, giám sát diễn biến tài nguyên rừng và đa dạng sinh học; điều tra, thống kê, kiểm kê rừng và công bố hiện trạng rừng;
d) Quản lý thông tin về lâm nghiệp và cơ sở dữ liệu về rừng;
đ) Sưu tập tiêu bản thực vật rừng, động vật rừng;
e) Nghiên cứu khoa học, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, khuyến lâm;
g) Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng; tăng cường năng lực cho lực lượng bảo vệ rừng;
h) Kiểm tra, ngăn chặn, đấu tranh, phòng ngừa và xử lý các vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng;
i) Xây dựng và triển khai phương án quản lý rừng bền vững;
k) Giao rừng, cắm mốc ranh giới rừng.
[...]
Theo đó, Nhà nước bảo đảm ngân sách đầu tư cho hoạt động bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng, rừng phòng hộ cụ thể:
- Hoạt động quản lý của các ban quản lý rừng.
- Trồng, chăm sóc, bảo vệ, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng, nuôi dưỡng và làm giàu rừng.
- Kiểm kê, theo dõi, giám sát diễn biến tài nguyên rừng và đa dạng sinh học; điều tra, thống kê, kiểm kê và công bố hiện trạng rừng.
- Quản lý thông tin lâm nghiệp và cơ sở dữ liệu về rừng.
- Sưu tập tiêu bản thực vật rừng, động vật rừng.
- Nghiên cứu khoa học, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, khuyến lâm.
- Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ, phát triển rừng; tăng cường năng lực bảo vệ rừng.
- Kiểm tra, ngăn chặn và xử lý các vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng.
- Xây dựng và triển khai phương án quản lý rừng bền vững.
- Giao rừng, cắm mốc ranh giới rừng.
Đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ được nhà nước giao có thu tiền sử dụng đất không?
Căn cứ khoản 3 Điều 118 Luật Đất đai 2024 quy định như sau:
Điều 118. Giao đất không thu tiền sử dụng đất
1. Cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp được giao đất nông nghiệp trong hạn mức quy định tại Điều 176 của Luật này.
2. Đất xây dựng trụ sở cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam, cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội; tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật và được Nhà nước giao nhiệm vụ, hỗ trợ kinh phí hoạt động thường xuyên; đất quốc phòng, an ninh; đất sử dụng vào mục đích công cộng không nhằm mục đích kinh doanh; đất nghĩa trang, nhà tang lễ, cơ sở hỏa táng, đất cơ sở lưu giữ tro cốt không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 119 của Luật này; đất tín ngưỡng để bồi thường cho trường hợp Nhà nước thu hồi đất tín ngưỡng.
3. Người sử dụng đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất.
4. Đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng đất xây dựng công trình sự nghiệp.
5. Cộng đồng dân cư sử dụng đất nông nghiệp; tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc sử dụng đất quy định tại khoản 2 Điều 213 của Luật này.
6. Cơ quan, tổ chức sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở công vụ theo quy định của pháp luật về nhà ở.
7. Đồng bào dân tộc thiểu số không phải là cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhưng thuộc đối tượng giao đất không thu tiền sử dụng đất theo chính sách quy định tại Điều 16 của Luật này.
8. Tổ chức sử dụng đất để xây dựng nhà ở phục vụ tái định cư theo dự án của Nhà nước.
9. Việc giao đất quy định tại Điều này được thực hiện theo quy định tại Điều 124 của Luật này.
Như vậy, người sử dụng đất rừng phòng hộ thuộc trường hợp giao đất không thu tiền sử dụng đất.